Thắng cuộc chiến chống bệnh béo phì ở người trẻ
Thắng cuộc chiến chống bệnh béo phì ở người trẻ
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội Hoa Kỳ: “Từ năm 1980 đến 2002, số thanh thiếu niên thừa cân tăng gấp ba lần, và tình trạng này tăng hơn gấp đôi ở trẻ em”. Về lâu về dài, người trẻ béo phì có nguy cơ tăng bệnh cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh về tim mạch và một số bệnh ung thư. *
Bệnh béo phì ở trẻ em có thể liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có lối sống ít vận động, chiến dịch quảng cáo nhắm vào những người trẻ và thức ăn có hại cho sức khỏe thì tiện lợi, ít tốn tiền. Trung tâm Kiểm Ngừa Bệnh Hoa Kỳ cho biết: “Bệnh béo phì ở trẻ em là hậu quả của việc thu nạp quá nhiều calo và ít vận động”.
Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn nên xem lại thói quen ăn uống của mình. Dù không cần làm điều gì quá mức, nhưng một vài phương pháp đơn giản cũng có thể giúp đỡ. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của một thanh niên tên Mark, anh nhận thấy việc điều chỉnh thói quen ăn uống giúp anh rất nhiều để có sức khỏe tốt và hạnh phúc hơn. Anh thừa nhận: “Đã có thời gian tôi thèm thức ăn nhanh”. Tạp chí Tỉnh Thức!, có cuộc nói chuyện với anh Mark để biết cách anh đã thay đổi.
Khi nào anh bắt đầu có vấn đề với thức ăn?
Khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp trung học, tôi bắt đầu ăn ở ngoài nhiều. Có hai tiệm thức ăn nhanh gần nơi làm việc nên hầu như mỗi ngày, tôi ăn trưa ở một trong hai tiệm ấy. Tôi thấy đến tiệm thức ăn nhanh tiện hơn là tự chuẩn bị bữa trưa.
Khi anh dọn ra ở riêng thì sao?
Thói quen ăn uống của tôi trở nên tệ hơn. Tôi không biết nấu ăn, và cũng không có nhiều tiền, nhưng tiệm thức ăn nhanh mà tôi thích nhất chỉ cách nhà hai dãy phố. Việc ăn uống ở đó dường như là sự lựa chọn dễ nhất và rẻ nhất. Ngoài việc ăn những thức ăn có hại cho sức khỏe, tôi còn ăn quá nhiều. Một bữa ăn nhanh bình thường không
đủ cho tôi. Tôi mua thêm khoai tây chiên, ly nước ngọt lớn hơn và thêm một hăm-bơ-gơ, nếu có tiền thì mua thêm, loại lớn nhất.Điều gì khiến anh thay đổi?
Lúc mới hơn 20 tuổi, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về sức khỏe của mình. Tôi bị thừa cân. Lúc nào tôi cũng thấy mình chậm chạp và thiếu tự tin nên biết mình cần phải thay đổi.
Làm thế nào anh kiểm soát chế độ ăn uống của mình?
Tôi làm từng bước. Trước tiên, tôi giảm khẩu phần ăn. Tôi tự nhủ: “Đây không phải là bữa ăn cuối, lần khác mình có thể ăn nữa mà”. Thỉnh thoảng sau khi ăn xong, tôi phải rời bàn ăn, nhưng sau đó tôi cảm thấy như mình thắng cuộc.
Anh có sự điều chỉnh nào lớn không?
Một số điều tôi phải hoàn toàn từ bỏ. Chẳng hạn, tôi không uống nước ngọt nữa, và chỉ uống nước lọc thôi. Đó là điều khó khăn. Tôi rất thích nước ngọt và ghét nước lọc. Sau khi uống một ly nước lọc, tôi đã uống vài ngụm nước trái cây để có chút hương vị trong miệng. Sau một thời gian, nước lọc trở nên hấp dẫn hơn với tôi.
Ngoài việc không dùng thức ăn có hại, anh còn làm gì nữa?
Tôi thay thế thức ăn có hại bằng những thức ăn bổ dưỡng hơn. Tôi bắt đầu với trái cây như táo, chuối, các loại dâu tây, và nhiều loại dưa. Tôi cũng ăn các loại protein không mỡ chẳng hạn như thịt gà hoặc cá ngừ. Theo thời gian, các thức ăn này trở thành một trong những thức ăn tôi thích nhất. Khi dùng bữa, tôi cố ăn nhiều rau và các món khác thì ít. Nếu ăn vặt giữa các bữa thì đến bữa chính tôi không ăn quá nhiều. Dần dần, tôi không thèm thức ăn nhanh như trước.
Anh tuyệt đối không còn dùng bữa bên ngoài?
Không, thỉnh thoảng tôi vẫn đi ăn ở ngoài. Nhưng tôi biết cách kiểm soát phần ăn. Nếu lượng thức ăn quá nhiều, tôi xin một cái hộp, rồi để phân nửa vào đó trước khi dùng. Nhờ thế, tôi chỉ ăn vừa đủ chứ không ăn nhiều hơn vì cảm thấy có lỗi khi bỏ lại thức ăn trên đĩa.
Anh đã nhận được lợi ích nào?
Tôi đã giảm cân và có nhiều sức lực hơn. Tôi cảm thấy tự tin hơn. Trên hết, qua việc chăm sóc sức khỏe, tôi vui khi biết mình đang tôn vinh Đức Chúa Trời, đấng ban món quà sự sống (Thi-thiên 36:9). Tôi từng nghĩ ăn uống lành mạnh thật chán. Nhưng nhờ đã bắt đầu ăn uống hợp lý nên không gì có thể khiến tôi thay đổi! *
[Chú thích]
^ đ. 2 Các chuyên gia cho biết những người trẻ thừa cân, thì có 70% khả năng bị thừa cân khi trưởng thành.
^ đ. 20 Tạp chí Tỉnh Thức!, không khuyến khích một phương pháp ăn kiêng nào. Mỗi cá nhân nên cân nhắc kỹ các lựa chọn về dinh dưỡng rồi tư vấn bác sĩ trước khi quyết định. Tránh những cách ăn kiêng theo mốt có thể gây hại sau này.