Thiếu trung thực vì bị áp lực
Thiếu trung thực vì bị áp lực
“Trung thực trong kinh doanh là lỗi thời và những người cố gắng trung thực chắc chắn sẽ thất bại”.—Ông Stephen, Hoa Kỳ.
Bạn có đồng ý với lời nhận xét bi quan trên không? Phải thừa nhận rằng sự thiếu trung thực thường mang lại lợi ích, ít nhất trong một thời gian ngắn. Vì thế, những người trung thực sẽ gặp rất nhiều áp lực trong những khía cạnh dưới đây.
Sự cám dỗ. Ai lại không muốn có thêm tiền hoặc những thứ xa xỉ hơn? Khi có cơ hội làm giàu cách bất chính, thật khó để cưỡng lại.
● “Là người quyết định ký hợp đồng cho công ty nên việc người ta đề nghị hối lộ tôi là chuyện thường. Tiền đến cách dễ dàng như thế có sức cám dỗ rất mạnh”.—Anh Franz, Trung Đông.
Áp lực để có lợi nhuận tối đa. Trong những năm gần đây, việc kinh doanh trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn. Hơn nữa, giới kinh doanh phải đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trong nước cũng như trên toàn cầu. Nhân viên có thể cảm thấy thiếu trung thực là cách duy nhất để đạt mục tiêu do chủ và quản lý đề ra.
● “Chúng tôi nghĩ mình phải làm thế... Nếu không công ty sẽ phá sản”.—Ông Reinhard Siekaczek, người bị bắt vì tội hối lộ.—Tờ The New York Times.
Áp lực từ người khác. Đôi khi đồng nghiệp hay khách hàng gợi ý, thậm chí ép bạn cùng tham gia vào âm mưu bất chính.
● “Quản lý của một khách hàng lớn đã đến gặp tôi và nói rằng tôi sẽ mất mối làm ăn với ông ấy nếu không ‘chia phần cho ông’, ý của ông là đưa tiền lót tay”.—Anh Johan, Nam Phi.
Văn hóa. Một số nền văn hóa có phong tục trao đổi quà tặng khi giao dịch kinh doanh. Nhưng tùy vào giá trị của quà cũng như tình huống khi tặng mà ranh giới của sự trung thực trong kinh doanh có thể bị phong tục này làm lu mờ. Tại vài nước, những quan chức tham nhũng đòi tiền trước khi thực thi nhiệm vụ của mình và sẵn sàng nhận tiền để ưu đãi người hối lộ.
● “Thật khó phân biệt tiền bồi dưỡng và tiền hối lộ”.—Anh William, Colombia.
Môi trường. Những người sống trong cảnh bần cùng hoặc tại những nước có sự náo loạn trong dân chúng gặp áp lực lớn. Trong môi trường như thế, những người không chịu gian lận hoặc trộm cắp có thể bị xem là không chu cấp đủ cho gia đình.
● “Thiếu trung thực được xem là chuyện thường, cần thiết và được chấp nhận miễn là bạn không bị bắt”.—Anh Tomasi, Congo Kinshasa.
Tại sao sự trung thực không còn?
Thiếu trung thực vì bị áp lực có ảnh hưởng rất mạnh. Một cuộc khảo sát về những nhà quản lý kinh doanh ở Úc cho biết 9 trên 10 người xem việc tham nhũng và hối lộ là “sai nhưng không thể tránh”. Những người được
thăm dò cho biết họ sẵn sàng lờ đi vấn đề đạo đức để ký được một hợp đồng hoặc mang lại lợi ích cho công ty.Tuy nhiên, những người dính líu vào sự thiếu trung thực thường tự cho mình là trung thực. Làm thế nào họ dung hòa giữa nhận thức về bản thân và hành vi của mình? Một tạp chí nghiên cứu thị trường (Journal of Marketing Research) cho biết: “Người ta thiếu trung thực vừa đủ để thu lợi, nhưng trung thực vừa đủ để tự dối mình”. Để xoa dịu lương tâm, người ta viện cớ, giảm nhẹ hoặc ngụy biện cho hành động thiếu trung thực bằng nhiều cách.
Chẳng hạn, sự thiếu trung thực có thể được miêu tả bằng những từ nghe có vẻ đạo đức. Nói dối hoặc gian lận dẫn đến việc “đi đường tắt” hoặc “cạnh tranh”. Hối lộ có thể miêu tả đơn thuần là được “ưu đãi” hoặc “chi phí để xúc tiến công việc”.
Những người khác viện cớ cho hành vi đáng ngờ bằng cách hạ thấp quan điểm của mình về sự trung thực. Anh Tom làm việc trong ngành tài chính nhận xét: “Quan điểm của người ta về sự trung thực là có thể làm điều sai, miễn không bị phát hiện”. Anh David, trước đây làm quản trị kinh doanh, nói: “Dù sự thiếu trung thực không được tán thành khi bị phát hiện, nhưng được chấp nhận nếu không ai biết. Người tránh bị phát hiện thì được xem là khôn ngoan vì có ‘óc sáng tạo’”.
Nhiều người thậm chí khẳng định rằng muốn thành công phải thiếu trung thực. Một nhà kinh doanh lâu năm nhận xét: “Thái độ cạnh tranh thường khiến người ta nói: ‘Bạn phải làm bất cứ điều gì để được việc’”. Nhưng quan điểm trên có đúng không? Hay những người ngụy biện cho sự thiếu trung thực thật ra đang “lừa dối mình bởi các lập luận giả dối”? (Gia-cơ 1:22). Hãy xem những lợi ích thực tế của sự trung thực được trình bày trong bài kế tiếp.
[Câu nổi bật nơi trang 5]
“Quan điểm của người ta về sự trung thực là có thể làm điều sai, miễn không bị phát hiện”
[Hình nơi trang 5]
Nhiều người khẳng định rằng muốn thành công phải thiếu trung thực