Bài học từ loài chim trời
“Khá hỏi... các chim trời, thì chúng nó sẽ bảo cho ngươi. Trong các loài nầy, loài nào chẳng biết rằng tay của Đức Chúa Trời đã làm ra những vật ấy?”.—Gióp 12:7, 9.
Hơn 3.000 năm trước, tộc trưởng Gióp nhận thấy các loài chim cho biết nhiều điều về công việc của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, nhờ có những tập tính đặc trưng, các loài chim đã trở thành đề tài lý tưởng để dùng làm minh họa và phép ẩn dụ. Trong Kinh Thánh, nhiều câu đề cập đến loài chim giúp chúng ta rút ra nhiều bài học quan trọng về đời sống và mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Hãy cùng xem vài ví dụ.
NƠI CHIM ÉN LÀM TỔ
Người dân Giê-ru-sa-lem quen thuộc với chim én, là loài thường làm tổ dưới mái hiên nhà. Một số con làm tổ trong đền thờ của Sa-lô-môn. Dường như đối với những chim én thường làm tổ ở khu vực đền thờ mỗi năm, đó là nơi an toàn để chúng được bình yên nuôi con.
Người viết bài Thi-thiên 84 là con cháu của Cô-rê. Mỗi sáu tháng, ông đến đền thờ một tuần để phụng sự. Tại khu vực đền thờ, ông thấy có các tổ chim. Ông ao ước được như chim én ở trong nhà Đức Giê-hô-va mãi mãi và thốt lên: “Lạy Chúa Toàn Năng, đền thờ Ngài thật đẹp! Tôi chỉ ao ước được ở trong sân của đền thờ Ngài... Con chim sẻ tìm được nơi ở, và chim én tìm được nơi xây tổ. Chúng nó nuôi con gần bàn thờ Ngài” (Thi-thiên 84:1-3, Bản Phổ thông). Chúng ta cùng với con cái của mình có thể hiện lòng mong ước và biết ơn như thế bằng cách đều đặn đến hội thánh cùng dân của Đức Chúa Trời không?—Thi-thiên 26:8, 12.
CON CÒ BIẾT KỲ CỦA NÓ
Nhà tiên tri Giê-rê-mi viết: “Chim hạc [cò] giữa khoảng-không tự biết các mùa đã định cho nó”. Chắc hẳn ông biết rõ những chuyến di cư của loài cò qua Đất Hứa. Người ta cho biết vào mùa xuân có hơn 300.000 cò trắng di cư từ châu Phi sang Bắc Âu theo đường thung lũng Giô-đanh. Vào mùa hè, đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ thôi thúc chúng trở về nơi sinh sản. Như những loài chim di cư khác, chúng “giữ kỳ dời chỗ ở”.—Giê-rê-mi 8:7.
Cuốn Collins Atlas of Bird Migration cho biết: “Điều kỳ diệu là tập tính di cư nằm ở bản năng”. Đức Giê-hô-va ban cho các loài chim di cư bản năng phân biệt các mùa, nhưng ban cho loài người khả năng nhận biết các thời kỳ (Lu-ca 12:54-56). Khác với bản năng của loài cò, sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là mấu chốt để con người nhận ra tầm quan trọng của các biến cố trong thời mình đang sống. Dân Y-sơ-ra-ên vào thời Giê-rê-mi đã lờ đi các dấu hiệu như thế. Đức Chúa Trời cho biết nguyên nhân của điều đó khi nói: “Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn-ngoan nó là thể nào?”.—Giê-rê-mi 8:9.
chúng ta đang sống trong thời kỳ Kinh Thánh gọi là “những ngày sau cùng” (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Bạn sẽ bắt chước loài cò và chú ý đến thời kỳ của mình không?
Ngày nay, có rất nhiều bằng chứng cho thấyĐẠI BÀNG CÓ TẦM NHÌN XA
Kinh Thánh nhiều lần đề cập đến đại bàng, và cái bóng nổi bật của loài chim này là hình ảnh quen thuộc ở vùng Đất Hứa. Từ những tổ được xây trên vách đá rất cao, đại bàng “rình mồi” và “mắt nó thấy mồi ở xa” (Gióp 39:30-32). Tầm nhìn của đại bàng xa đến mức có thể phát hiện ra con thỏ cách đó một cây số.
Như đại bàng ‘thấy ở xa’, Đức Giê-hô-va có thể thấy xa đến tận tương lai. Thế nên, ngài tuyên bố: “Ta đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên” (Ê-sai 46:10). Khi nghe lời khuyên dạy của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể được lợi ích từ tầm nhìn xa và sự khôn ngoan vô song của ngài.—Ê-sai 48:17, 18.
Kinh Thánh cũng ví những người tin cậy Đức Chúa Trời với đại bàng: “Ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng [đại bàng]” (Ê-sai 40:31). Đại bàng bay vút lên nhờ tận dụng những luồng khí nóng. Khi tìm được luồng khí nóng, nó sải cánh và lượn vòng trong luồng khí này, càng lúc càng lên cao hơn. Đại bàng không dùng sức riêng để lướt đi trên những chặng đường dài. Tương tự, những người tin cậy Đức Giê-hô-va có thể hướng đến ngài vì ngài là đấng hứa ban cho họ “sức lực hơn mức bình thường”.—2 Cô-rinh-tô 4:7, 8.
“NHƯ GÀ MẸ TÚC CON MÌNH”
Vài ngày trước khi chết, Chúa Giê-su đã dừng lại nhìn thủ đô của người Do Thái. Ngài thở dài và nói: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi đã giết các nhà tiên tri và ném đá những người được sai đến! Đã bao lần ta muốn nhóm con cái ngươi lại, như gà mẹ túc con mình dưới cánh! Nhưng các ngươi không muốn”.—Ma-thi-ơ 23:37.
Một trong những bản năng mạnh mẽ nhất của loài chim là ước muốn bảo vệ con. Những loài chim làm tổ trên mặt đất, chẳng hạn gà mẹ, cần đề cao cảnh giác trước các mối nguy hiểm. Nếu thấy có diều hâu bay lượn phía trên, gà mẹ lập tức sẽ kêu một tiếng lớn cảnh báo để những chú gà con nhanh chóng chạy đến núp dưới cánh an toàn của mẹ. Đó cũng là nơi ẩn nấp cho gà con để tránh cái nắng nóng hoặc cơn mưa lớn. Chúa Giê-su muốn kêu gọi người dân Giê-ru-sa-lem đến nhận sự che chở và trú náu về mặt tâm linh. Ngày nay, Chúa Giê-su mời chúng ta đến với ngài để được bảo vệ và thoát khỏi những gánh nặng cùng sự lo âu của đời sống.—Ma-thi-ơ 11:28, 29.
Thật vậy, có rất nhiều điều chúng ta có thể học từ các loài chim này. Khi quan sát chúng, hãy nhớ lại phép ẩn dụ trong Kinh Thánh. Mong rằng hình ảnh chim én sẽ giúp bạn quý trọng nhà của Đức Giê-hô-va. Mong rằng bạn sẽ đặt hy vọng nơi Đức Chúa Trời hầu có thể cất cánh bay cao như đại bàng. Mong rằng bạn đến với Chúa Giê-su để được thỏa mãn về tâm linh, là điều sẽ bảo vệ bạn như gà mẹ bảo vệ con mình. Và mong rằng hình ảnh con cò sẽ nhắc bạn luôn tỉnh thức trước các biến cố thế giới đánh dấu thời kỳ của chúng ta.