MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Khả năng hấp thụ ánh sáng của cánh bướm
Để giảm sự phụ thuộc của con người vào nhiên liệu hóa thạch, các nhà khoa học mong muốn cải thiện hiệu suất hấp thu ánh sáng của các thiết bị năng lượng mặt trời. Một khoa học gia nói: “Giải pháp cho vấn đề này dường như... ‘dập dờn’ trước mắt chúng ta”.
Hãy suy nghĩ điều này: Để giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh, các con bướm dang rộng đôi cánh dưới ánh nắng mặt trời. Cánh của một vài loài bướm phượng có khả năng thu giữ và hấp thụ ánh nắng mặt trời hết sức hiệu quả. Bí quyết của loài côn trùng này không chỉ nằm ở sắc tố sẫm của cánh nhưng còn ở kết cấu gồm những vảy cực nhỏ xếp chồng lên nhau phủ trên bề mặt cánh. Những vảy này được tạo thành bởi các dãy hố hình tổ ong được ngăn cách với nhau bằng những gờ hình chữ V ngược có tác dụng hứng ánh sáng vào các hố. Kết cấu tinh xảo này thu giữ ánh nắng, khiến cánh bướm trở nên đen sẫm và làm ấm cơ thể con bướm một cách vô cùng hiệu quả.
Trang web Science Daily cho biết: “Cánh bướm có thể được xếp vào hàng các kết cấu mỏng manh nhất trong thiên nhiên, nhưng chúng khơi nguồn cảm hứng cho các nhà nghiên cứu để sáng chế công nghệ mới có khả năng sản xuất hyđrô—một loại nhiên liệu xanh trong tương lai—với năng suất gấp đôi, từ nước và ánh nắng mặt trời”. Ngoài ra, kết cấu của cánh bướm cũng có triển vọng để ứng dụng vào các dụng cụ quang học và pin mặt trời.
Bạn nghĩ sao? Kết cấu để hấp thụ ánh sáng của cánh bướm do tiến hóa? Hay do được thiết kế?