XÂY ĐẮP TỔ ẤM | DẠY CON
Dạy con biết cách dùng Internet an toàn
THÁCH THỨC
Các tin thời sự gây cho bạn ấn tượng Internet là tụ điểm của những kẻ bắt nạt trên mạng, lợi dụng tình dục và đánh cắp thông tin cá nhân. Vì quan tâm đến con ở tuổi thanh thiếu niên, bạn bắt đầu lo lắng: Con mình thường xuyên lên mạng và dường như không để ý gì tới những nguy hiểm đang rình rập.
Bạn có thể dạy con biết cách dùng Internet an toàn. Nhưng trước hết, hãy xem xét một số điều bạn nên biết về thế giới ảo.
BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?
Thanh thiếu niên có thể truy cập Internet trên các thiết bị di động. Lời khuyên nên đặt máy tính ở những khu vực công cộng trong nhà vẫn có hiệu quả. Nhưng với một chiếc máy tính bảng hoặc điện thoại di động thông minh (smartphone) kết nối Internet, con bạn có thể dễ dàng truy cập vào thế giới ảo hơn bao giờ hết, ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Một số thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để lên mạng. Một em gái 19 tuổi thừa nhận: “Em chỉ định kiểm tra e-mail trong năm phút nhưng cuối cùng lại xem video hàng tiếng liền. Em cần phải tự chủ nhiều hơn”.
Thanh thiếu niên có thể tiết lộ quá nhiều thông tin trên mạng. Kẻ gian có thể liên kết các lời bình luận và hình ảnh mà các bạn trẻ đăng lên mạng để tìm ra những thông tin như chỗ ở, trường các em học và thời gian không có người ở nhà.
Một số thanh thiếu niên không lường được hậu quả của những thông tin mình đăng. Những thông tin đăng lên được lưu trên mạng. Đôi khi những lời bình luận và hình ảnh không hay có thể bị phát hiện sau này, chẳng hạn, khi người chủ nơi xin việc kiểm tra lý lịch của người nộp đơn.
Bất kể những điều đáng lo ngại trên, hãy nhớ rằng: Internet không phải là kẻ thù. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sử dụng Internet thiếu khôn ngoan.
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Dạy con kỹ năng sắp xếp thời gian và thứ tự ưu tiên. Một yếu tố để con trở thành người lớn có trách nhiệm là học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên. Việc trò chuyện với các thành viên trong gia đình, hoàn thành bài tập và làm việc nhà quan trọng hơn việc lướt mạng. Nếu thời gian con lên mạng khiến bạn lo lắng, hãy đặt ra giới hạn, thậm chí có thể dùng thiết bị bấm giờ nếu cần thiết.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Phi-líp 1:10.
Dạy con biết suy xét trước khi đăng một thông tin nào đó. Giúp con tự đặt ra những câu hỏi như: “Lời bình luận mình đang định đăng có thể làm tổn thương người khác không? Hình ảnh này sẽ ảnh hưởng ra sao đến danh tiếng của mình? Mình có cảm thấy xấu hổ nếu bố mẹ hoặc người lớn nhìn thấy hình ảnh hay lời bình luận này không? Họ có thể kết luận điều gì về mình qua đó? Mình sẽ nghĩ gì về một người đăng hình ảnh hay lời bình luận có nội dung như thế?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 10:23.
Dạy con sống theo những giá trị đạo đức, chứ không chỉ luật lệ. Bạn không thể giám sát nhất cử nhất động của con. Hơn nữa, là cha mẹ, mục tiêu của bạn không phải là kiểm soát con nhưng giúp chúng “vận dụng khả năng nhận thức của mình mà khả năng ấy được luyện tập để phân biệt điều đúng, điều sai” (Hê-bơ-rơ 5:14). Do đó, thay vì dạy con chủ yếu bằng luật lệ và sự sửa phạt, hãy động đến ý thức đạo đức của con. Con bạn muốn có tiếng là người như thế nào? Con muốn được biết đến với những đức tính nào? Mục tiêu của bạn là giúp con có những quyết định khôn ngoan, bất kể có bạn bên cạnh hay không.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 3:21.
“Con cái rành về công nghệ. Cha mẹ rành về đời sống”
Việc sử dụng Internet giống như lái xe, thành thạo công nghệ thôi chưa đủ nhưng đòi hỏi óc suy xét. Vì vậy, sự hướng dẫn của bạn—những người làm cha mẹ—vô cùng thiết yếu. Bà Parry Aftab, một chuyên gia về an ninh Internet, nhận xét: “Con cái rành về công nghệ. Cha mẹ rành về đời sống”.