Tại sao chúng ta phải “luôn thức canh”?
“Anh em không biết ngày nào Chúa mình đến”.—MAT 24:42.
BÀI HÁT: 136, 129
1. Hãy nêu minh họa cho thấy tại sao việc ý thức về thời gian và những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta là điều quan trọng. (Xem hình nơi đầu bài).
Năm, bốn, ba, hai, một! Khi xem đồng hồ đếm ngược trên màn hình video, chúng ta biết đã đến lúc ổn định chỗ ngồi để thưởng thức phần âm nhạc dạo đầu, mở màn cho một phiên họp của hội nghị. Đã đến lúc ngồi trật tự để lắng nghe phần âm nhạc tuyệt vời do dàn nhạc của Hội Tháp Canh trình diễn. Quan trọng hơn cả, đó là lúc chúng ta chuẩn bị lòng và trí để lắng nghe các bài giảng sẽ diễn ra sau đó. Nhưng nói sao nếu có một số người không tập trung, đi đi lại lại hoặc nói chuyện với bạn bè của họ và không biết rằng chương trình sắp bắt đầu? Rõ ràng, họ đã không ý thức về thời gian cũng như những gì đang diễn ra xung quanh: anh chủ tọa đang trên bục, âm nhạc đang được mở và cử tọa đã ngồi vào ghế. Tình huống đó có thể giúp chúng ta hiểu được rằng thời gian cũng đang “đếm ngược” cho một sự kiện lớn hơn rất nhiều, một sự kiện đòi hỏi chúng ta phải ý thức sâu sắc về những điều sẽ xảy đến trong tương lai gần đây. Đó là sự kiện nào?
2. Tại sao Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Hãy luôn thức canh”?
2 Khi nói về “kỳ cuối cùng của thời đại này”, Chúa Giê-su Ki-tô Mat 24:3; đọc Mác 13:32-37). Lời tường thuật của Ma-thi-ơ về cùng chủ đề ấy cũng cho biết rằng Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ của ngài phải giữ tỉnh thức: “Vậy, hãy luôn thức canh, vì anh em không biết ngày nào Chúa mình đến... Anh em cũng hãy sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ”. Một lần nữa, ngài nói: “Vậy hãy luôn thức canh, vì anh em không biết ngày và giờ đó”.—Mat 24:42-44; 25:13.
khuyến giục các môn đồ: “Hãy luôn canh chừng và tỉnh thức, vì anh em không biết thời điểm đã định là khi nào”. Sau đó, Chúa Giê-su nhiều lần khuyên họ: “Hãy luôn thức canh” (3. Tại sao chúng ta để ý đến lời cảnh báo của Chúa Giê-su?
3 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta nghiêm túc để ý đến lời cảnh báo của Chúa Giê-su. Chúng ta biết rằng mình đang sống trong giai đoạn chót của “kỳ cuối-cùng”, và không bao lâu nữa “hoạn nạn lớn” sẽ bắt đầu! (Đa 12:4; Mat 24:21). Chúng ta thấy những cuộc chiến tranh gây khổ sở, sự vô luân và gian ác ngày càng gia tăng, tình trạng lộn xộn về tôn giáo, sự đói kém, dịch bệnh và động đất đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta biết dân của Đức Giê-hô-va đang rao giảng về Nước Trời trên khắp đất (Mat 24:7, 11, 12, 14; Lu 21:11). Giờ đây chúng ta háo hức trông đợi thời điểm Chúa Giê-su đến và hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời.—Mác 13:26, 27.
ĐẾM NGƯỢC THỜI GIAN
4. (a) Tại sao chúng ta có thể tin rằng hiện nay Chúa Giê-su đã biết khi nào Ha-ma-ghê-đôn sẽ xảy ra? (b) Dù không biết khi nào hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu, nhưng chúng ta có thể tin chắc điều gì?
4 Chúng ta biết rằng mỗi phiên họp của hội nghị đều bắt đầu vào thời gian được ấn định. Nhưng dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể biết được hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu chính xác vào năm nào, huống chi là ngày và giờ của sự kiện đó. Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su đã nói: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết, kể cả thiên sứ trên trời và Con cũng vậy, nhưng chỉ mình Cha biết mà thôi” (Mat 24:36). Nhưng hiện nay Đấng Ki-tô đã được giao quyền ở trên trời để tiến hành chiến tranh với thế gian của Sa-tan (Khải 19:11-16). Do đó, hợp lý để kết luận rằng hiện nay Chúa Giê-su đã biết khi nào Ha-ma-ghê-đôn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta không biết về thời điểm đó, nên điều trọng yếu là chúng ta tiếp tục cảnh giác cho đến khi hoạn nạn lớn bắt đầu. Dù vậy, thời điểm của sự kiện đó chưa bao giờ là mơ hồ với Đức Giê-hô-va. Ngài đã ấn định chính xác khi nào sự cuối cùng sẽ đến. Ngài đang đếm ngược thời gian đến khi hoạn nạn lớn bắt đầu, và sự kiện ấy sẽ bắt đầu một cách “không chậm-trễ”. (Đọc Ha-ba-cúc 2:1-3). Làm sao chúng ta có thể tin chắc điều này?
5. Hãy nêu một ví dụ cho thấy các lời tiên tri của Đức Giê-hô-va luôn ứng nghiệm vào đúng thời điểm.
5 Các lời tiên tri của Đức Giê-hô-va luôn ứng nghiệm vào đúng thời điểm! Hãy xem thời điểm chính xác mà ngài giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập. Môi-se đã nói về ngày 14 tháng Ni-san năm 1513 TCN như sau: “Khi mãn bốn trăm ba mươi năm rồi, thì, cũng trong ngày đó, các quân-đội của Đức Giê-hô-va ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất 12:40-42). “Bốn trăm ba mươi năm” đó bắt đầu khi giao ước của Đức Giê-hô-va với Áp-ra-ham có hiệu lực vào năm 1943 TCN (Ga 3:17, 18). Một thời gian sau, Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham: “Phải biết rằng, dòng-dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi-mọi cho dân xứ đó và bị họ hà-hiếp bốn trăm năm” (Sáng 15:13; Công 7:6). “Bốn trăm năm” bị hà hiếp đó bắt đầu vào năm 1913 TCN khi Ích-ma-ên cười nhạo Y-sác lúc Y-sác cai sữa, và kết thúc khi dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai Cập vào năm 1513 TCN (Sáng 21:8-10; Ga 4:22-29). Đúng vậy, từ bốn thế kỷ trước đó, Đức Giê-hô-va đã ấn định thời gian chính xác để giải cứu dân của ngài!
6. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân ngài?
6 Giô-suê nằm trong số những người được giải thoát khỏi Ai Cập. Ông nhắc cả dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết” (Giô-suê 23:2, 14). Chúng ta có thể tin chắc rằng lời hứa của Đức Giê-hô-va về việc giải cứu chúng ta qua hoạn nạn lớn cũng sẽ được thực hiện. Nhưng nếu muốn sống sót khi thế gian này bị hủy diệt, chúng ta phải luôn thức canh.
HÃY LUÔN THỨC CANH ĐỂ SỐNG SÓT
7, 8. (a) Vào thời xưa, người lính canh có vai trò gì, và điều này dạy cho chúng ta bài học nào? (b) Hãy nêu ví dụ cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu những người lính canh ngủ trong khi đang làm nhiệm vụ.
7 Chúng ta có thể học được từ thời xưa một bài học về tầm quan trọng của việc thức canh. Thời đó có nhiều thành lớn, như Giê-ru-sa-lem, được bao bọc bởi những bức tường cao. Những bức tường ấy giúp ngăn chặn quân xâm lược, đồng thời có những vị trí thuận lợi ở trên cao mà từ đó có thể quan sát xung quanh. Cả ngày lẫn đêm, những người lính canh được bố trí đứng trên các bức tường và tại các cổng. Họ phải báo động cho dân bên trong thành khi có bất cứ mối nguy hiểm nào đang đến gần (Ê-sai 62:6). Việc những người lính giữ tỉnh thức và sự tập trung tại vị trí của mình là vấn đề mang tính sống còn.—Ê-xê 33:6.
8 Sử gia Do Thái là Josephus ghi lại rằng vào năm 70 CN, quân La Mã đã chiếm được tháp Antonia, nằm sát tường thành Giê-ru-sa-lem, vì lính canh tại cổng đang ngủ! Từ vị trí đó, quân La Mã tấn công và phóng hỏa đền thờ, đánh dấu giai đoạn cuối của hoạn nạn lớn nhất mà Giê-ru-sa-lem và nước Do Thái từng trải qua.
9. Ngày nay, phần lớn người ta không biết về điều gì?
9 Hầu hết các quốc gia ngày nay có “lính canh” dưới hình thức là đội tuần tra biên giới và hệ thống giám sát hiện đại. Họ canh chừng để phát hiện những người xâm nhập lãnh thổ và kẻ thù đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, những “lính canh” này chỉ nhìn thấy mối đe dọa đến từ các chính phủ thế gian hay con người. Họ không biết về sự hiện diện và công việc của chính phủ mà Đức Chúa Trời thiết lập ở trên trời, do Đấng Ki-tô cai trị, cũng như vai trò mà chính phủ ấy sẽ thực hiện trong sự phán xét sắp xảy đến trên mọi nước (Ê-sai 9:5, 6; 56:10; Đa 2:44). Ngược lại, nhờ tỉnh thức và cảnh giác về phương diện thiêng liêng, chúng ta sẽ ở trong tư thế sẵn sàng dù ngày phán xét ấy xảy đến bất cứ khi nào.—Thi 130:6.
CẢNH GIÁC ĐỂ KHÔNG BỊ PHÂN TÂM
10, 11. (a) Chúng ta phải cẩn thận về điều gì, và tại sao? (b) Tại sao anh chị tin chắc rằng Kẻ Quỷ Quyệt đã gây ảnh hưởng khiến người ta không để ý đến lời tiên tri trong Kinh Thánh?
10 Hãy hình dung một người lính canh đã thức suốt đêm tại vị trí của mình. Thời điểm người ấy mệt mỏi nhất và muốn ngủ nhất là ngay trước khi hết giờ làm nhiệm vụ. Tương tự thế, càng đến gần sự kết liễu của thế gian này, chúng ta càng khó giữ tỉnh thức hơn. Hậu quả sẽ tồi tệ biết bao nếu chúng ta thất bại trong việc thức canh! Hãy xem xét ba ảnh hưởng tiêu cực có thể làm suy yếu sự tỉnh thức và cảnh giác nếu chúng ta không cẩn thận.
11 Kẻ Quỷ Quyệt đang ru ngủ người ta về thiêng liêng. Không lâu trước khi chết, Chúa Giê-su đã ba lần cảnh báo các môn đồ về “kẻ cai trị thế gian này” (Giăng 12:31; 14:30; 16:11). Chúa Giê-su biết rằng Kẻ Quỷ Quyệt sẽ khiến tâm trí người ta luôn ở trong tình trạng tối tăm, nhờ thế hắn có thể làm giảm đi tính khẩn trương được thể hiện xuyên suốt trong các lời tiên tri của Đức Chúa Trời về tương lai (Sô 1:14). Sa-tan làm mù tâm trí người ta qua đế quốc tôn giáo sai lầm. Anh chị đã nhận thấy điều gì khi nói chuyện với người ta? Chẳng phải Kẻ Quỷ Quyệt đã ‘làm mù tâm trí những người không tin đạo’, để họ không ý thức về sự kết liễu sắp đến của thế gian này và về việc Đấng Ki-tô hiện đang cai trị Nước Đức Chúa Trời hay sao? (2 Cô 4:3-6). Đã bao nhiêu lần anh chị nghe người ta nói rằng “tôi không quan tâm”? Trong phần lớn trường hợp, họ thờ ơ khi chúng ta cố gắng cho họ biết thế gian này đang đi về đâu.
12. Tại sao chúng ta không được để cho Kẻ Quỷ Quyệt lừa dối?
12 Đừng để sự thờ ơ của người khác khiến anh chị nản lòng hoặc không còn muốn thức canh. Anh chị biết rõ việc thức canh quan trọng thế nào. Phao-lô viết cho các anh em đồng đạo: “Chính anh em biết rõ rằng ngày của Đức Giê-hô-va sẽ đến”. Ông nói thêm: “Y như kẻ trộm trong ban đêm”. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6). Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta: “Hãy luôn sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ” (Lu 12:39, 40). Không lâu nữa, Sa-tan sẽ lừa dối hầu hết mọi người để họ tin rằng có “hòa bình và an ninh”. Hắn sẽ khiến người ta suy nghĩ sai lầm rằng tình hình thế giới vẫn ổn định. Còn chúng ta thì sao? Ngày phán xét ấy sẽ không “đến với [chúng ta] một cách bất ngờ như ánh sáng ban ngày bất ngờ đến với kẻ trộm” nếu chúng ta “tỉnh thức và giữ mình tỉnh táo”. Đó là lý do chúng ta phải đọc Lời Đức Chúa Trời hằng ngày và suy ngẫm về điều Đức Giê-hô-va đang nói với chúng ta.
13. Tinh thần thế gian đang tác động thế nào đến nhân loại, và làm thế nào chúng ta có thể tránh được ảnh hưởng nguy hiểm đó?
13 Tinh thần thế gian đang ru ngủ về thiêng liêng. Nhiều người quá bận tâm về những vấn đề thông thường của đời sống, đến mức họ không “nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Mat 5:3). Họ mải mê theo đuổi của cải vật chất trong thế gian, là điều làm gia tăng “sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt” (1 Giăng 2:16). Ngoài ra, ngành công nghiệp giải trí đã khiến cho nhiều người chìm đắm trong việc “ham mê lạc thú”, và những cám dỗ này đang gia tăng mỗi năm (2 Ti 3:4). Đó là lý do Phao-lô khuyên các tín đồ đạo Đấng Ki-tô “đừng toan tính làm thế nào để thỏa mãn những ham muốn xác thịt”, là điều khiến họ bị ru ngủ về thiêng liêng.—Rô 13:11-14.
14. Chúng ta thấy lời cảnh báo nào nơi Lu-ca 21:34, 35?
14 Chúng ta không muốn tiếp nhận tinh thần thế gian. Thay vì thế, chúng ta muốn thần khí Đức Chúa Trời tác động đến đời sống của mình. Qua thần khí, Đức Giê-hô-va đã giúp chúng ta hiểu rõ về những sự kiện sắp xảy ra (1 Cô 2:12). [1] Dù vậy, chúng ta nhận ra rằng không cần phải có điều gì đặc biệt mới khiến một người buồn ngủ về thiêng liêng. Những điều thông thường trong đời sống có thể khiến chúng ta buồn ngủ về thiêng liêng nếu chúng ta để những điều ấy lấn át các hoạt động thiêng liêng của mình. (Đọc Lu-ca 21:34, 35). Người khác có thể chế giễu khi thấy chúng ta luôn thức canh, nhưng chúng ta không nên để cho điều đó khiến mình mất đi tinh thần khẩn trương (2 Phi 3:3-7). Thay vì thế, chúng ta phải đều đặn kết hợp với anh em đồng đạo tại các buổi nhóm họp của hội thánh, là nơi có thần khí của Đức Chúa Trời.
15. Điều gì đã xảy ra cho Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, và điều ấy cũng có thể xảy ra cho chúng ta như thế nào?
15 Sự bất toàn có thể làm suy giảm lòng quyết tâm của chúng ta trong việc giữ tỉnh thức. Chúa Giê-su biết rằng người bất toàn có khuynh hướng chiều theo sự yếu đuối của xác thịt. Hãy xem điều gì đã xảy ra vào đêm trước khi Chúa Giê-su bị xử tử. Để giữ lòng trung kiên, ngài cần xin Cha trên trời ban sức mạnh. Chúa Giê-su bảo Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng “thức canh” trong khi ngài cầu nguyện. Tuy nhiên, họ đã không nhận thấy tầm quan trọng của những điều sắp xảy ra. Thay vì canh chừng cho Thầy của mình, họ đã chiều theo mong muốn của xác thịt và ngủ gục. Dù Chúa Giê-su cũng mệt mỏi về thể chất, nhưng ngài đã hoàn toàn tỉnh thức và cầu nguyện tha thiết với Cha. Lẽ ra những người bạn của ngài cũng nên làm thế.—Mác 14:32-41.
16. Theo Lu-ca 21:36, Chúa Giê-su đã hướng dẫn chúng ta “luôn tỉnh thức” bằng cách nào?
16 Để “luôn tỉnh thức” về thiêng liêng, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ có những ước muốn tốt. Vài ngày trước sự kiện xảy ra ở vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su đã bảo các môn đồ của ngài là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. (Đọc Lu-ca 21:36). Thế nên, để luôn thức canh về thiêng liêng, chúng ta cũng phải tỉnh thức trong việc cầu nguyện.—1 Phi 4:7.
HÃY CHO THẤY ANH CHỊ LUÔN THỨC CANH
17. Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng mình sẵn sàng cho những gì sẽ đến trong tương lai gần đây?
17 Vì Chúa Giê-su nói rằng sự cuối cùng sẽ đến “vào giờ mà [chúng ta] không ngờ”, nên bây giờ không phải là lúc để ngủ gật về thiêng liêng, không phải là lúc để theo đuổi những ảo mộng mà Sa-tan cùng thế gian của hắn đưa ra và xác thịt của chúng ta ham muốn (Mat 24:44). Qua các trang Kinh Thánh, Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô cho chúng ta biết hai đấng ấy đã dành sẵn điều gì cho chúng ta trong tương lai sắp tới cũng như cách chúng ta có thể luôn thức canh. Chúng ta phải để ý đến tình trạng thiêng liêng của mình, để ý đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và ưu tiên cho Nước Trời. Chúng ta phải ý thức về thời gian và các sự kiện để có thể sẵn sàng cho những điều sắp đến (Khải 22:20). Sự sống của chúng ta tùy thuộc vào việc đó!