HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | SA-RA
Đức Chúa Trời gọi bà là “công chúa”
Sa-ra vươn người đứng dậy và nhìn về phía chân trời. Trong khi các gia nhân vui vẻ và bận rộn làm việc, Sa-ra cũng siêng năng làm phần mình. Sa-ra xoa bóp hai bàn tay để làm dịu cơn đau. Có lẽ bà đã mải mê khâu lại phần lều bị rách. Nhìn tấm vải thô bằng lông dê đã bạc màu sau nhiều năm chịu đựng nắng mưa, Sa-ra nhớ lại họ đã sống cuộc đời du mục khá lâu rồi. Chiều tà dần buông, nắng đã ngả vàng. Bà đã tiễn Áp-ra-ham * đi từ sáng, giờ bà mong chờ nhìn về hướng ấy. Vừa thấy bóng dáng quen thuộc của chồng trên ngọn đồi, bà nở nụ cười hiền hậu.
Một thập kỷ trôi qua từ khi Áp-ra-ham dẫn cả gia đình băng qua sông Ơ-phơ-rát vào xứ Ca-na-an. Sa-ra sẵn sàng ủng hộ chồng đi đến một nơi xa lạ. Bà biết ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong ý định của Đức Giê-hô-va, là trở thành tổ phụ của một dòng dõi và một nước được ban phước. Còn Sa-ra có vai trò nào? Bà hiếm muộn và đã 75 tuổi. Có lẽ bà thắc mắc: “Làm sao lời hứa của Đức Giê-hô-va thành hiện thực khi mình bị hiếm muộn thế này?”. Nếu bà lo lắng hay thậm chí mất kiên nhẫn thì cũng là điều dễ hiểu.
Đôi khi chúng ta cũng thắc mắc khi nào Đức Chúa Trời mới thực hiện những lời hứa của ngài. Có thể chúng ta dễ mất kiên nhẫn, đặc biệt khi chờ đợi hy vọng mà mình hằng trông mong. Chúng ta học được gì từ đức tin của người phụ nữ đặc biệt này?
“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔNG CHO TÔI SINH CON”
Không lâu trước đó, cả gia đình vừa trở lại từ Ai Cập (Sáng thế 13:1-4). Họ đóng trại ở cao nguyên phía đông của Bê-tên, hay Lu-xơ, theo cách gọi của người Ca-na-an. Từ trên cao, Sa-ra có thể thấy phần lớn Đất Hứa. Bà thấy các ngôi làng của người Ca-na-an và các con đường dẫn khách lữ hành đến những vùng xa. Dù thế, khung cảnh đó không có gì giống với quê nhà của bà. Bà lớn lên ở U-rơ, thành phố thuộc vùng Mê-sô-bô-ta-mi cách đó 1.900 cây số. Sa-ra đã rời xa bà con, từ bỏ thành phố phồn thịnh với chợ búa và cửa hàng, cùng ngôi nhà tiện nghi có mái và tường chắc chắn, có lẽ cả hệ thống nước! Tuy nhiên, nếu hình dung Sa-ra đang buồn bã nhìn về hướng đông, nuối tiếc quê nhà với tuổi thơ yên bình thì chúng ta chưa hiểu về người phụ nữ tin kính này.
Hãy xem điều sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để ghi lại khoảng 2.000 năm sau. Ông nói về đức tin của Áp-ra-ham và Sa-ra: “Còn nếu những người ấy cứ nhớ về nơi mình ra đi, hẳn họ đã có cơ hội trở về” (Hê-bơ-rơ 11:8, 11, 15). Cả Áp-ra-ham lẫn Sa-ra đều không nuối tiếc quá khứ. Nếu có suy nghĩ đó, hẳn họ đã quyết định trở về. Nhưng nếu trở về, họ sẽ mất đặc ân tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va hứa ban cho. Hơn nữa, họ sẽ không được nhớ đến và không trở thành gương nổi bật về đức tin cho hàng triệu người.
Thay vì nuối tiếc quá khứ, Sa-ra nhìn đến tương lai. Thế nên, bà tiếp tục hỗ trợ chồng khi tạm trú nơi xứ lạ, giúp ông nhổ lều, lùa bầy đàn đi, rồi lại đóng trại. Bà còn trải qua những thay đổi và thử thách khác. Đức Giê-hô-va đã nhắc lại giao ước với Áp-ra-ham, nhưng vẫn không đề cập gì đến Sa-ra!—Sáng thế 13:14-17; 15:5-7.
Cuối cùng, Sa-ra quyết định là đã đến lúc phải nói với Áp-ra-ham kế hoạch của bà. Hãy hình dung nét mặt lo lắng của Sa-ra khi nói với chồng: “Xin mình nghe tôi, Đức Giê-hô-va không cho tôi sinh con”. Rồi bà xin chồng ăn ở với người tớ gái là Ha-ga để có con. Bạn có hình dung Sa-ra khổ tâm thế nào khi đề nghị điều đó với chồng không? Thời nay, có lẽ chúng ta nghĩ đó là lời đề nghị kỳ lạ nhưng vào thời xưa, việc người nam lấy vợ lẽ để sinh con nối dõi là điều phổ biến. * Có lẽ Sa-ra nghĩ rằng cách này sẽ giúp ý định của Đức Chúa Trời thành hiện thực, đó là từ Áp-ra-ham sẽ ra một nước. Dù sao, bà đã sẵn sàng hy sinh. Áp-ra-ham phản ứng thế nào? Kinh Thánh nói ông “nghe lời [Sa-ra]”.—Sáng thế 16:1-3.
Lời tường thuật này có cho thấy Đức Giê-hô-va thúc đẩy Sa-ra đề nghị điều đó không? Không. Lời đề nghị của bà phản ánh quan điểm của người phàm. Bà nghĩ Đức Chúa Trời gây ra vấn đề cho bà, và không thể hình dung là ngài có giải pháp khác. Nhưng giải pháp của Sa-ra đã khiến bà đau buồn và gặp vấn đề. Dù vậy, lời đề nghị ấy cho thấy một tinh thần bất vị kỷ đáng khâm phục. Trong thế gian mà người ta thường nghĩ đến quyền lợi của mình trước hết, chẳng phải tinh thần bất vị kỷ của Sa-ra rất ấn tượng sao? Nếu sẵn sàng đặt ý định của Đức Chúa Trời lên trên quyền lợi cá nhân, chúng ta đang noi theo đức tin của Sa-ra.
“CON CÓ CƯỜI ĐÓ!”
Không lâu sau, Ha-ga có thai với Áp-ra-ham. Có lẽ điều này khiến Ha-ga nghĩ mình quan trọng hơn Sa-ra nên bắt đầu khinh bỉ bà chủ mình. Hẳn Sa-ra thất vọng biết bao! Được sự cho phép của Đức Giê-hô-va và Áp-ra-ham, Sa-ra đã hà khắc với Ha-ga. Sau đó, Ha-ga sinh một con trai là Ích-ma-ên (Sáng thế 16:4-9, 16). Nhiều năm lại trôi qua. Lần tiếp theo khi nhận thông điệp từ Đức Giê-hô-va, Sa-ra đã 89 tuổi và chồng bà 99 tuổi. Thông điệp đó rất đáng kinh ngạc!
Một lần nữa, Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham bạn ngài rằng ngài sẽ làm cho dòng dõi ông tăng lên gấp bội. Đức Chúa Trời cũng đổi tên ông. Trước đó tên ông là Áp-ram, nhưng giờ đây được đổi thành Áp-ra-ham, nghĩa là “cha của nhiều người”. Và bây giờ, lần đầu tiên Đức Giê-hô-va cho biết vai trò của Sa-ra. Ngài đổi tên bà từ Sa-rai, có thể nghĩa là “hay tranh cãi”, thành Sa-ra, là tên mà chúng ta quen thuộc. Nhưng Sa-ra có nghĩa gì? Nghĩa là “công chúa”! Đức Giê-hô-va giải thích lý do ngài chọn tên ấy cho người phụ nữ đáng quý này: “Ta sẽ ban phước cho người, và qua người, ta sẽ ban cho con một con trai; ta sẽ ban phước cho người, từ người sẽ ra các dân tộc và các vua”.—Sáng thế 17:5, 15, 16.
Giao ước của Đức Giê-hô-va về một dòng dõi đem lại ân phước cho các nước sẽ thành hiện thực qua con trai Sa-ra! Đức Giê-hô-va đặt tên cho con trai bà là Y-sác, nghĩa là “cười”. Khi nghe Đức Giê-hô-va có ý định cho Sa-ra sinh một con trai, Áp-ra-ham đã “sấp mặt xuống đất và cười” (Sáng thế 17:17). Ông quá kinh ngạc và hạnh phúc (Rô-ma 4:19, 20). Còn Sa-ra thì sao?
Sau đó không lâu, có ba người lạ đến trại của Áp-ra-ham. Giữa trưa nắng gắt, cặp vợ chồng lớn tuổi này vẫn nhanh chóng đón tiếp các vị khách. Áp-ra-ham bảo Sa-ra: “Mình ơi, mau lên! Hãy lấy ba đấu bột mịn, nhào bột và làm mấy chiếc bánh”. Thời đó, muốn thể hiện lòng hiếu khách thì phải làm nhiều việc. Áp-ra-ham không để vợ làm hết một mình. Ông chạy đi làm thịt một con bò tơ và chuẩn bị thêm thức ăn, nước uống (Sáng thế 18:1-8). Hóa ra những người lạ ấy là thiên sứ của Đức Giê-hô-va! Hẳn sứ đồ Phao-lô đã nghĩ đến sự việc này khi viết: “Đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ làm thế, một số người đã tiếp đãi các thiên sứ mà không hay biết” (Hê-bơ-rơ 13:2). Bạn có thể noi gương đáng khen về lòng hiếu khách của Áp-ra-ham và Sa-ra không?
Khi một thiên sứ nhắc lại với Áp-ra-ham về lời hứa Sa-ra sẽ sinh con trai, bà đang đứng trong lều và nghe. Việc sinh con ở tuổi này là điều quá kỳ lạ đến nỗi vừa nghe xong, bà không thể kìm được nên cười thầm và nói: “Tôi già cỗi thế này và chúa tôi cũng đã cao tuổi, có thật là tôi sẽ được niềm vui đó sao?”. Thiên sứ bèn hỏi Sa-ra: “Có gì là quá khó với Đức Giê-hô-va chăng?”. Sa-ra sợ hãi, biện hộ và phản ứng theo cách của người phàm. Bà chối: “Con đâu có cười!”. Thiên sứ nói: “Có, con có cười đó!”.—Sáng thế 18:9-15.
Việc Sa-ra cười có cho thấy bà thiếu đức tin không? Hoàn toàn không. Kinh Thánh nói: “Cũng bởi đức tin, Sa-ra nhận được quyền năng để thụ thai, dù khi ấy đã quá tuổi sinh nở, vì bà xem đấng đã ban lời hứa là đấng trung tín” (Hê-bơ-rơ 11:11). Sa-ra biết Đức Giê-hô-va. Bà biết ngài có thể thực hiện bất cứ lời nào ngài hứa. Ai trong chúng ta cũng cần có đức tin mạnh như thế. Chúng ta cần nỗ lực để biết rõ hơn về Đức Chúa Trời. Khi làm thế, chúng ta sẽ thấy Sa-ra đã đúng khi vun trồng đức tin mạnh. Đức Giê-hô-va thật sự là đấng trung tín và thực hiện mọi lời hứa, đôi khi ngài làm thế theo cách khiến chúng ta cười trong vui sướng và kinh ngạc!
“HÃY NGHE VỢ CON”
Cuối cùng khi 90 tuổi, Sa-ra sung sướng cảm nhận giây phút mà bà đã mong chờ cả đời. Bà sinh hạ một con trai cho người chồng yêu dấu, nay đã 100 tuổi! Áp-ra-ham đặt tên con là Y-sác, nghĩa là “cười”, y như Đức Chúa Trời đã phán. Dù kiệt sức, Sa-ra nở nụ cười thật tươi và nói: “Đức Chúa Trời làm cho tôi cười vui sướng, ai nghe được điều này cũng sẽ cười với tôi” (Sáng thế 21:6). Hẳn món quà kỳ diệu này từ Đức Giê-hô-va đã làm Sa-ra vui mừng đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên, món quà này cũng kèm theo trách nhiệm quan trọng.
Khi Y-sác thôi bú lúc 5 tuổi, Áp-ra-ham tổ chức một tiệc lớn. Tuy nhiên, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Kinh Thánh cho biết Sa-ra để ý rằng có vấn đề về cách cư xử trong gia đình. Con trai 19 tuổi của Ha-ga là Ích-ma-ên cứ chế nhạo Y-sác. Đó không chỉ là sự đùa giỡn. Sau này, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn ghi lại hành động của Ích-ma-ên là sự ngược đãi. Sa-ra thấy được bản chất của vấn đề là sự an toàn của con mình bị đe dọa. Sa-ra biết rõ Y-sác không chỉ là con bà, mà còn đóng vai trò quan trọng trong ý định của Đức Giê-hô-va. Vì thế, bà thu hết can đảm để nói rõ với Áp-ra-ham. Bà đề nghị ông đuổi Ha-ga và Ích-ma-ên đi.—Sáng thế 21:8-10; Ga-la-ti 4:22, 23, 29.
Áp-ra-ham phản ứng thế nào? Kinh Thánh cho biết: “Áp-ra-ham rất phiền lòng trước những điều Sa-ra nói về con trai ông”. Áp-ra-ham thương Ích-ma-ên nên điều này rất khó cho ông. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va thấy rõ vấn đề nên ngài đã can thiệp. Kinh Thánh tường thuật: “Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham: ‘Đừng phiền lòng trước những điều Sa-ra nói về con trai con và tớ gái ấy. Hãy nghe vợ con, vì những người được gọi là dòng dõi của con sẽ ra từ Y-sác’”. Đức Giê-hô-va đảm bảo với Áp-ra-ham rằng Ha-ga và con trai bà sẽ được chăm sóc. Áp-ra-ham đã trung thành và vâng lời.—Sáng thế 21:11-14.
Sa-ra thật sự là người vợ hiền, là người bổ trợ cho Áp-ra-ham. Bà không chỉ nói những điều vừa lòng chồng. Khi thấy có vấn đề ảnh hưởng đến gia đình và tương lai của họ, bà thẳng thắn trình bày với chồng. Sự thẳng thắn của bà không phải là thiếu tôn trọng. Về sau, sứ đồ Phi-e-rơ, một người đã lập gia đình, đã nhắc đến gương nổi bật của Sa-ra vì bà là người vợ tôn trọng chồng sâu xa (1 Cô-rinh-tô 9:5; 1 Phi-e-rơ 3:5, 6). Thật ra, nếu im lặng trước vấn đề này, Sa-ra sẽ không tôn trọng Áp-ra-ham vì có thể khiến ông và cả gia đình chịu tổn thất nặng nề. Sa-ra đã tử tế nói ra điều cần nói.
Nhiều người vợ quý trọng gương mẫu của Sa-ra. Họ học từ bà cách nói chuyện thật lòng và tôn trọng với chồng. Thậm chí, một số người vợ còn mong rằng Đức Giê-hô-va sẽ bênh vực mình như trong trường hợp của Sa-ra. Dù sao, họ vẫn có thể noi theo đức tin, tình yêu thương và sự kiên nhẫn nổi bật của Sa-ra.
Đức Giê-hô-va gọi Sa-ra là “công chúa”, nhưng bà không mong được đối xử như bậc vương giả
Dù được chính Đức Giê-hô-va gọi là “công chúa”, người phụ nữ đáng quý này không mong được đối xử như bậc vương giả. Không ngạc nhiên gì khi Áp-ra-ham “khóc Sa-ra và than van vì bà” khi bà qua đời ở tuổi 127 * (Sáng thế 23:1, 2). Ông rất thương nhớ người vợ yêu dấu của mình. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va cũng nhớ người phụ nữ trung thành này, và sẽ làm bà sống lại trong địa đàng. Đời sống vĩnh cửu và tương lai hạnh phúc đang đón chờ Sa-ra và tất cả những ai noi theo đức tin của bà.—Giăng 5:28, 29.
^ đ. 3 Thật ra, lúc này tên của họ là Áp-ram và Sa-rai cho đến khi được Đức Chúa Trời đặt lại tên, nhưng để đơn giản, bài này dùng tên mà họ thường được gọi.
^ đ. 10 Trong một thời gian, Đức Giê-hô-va tạm thời cho phép tục đa thê. Nhưng sau này, ngài giao cho Chúa Giê-su quyền lập lại tiêu chuẩn thời ban đầu trong vườn Ê-đen là một vợ một chồng.—Sáng thế 2:24; Ma-thi-ơ 19:3-9.
^ đ. 25 Sa-ra là người phụ nữ duy nhất được Kinh Thánh ghi lại tuổi thọ.