BÀI TRANG BÌA
Căng thẳng—Làm sao để kiểm soát?
“Tôi cảm thấy mình chẳng khác gì một con chuột chạy trong lồng tròn, ra sức chạy mà chẳng đi đến đâu. Tôi thường làm việc 16 giờ một ngày và hiếm khi được nghỉ cuối tuần. Tôi giận chính mình vì chỉ gặp con gái bé bỏng khi cháu đã đi ngủ. Căng thẳng làm tôi phát bệnh”.—Kari, Phần Lan.
Trường hợp của anh Kari không phải là hiếm thấy. Theo thống kê của một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ những người gặp vấn đề về tâm lý ở Anh Quốc, cứ 5 người lao động Anh thì có 1 người nói rằng sự căng thẳng từng khiến họ mắc bệnh, và cứ 4 người thì có 1 người từng khóc trong khi làm vì bất lực trước sức ép của công việc. Lượng tiêu thụ thuốc chống trầm cảm gia tăng chưa từng thấy trong năm 2009, khi kinh tế bị suy thoái.
Nguyên nhân nào khiến bạn căng thẳng?
Sự bấp bênh—tài chính hoặc điều khác
Thời gian biểu khắt khe
Mâu thuẫn cá nhân
Biến cố đau lòng
Sự căng thẳng ảnh hưởng đến bạn ra sao?
Rối loạn cơ thể
Kiệt quệ tinh thần
Rối loạn giấc ngủ
Trầm cảm
Làm rạn nứt những mối quan hệ
Sự căng thẳng quá mức sẽ kích hoạt một hệ thống báo động trong cơ thể bạn. Khi hệ thống kỳ diệu này hoạt động, các hoóc-mon được giải phóng ra làm tăng nhịp thở, nhịp tim và huyết áp. Đồng thời, các tế bào máu và glucose dự trữ tràn vào mạch máu. Một loạt những phản ứng này chuẩn bị cho bạn để đương đầu với tác nhân gây căng thẳng. Sau khi tác nhân gây căng thẳng qua đi, cơ thể bạn có thể trở lại bình thường. Nhưng nếu tác nhân này kéo dài thì có thể khiến bạn mắc chứng lo âu hoặc căng thẳng kinh niên, giống như một động cơ hoạt động liên tục với công suất cao. Vì vậy, học cách đối phó với căng thẳng là điều thiết yếu cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Kiểm soát sự căng thẳng
Bản thân sự căng thẳng không hẳn là có hại. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết: “Tác động của sự căng thẳng đối với con người có thể được ví với độ căng của dây đàn vĩ cầm: nếu không đủ căng thì âm thanh phát ra sẽ bị rè và không rõ, còn nếu quá căng thì âm thanh phát ra sẽ chói tai hoặc làm đứt dây đàn. Sự căng thẳng có thể là nguyên nhân gây chết người nhưng cũng có thể là hương vị của cuộc sống. Vấn đề thật sự nằm ở chỗ một người có biết cách kiểm soát nó hay không”.
Một yếu tố khác là mỗi người có tính cách và thể chất khác nhau. Do đó, điều làm một người căng thẳng có thể không phải là vấn đề với người khác. Dù vậy, bạn vẫn có thể bị căng thẳng quá mức nếu thời gian biểu làm bạn căng đến mức không thể giải tỏa hoặc đối phó với một tình trạng khẩn cấp.
Để “đối phó” với sự căng thẳng kinh niên, một số người tìm đến rượu, chất gây nghiện hoặc thuốc lá. Số khác bắt đầu những thói quen ăn uống có hại hay ngồi thụ động trước màn hình ti-vi hoặc máy tính. Những thói quen này không giải quyết gốc rễ của vấn đề mà còn làm cho vấn đề trầm trọng hơn. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát căng thẳng một cách hiệu quả?
Nhiều người đã kiểm soát được sự căng thẳng trong cuộc sống bằng cách áp dụng những lời khuyên thực tế của Kinh Thánh. Những lời khuyên khôn ngoan ấy đã giúp ích cho nhiều người, liệu có hữu ích cho bạn không? Để trả lời, chúng ta hãy cùng xem xét bốn tác nhân gây căng thẳng thường gặp.
1 SỰ BẤP BÊNH
Không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi sự bấp bênh. Kinh Thánh nói: “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người” (Truyền-đạo 9:11, NW). Làm thế nào bạn có thể đối phó với những cảm xúc bất an? Hãy thử áp dụng những đề nghị sau.
Tâm sự với người thân hoặc một người bạn đáng tin cậy. Các nghiên cứu cho thấy sự hỗ trợ của những người thân yêu luôn là một sự che chở giúp chúng ta tránh được các chứng rối loạn liên quan đến sự căng thẳng. Thật thế, “bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.
Đừng cứ nghĩ đến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Suy nghĩ như thế không giúp ích gì mà chỉ làm bạn kiệt quệ tinh thần. Hơn nữa, những điều bạn lo sợ có thể sẽ không xảy ra. Vì vậy, Kinh Thánh khuyên: “Chớ lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có điều lo lắng của ngày mai”.—Ma-thi-ơ 6:34.
Tận dụng sức mạnh của lời cầu nguyện. Câu 1 Phi-e-rơ 5:7 khuyến khích: “Hãy trao hết mọi lo lắng cho [Đức Chúa Trời], vì ngài quan tâm đến anh em”. Đức Chúa Trời thể hiện lòng quan tâm bằng cách ban cho chúng ta sự bình an nội tâm và trấn an chúng ta rằng ngài sẽ “chẳng bao giờ bỏ” những người có lòng thành tìm đến ngài để được an ủi và giúp đỡ trong lúc khó khăn.—Hê-bơ-rơ 13:5; Phi-líp 4:6, 7.
2 THỜI GIAN BIỂU KHẮT KHE
Một thời gian biểu khắt khe với những hoạt động như đi lại, làm việc, học tập hoặc chăm sóc con cái hay cha mẹ lớn tuổi có thể khiến bạn bị căng thẳng cao độ. Hơn nữa, ngưng vài điều trong số những hoạt động ấy dường như là không thể (1 Ti-mô-thê 5:8). Vậy, bạn có thể làm gì để đương đầu với tình trạng này?
Dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi đầy đủ. Kinh Thánh nói: “Thà đầy một lòng bàn tay mà bình-an, hơn là đầy cả hai mà bị lao-khổ, theo luồng gió thổi”.—Truyền-đạo 4:6.
Sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý và có một lối sống giản dị (Phi-líp 1:10). Có thể nghĩ đến việc đơn giản hóa đời sống, chẳng hạn bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc thời gian làm việc.—Lu-ca 21:34, 35.
Anh Kari được đề cập ở trên đã thay đổi cái nhìn về cuộc sống khi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Anh bộc bạch: “Tôi nhận ra mình đã theo đuổi một lối sống ích kỷ”. Anh nhượng cửa hàng và nhận một công việc khác để có nhiều thời gian ở nhà hơn. Anh thừa nhận: “Đúng là mức sống của gia đình tôi giảm đi, nhưng giờ đây vợ chồng tôi không còn bị căng thẳng triền miên. Chúng tôi cũng có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Tôi sẽ không đánh đổi sự bình an nội tâm hiện có với bất cứ cơ hội làm ăn nào”.
3 MÂU THUẪN CÁ NHÂN
Mâu thuẫn với người khác, đặc biệt tại chỗ làm, có thể khiến bạn rất căng thẳng. Nếu bạn đang đối mặt với những tình huống như vậy, một số điều dưới đây có thể giúp bạn.
Khi ai đó làm bạn tức giận, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Đừng thêm dầu vào lửa. Châm-ngôn 15:1 nói: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm”.
Cố gắng dàn xếp mâu thuẫn một cách kín đáo và tôn trọng, qua đó thể hiện lòng quý trọng phẩm giá của người kia.—Ma-thi-ơ 5:23-25.
Cố gắng hiểu cảm xúc và quan điểm của người kia. Điều này sẽ giúp bạn đặt mình vào hoàn cảnh của người ấy, nhờ thế sẽ “chậm nóng-giận” (Châm-ngôn 19:11). Đồng thời cũng có thể giúp bạn nhìn lại mình theo cái nhìn của người ấy.
Cố gắng tha thứ. Tha thứ không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là một liều thuốc bổ. Một nghiên cứu trong năm 2001 cho biết “sự cưu mang hờn giận” có thể làm huyết áp và nhịp tim “tăng cao”, trong khi tha thứ làm giảm sự căng thẳng.—Cô-lô-se 3:13.
4 NHỮNG BIẾN CỐ ĐAU LÒNG
Chị Nieng, sống ở Cam-pu-chia, phải trải qua một chuỗi thảm kịch. Năm 1974, chị bị thương do một quả bom phát nổ tại sân bay. Năm sau đó, mẹ, chồng và hai con của chị đồng loạt qua đời. Năm 2000, nhà cửa và toàn bộ tài sản của chị bị lửa thiêu rụi. Ba năm sau, người chồng thứ hai của chị cũng qua đời. Lúc ấy, chị chỉ muốn kết liễu đời sống.
“Thà đầy một lòng bàn tay mà bình-an, hơn là đầy cả hai mà bị lao-khổ”
Tuy nhiên, chị Nieng đã tìm được cách để đương đầu với nghịch cảnh. Như anh Kari, chị tìm hiểu Kinh Thánh và nhận được nhiều lợi ích đến nỗi đã hy sinh thời gian để giúp người khác cũng nhận được lợi ích tương tự. Câu chuyện của chị làm chúng ta liên tưởng đến một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu người Anh thực hiện vào năm 2008. Họ cho biết một phương pháp để tập “đương đầu với căng thẳng là tìm cách ban cho người khác”, điều này đã được Kinh Thánh dạy từ rất lâu.—Công vụ 20:35.
Ngoài ra, chị Nieng có được hy vọng vững chắc về một tương lai tươi sáng hơn, khi ấy mọi vấn đề gây khốn khổ cho nhân loại sẽ biến mất. Thay vào đó, “sẽ có bình-an dư-dật” trên khắp đất.—Thi-thiên 72:7, 8.
Hy vọng thật và sự khôn ngoan—cả hai đều là những điều vô giá giúp đối phó với nhiều căng thẳng trong đời sống, và bạn có thể tìm thấy trong Kinh Thánh. Hàng triệu người đã nhận được lợi ích từ cuốn sách có một không hai này. Bạn cũng có thể nhận được lợi ích như thế.