Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | RÊ-BÊ-CA

“Tôi muốn đi”

“Tôi muốn đi”

Rê-bê-ca nhìn ra khắp vùng địa hình nhấp nhô khi ánh chiều tà đã ngả bóng. Sau chuyến hành trình nhiều tuần trên lưng lạc đà, cuối cùng thì nàng cũng đã quen với những bước đi lắc lư của con vật đó. Ngôi nhà thời thơ ấu của nàng ở Cha-ran đã khuất xa phía sau hàng trăm dặm về hướng đông bắc. Có thể Rê-bê-ca sẽ không bao giờ gặp lại người thân nữa. Những băn khoăn về tương lai hẳn tràn ngập tâm trí nàng, đặc biệt là giờ đây nàng đã đi đến gần cuối chuyến hành trình.

Đoàn người đã băng qua gần hết xứ Ca-na-an và đang đi ngang vùng đất khắc nghiệt Negeb (Sáng-thế Ký 24:62). Chắc hẳn Rê-bê-ca đã nhìn thấy những bầy cừu. Có thể vùng đất ở đây quá hoang sơ và khô hạn cho việc trồng trọt, nhưng lại có đồng cỏ mênh mông để chăn gia súc. Người dẫn đường già cả của nàng rất quen thuộc với khu vực này. Ông háo hức muốn mang tin vui về cho chủ: Rê-bê-ca sẽ là vợ của Y-sác! Dù vậy, hẳn Rê-bê-ca thắc mắc không biết cuộc sống mới của mình sẽ ra sao. Chú rể Y-sác là một người như thế nào? Họ chưa một lần gặp mặt nhau! Liệu chàng có hài lòng khi nhìn thấy nàng không? Và nàng sẽ cảm nhận thế nào về chàng?

Tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay, những cuộc hôn nhân được sắp đặt trước có vẻ kỳ lạ. Tại những vùng khác, điều đó có thể phổ biến. Cho dù gốc gác ở đâu, có lẽ bạn cũng đồng ý rằng Rê-bê-ca đang hướng về một chốn xa lạ. Nàng thật sự là cô gái có đức tin và lòng can đảm nổi bật. Chúng ta cần cả hai đức tính này khi đối mặt với những thay đổi trong đời. Đức tin của Rê-bê-ca cũng giúp nàng có được những phẩm chất hiếm có và quý báu khác.

“TÔI CŨNG SẼ XÁCH CHO MẤY CON LẠC-ĐÀ CHÚA UỐNG NỮA”

Thay đổi lớn trong cuộc đời Rê-bê-ca xảy ra vào một dịp mà dường như hết sức bình thường đối với nàng. Rê-bê-ca lớn lên ở thành Cha-ran hoặc gần đó. Thành phố này thuộc vùng Mê-sô-bô-ta-mi. Khác với hầu hết người dân ở Cha-ran, cha mẹ nàng không thờ thần mặt trăng Sin. Thay vì thế, họ thờ phượng Đức Chúa Trời của mình là Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế Ký 24:50.

Ở tuổi trưởng thành, Rê-bê-ca là cô gái xinh đẹp. Nhưng nàng không phải là một người đẹp chân yếu tay mềm hay tỏ vẻ kiêu kỳ. Nàng tràn đầy sức sống và giữ được phẩm hạnh tốt. Gia đình nàng khá giả và có người hầu, nhưng không vì thế mà Rê-bê-ca được nuông chiều và cung phụng như một nàng công chúa. Nàng được dạy là phải làm việc chăm chỉ. Như nhiều phụ nữ vào thời đó, Rê-bê-ca phải làm một số công việc nhà nặng nhọc, bao gồm việc lấy nước về cho gia đình. Vào xế chiều, nàng nâng bình lên vai và đi tới giếng nước.—Sáng-thế Ký 24:11, 15, 16.

Một buổi chiều kia, sau khi nàng đã múc đầy bình nước, một người đàn ông lớn tuổi chạy đến gặp nàng. Ông nói: “Xin hãy cho tôi uống một hớp nước trong bình”. Thật là một lời yêu cầu khiêm tốn và lịch sự làm sao! Rê-bê-ca có thể nhận ra là người đàn ông đó đã đi một quãng đường xa. Vì vậy, nàng nhanh chóng nhấc bình nước khỏi vai đưa cho ông uống, không chỉ một hớp mà có thể uống tùy thích thứ nước mát lạnh đó. Nàng để ý mười con lạc đà của ông ở kế bên không có nước uống vì máng đã cạn. Nàng thấy được ánh mắt nhân từ của người ấy đang chăm chú nhìn nàng, và nàng muốn thể hiện lòng rộng rãi hết khả năng của mình. Nàng nói: “Tôi cũng sẽ xách cho mấy con lạc-đà chúa uống nữa, chừng nào uống đã thì thôi”.—Sáng-thế Ký 24:17-19.

Hãy lưu ý là Rê-bê-ca không chỉ đề nghị cho mười con lạc đà uống chút nước, mà là cho chúng uống thỏa thích. Khi rất khát, một con lạc đà có thể uống đến 95 lít nước! Nếu cả mười con lạc đà đều rất khát, Rê-bê-ca phải làm việc vất vả trong nhiều giờ. Tuy nhiên, như mọi việc cho thấy, có vẻ mấy con lạc đà không khát lắm. * Nhưng Rê-bê-ca có biết điều đó khi nàng đưa ra lời đề nghị không? Không. Nàng sẵn lòng, thậm chí háo hức làm việc siêng năng để thể hiện lòng hiếu khách với người đàn ông lạ mặt lớn tuổi. Ông chấp nhận lời đề nghị của nàng. Rồi ông chăm chú quan sát khi nàng chạy tới chạy lui, múc hết bình này đến bình khác đổ vào máng nước.—Sáng-thế Ký 24:20, 21.

Rê-bê-ca siêng năng và hiếu khách

Rê-bê-ca đã nêu lên một gương mẫu xuất sắc cho chúng ta ngày nay. Chúng ta sống trong một thời đại mà sự ích kỷ đang lan tràn. Như được báo trước, người ta “chỉ biết yêu bản thân”, không muốn mất công tốn sức vì người khác (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Nếu muốn chống lại ảnh hưởng của khuynh hướng trên, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể suy ngẫm về một hình ảnh rất đẹp trong Kinh Thánh, hình ảnh của cô gái trẻ thời xưa chạy tới chạy lui nơi giếng nước.

Hẳn là Rê-bê-ca để ý đến cái nhìn chăm chú của người đàn ông lớn tuổi ấy. Không có gì là không đứng đắn trong ánh mắt đó, nó chỉ cho thấy một sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ và niềm vui. Cuối cùng khi Rê-bê-ca làm xong việc, ông tặng nàng món quà nữ trang quý giá! Rồi ông hỏi: “Nàng là con ai? xin nói cho tôi biết. Trong nhà cha nàng có chỗ nào cho tôi ở nghỉ ban đêm chăng?”. Ông càng vui hơn khi nghe Rê-bê-ca kể về gia đình nàng. Với lòng nhiệt thành, nàng nói tiếp: “Nhà chúng tôi có nhiều rơm và cỏ, và cũng có chỗ để cho ở nghỉ nữa”. Vì có nhiều người đi cùng người đàn ông ấy, nên lời đề nghị trên thật hấp dẫn. Rồi nàng tức tốc chạy về báo cho mẹ biết chuyện vừa xảy ra.—Sáng-thế Ký 24:22-28, 32.

Rõ ràng từ nhỏ Rê-bê-ca được dạy là phải hiếu khách, một đức tính mà dường như đang mất đi vào thời nay. Đây là lý do khác để chúng ta noi theo đức tin của cô gái trẻ tốt bụng này. Đức tin nơi Đức Chúa Trời nên thôi thúc chúng ta tỏ lòng hiếu khách. Đức Giê-hô-va có tính hiếu khách vì ngài rộng rãi với mọi người. Ngài muốn những người thờ phượng ngài cũng có đức tính ấy. Khi tỏ lòng hiếu khách, ngay cả với những ai có lẽ không bao giờ đền đáp lại, chúng ta làm Cha trên trời vui lòng.—Ma-thi-ơ 5:44-46; 1 Phi-e-rơ 4:9.

‘NGƯƠI HÃY CƯỚI CHO CON TRAI TA MỘT NGƯỜI VỢ’

Người đàn ông lớn tuổi ở giếng nước là ai? Ông là một đầy tớ của Áp-ra-ham, anh của ông nội Rê-bê-ca. Vì vậy mà ông được chào đón trong nhà của Bê-tu-ên, cha nàng. Người đầy tớ này có thể là Ê-li-ê-se. * Chủ nhà mời ông dùng bữa, nhưng ông không chịu ăn nếu chưa được trình bày lý do ông đến đây (Sáng-thế Ký 24:31-33). Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh ông nói cách phấn khởi, vì ông vừa được thấy bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Chúa Trời của ông là Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ông trong nhiệm vụ vô cùng quan trọng này. Như thế nào?

Hãy hình dung Ê-li-ê-se đang kể lại câu chuyện, trong khi cha của Rê-bê-ca là Bê-tu-ên và anh trai nàng là La-ban chăm chú lắng nghe. Ông cho họ biết rằng Đức Giê-hô-va đã ban phước rất nhiều cho Áp-ra-ham ở Ca-na-an. Áp-ra-ham và Sa-ra đã có một con trai là Y-sác và người con này sẽ thừa kế toàn bộ sản nghiệp. Áp-ra-ham đã giao cho người đầy tớ này một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Ông phải tìm được một người vợ cho Y-sác trong vòng họ hàng của Áp-ra-ham ở Cha-ran.—Sáng-thế Ký 24:34-38.

Áp-ra-ham bắt Ê-li-ê-se phải thề là ông sẽ không chọn phụ nữ Ca-na-an để làm vợ Y-sác. Tại sao? Vì người Ca-na-an không tôn kính và thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham biết rằng Đức Giê-hô-va đã định thời điểm để trừng phạt dân đó vì họ có lối sống độc ác. Ông không muốn con trai yêu dấu của mình bị ràng buộc với dân đó cũng như sa vào lối sống xấu xa của họ. Ông cũng biết con trai mình đóng vai trò thiết yếu trong việc hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 15:16; 17:19; 24:2-4.

Ê-li-ê-se tiếp tục kể cho chủ nhà rằng khi ông đến giếng nước gần Cha-ran, ông đã cầu nguyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ông xin Đức Giê-hô-va hãy chọn giúp ông một cô gái để làm vợ Y-sác. Bằng cách nào? Ê-li-ê-se xin Đức Chúa Trời khiến cho người con gái mà ngài muốn Y-sác kết hôn đi đến giếng nước. Khi ông xin nước, nàng sẽ cho uống, cũng như cho mấy con lạc đà uống nữa (Sáng-thế Ký 24:12-14). Và ai đã xuất hiện rồi làm y như thế? Chính là Rê-bê-ca! Hãy tưởng tượng nàng cảm thấy như thế nào nếu vô tình nghe được câu chuyện của Ê-li-ê-se!

Bê-tu-ên và La-ban xúc động trước lời kể của Ê-li-ê-se. Họ nói: “Điều đó do nơi Đức Giê-hô-va mà ra”. Theo truyền thống, họ kết ước và gả Rê-bê-ca cho Y-sác (Sáng-thế Ký 24:50-54). Nhưng phải chăng như thế có nghĩa là Rê-bê-ca không có tiếng nói nào trong việc này?

Vài tuần trước đó, Ê-li-ê-se đã nêu vấn đề với Áp-ra-ham. Ông nói: “Có lẽ người con gái không khứng theo tôi về”. Áp-ra-ham đáp: “Thì ngươi sẽ được gỡ lời thề nặng của ngươi đã thề” (Sáng-thế Ký 24:39, 41). Đối với gia đình Bê-tu-ên, ý kiến của Rê-bê-ca cũng rất quan trọng. Ê-li-ê-se vô cùng phấn khởi trước thành công của nhiệm vụ được giao đến mức vào sáng hôm sau, ông hỏi rằng liệu ông có thể cùng Rê-bê-ca quay trở về Ca-na-an ngay lập tức không. Nhưng gia đình Rê-bê-ca muốn nàng ở lại với họ ít nhất mười ngày nữa. Cuối cùng, họ giải quyết như sau: “Chúng ta hãy gọi người gái trẻ đó và hỏi ý nó ra sao”.—Sáng-thế Ký 24:57.

Đó là một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời Rê-bê-ca. Nàng sẽ trả lời thế nào? Liệu nàng có lợi dụng tình cảm của cha và anh mình để xin được thoát khỏi cuộc hành trình về nơi xa lạ này không? Hay nàng sẽ xem đó là một đặc ân khi có phần trong chuỗi sự kiện mà rõ ràng được Đức Giê-hô-va dẫn dắt? Đây sẽ là một thay đổi bất ngờ trong đời Rê-bê-ca, thậm chí có thể khiến nàng lo sợ. Nhưng qua câu trả lời, chúng ta biết được nàng cảm thấy như thế nào về điều này. Nàng đơn giản nói: “Tôi muốn đi”.—Sáng-thế Ký 24:58.

Thật là một tinh thần đáng khen! Ngày nay, những phong tục về hôn nhân có lẽ đã thay đổi nhiều, nhưng chúng ta vẫn có thể học từ tấm gương của Rê-bê-ca. Điều quan trọng nhất đối với nàng không phải là ý thích bản thân mà là ý muốn của Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va. Liên quan đến hôn nhân vào thời nay, Lời Đức Chúa Trời vẫn mang lại cho chúng ta sự hướng dẫn tốt nhất. Kinh Thánh giúp chúng ta biết cách tìm bạn đời cũng như biết cách để trở thành một người chồng và người vợ tốt (2 Cô-rinh-tô 6:14, 15; Ê-phê-sô 5:28-33). Chúng ta nên noi gương Rê-bê-ca và cố gắng làm mọi việc theo đường lối của Đức Chúa Trời.

‘NGƯỜI Ở ĐẰNG TRƯỚC MẶT ĐÓ LÀ AI?’

Gia đình của Bê-tu-ên chúc phước cho nàng Rê-bê-ca yêu dấu của họ. Rồi nàng và người vú nuôi Đê-bô-ra cùng một số đầy tớ gái lên đường với Ê-li-ê-se và người của ông (Sáng-thế Ký 24:59-61; 35:8). Chẳng mấy chốc, Cha-ran đã nằm xa lại phía sau họ. Đó là một cuộc hành trình dài khoảng 800 cây số và có lẽ họ phải đi mất ba tuần. Hẳn chuyến đi ấy rất vất vả. Rê-bê-ca đã từng nhìn thấy nhiều lạc đà trong đời, nhưng chúng ta không thể cho rằng nàng có kinh nghiệm cưỡi lạc đà. Kinh Thánh mô tả gia đình nàng làm nghề chăn cừu, chứ không phải là những nhà buôn cưỡi các đoàn lạc đà (Sáng-thế Ký 29:10). Những người mới cưỡi lạc đà thường than phiền về sự bất tiện, dù chỉ mới đi được một quãng đường rất ngắn!

Nhưng dù thế nào đi nữa thì nàng Rê-bê-ca cũng luôn hướng về phía trước. Có lẽ nàng đang cố để biết càng nhiều càng tốt về Y-sác và gia đình chàng. Hãy tưởng tượng cảnh người đàn ông lớn tuổi ngồi trò chuyện với nàng bên đống lửa vào ban đêm và kể cho nàng nghe lời hứa của Đức Giê-hô-va với bạn ngài là Áp-ra-ham. Từ con cháu của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một dòng dõi mang lại ân phước cho toàn thể nhân loại. Hãy hình dung Rê-bê-ca hết sức kinh ngạc và cảm phục khi nhận ra rằng lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện qua người chồng sắp cưới của nàng là Y-sác, tức là cũng qua nàng!—Sáng-thế Ký 22:15-18.

Rê-bê-ca thể hiện tính khiêm nhường quý giá và hiếm gặp

Cuối cùng thì đã đến ngày mà chúng ta đề cập ở đầu bài. Khi đoàn người đi ngang qua vùng Negeb và trời đã chạng vạng, Rê-bê-ca nhìn thấy một người đàn ông đang đi lại ngoài đồng. Người đó có vẻ đang trầm tư suy ngẫm. Kinh Thánh viết: ‘Rê-bê-ca liền nhảy xuống lạc-đà’, thậm chí có lẽ nàng còn không đợi cho lạc đà quỳ xuống. Rồi nàng hỏi người dẫn đường lớn tuổi của mình: “Người ở đằng trước mặt tôi đi lại trong đồng đó là ai?”. Khi biết được đó chính là Y-sác, nàng lấy khăn che đầu lại (Sáng-thế Ký 24:62-65). Tại sao? Hành động đó hẳn là một cử chỉ thể hiện sự kính trọng với người chồng tương lai. Lòng vâng phục như thế có lẽ bị một số người ngày nay xem là lỗi thời. Dù vậy, cả nam lẫn nữ ngày nay đều có thể học được từ tính khiêm nhường của Rê-bê-ca, vì ai trong chúng ta cũng cần vun trồng thêm đức tính đáng mến đó.

Y-sác, lúc này khoảng 40 tuổi, vẫn còn buồn vì nỗi đau mất mẹ là Sa-ra. Bà qua đời khoảng ba năm trước. Qua đó, chúng ta có thể đoán Y-sác là một người có tình cảm nồng ấm và dịu dàng. Chàng thật có phước khi cưới được một người vợ siêng năng, hiếu khách và khiêm nhường! Hai người sẽ cảm nhận về nhau như thế nào? Kinh Thánh chỉ nói: ‘Y-sác yêu-mến nàng’.—Sáng-thế Ký 24:67; 26:8.

Thậm chí đối với chúng ta, dù gần bốn thiên niên kỷ đã trôi qua, Rê-bê-ca cũng thật đáng yêu. Làm sao chúng ta có thể không ngưỡng mộ lòng can đảm, sự siêng năng, tính hiếu khách và khiêm nhường của nàng? Dù già hay trẻ, nam hay nữ, đã có gia đình hay còn độc thân, tất cả chúng ta hãy noi theo đức tin của nàng!

^ đ. 10 Lúc đó đã là chiều tối. Lời tường thuật không nhắc gì đến việc Rê-bê-ca phải ở lại giếng nước trong nhiều giờ. Lời tường thuật cũng không cho thấy rằng gia đình nàng đã ngủ khi nàng về nhà hoặc có ai đó đến giếng nước để xem tại sao nàng lại đi lâu như vậy.

^ đ. 15 Ê-li-ê-se không được nêu tên, nhưng có vẻ chính ông là người đầy tớ trong câu chuyện này. Vào một dịp, Áp-ra-ham đã định trao toàn bộ tài sản cho Ê-li-ê-se trong trường hợp không có con để thừa kế, vì vậy Ê-li-ê-se hẳn là một đầy tớ lớn nhất và đáng tin cậy nhất của Áp-ra-ham. Người đầy tớ trong câu chuyện này cũng được mô tả là đầy tớ lớn tuổi và được tin cậy nhất trong nhà.—Sáng-thế Ký 15:2; 24:2-4.