Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự trợ giúp cho người đau buồn

Sự trợ giúp cho người đau buồn

Sự trợ giúp cho người đau buồn

“Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương”.—Thi-thiên 34:18.

Sau khi mất người thân yêu, có lẽ bạn phải đương đầu với nhiều cảm xúc nặng nề như sốc, chết lặng đi, buồn rầu và thậm chí giận dữ hay thấy có lỗi. Như đã nói trong bài trước, mỗi người đau buồn mỗi khác. Vì thế, có thể bạn không trải qua tất cả cảm xúc ấy và không thể hiện nỗi buồn như những người khác. Tuy nhiên, nếu bạn cần biểu lộ nỗi buồn thì điều đó không có gì sai.

“Hãy bộc lộ nỗi đau!”

Chị Heloisa, bác sĩ được nhắc đến trong bài trước, đã cố kìm nén cảm xúc khi mẹ mất. Chị nói: “Mới đầu tôi khóc nhưng sau đó tôi cố kìm nén cảm xúc của mình, như từng làm khi bệnh nhân của tôi qua đời. Có lẽ đó là lý do khiến sức khỏe tôi suy sụp đáng kể. Tôi khuyên những ai mất người thân: Hãy bộc lộ nỗi đau! Đừng ngại dốc đổ nỗi lòng. Điều đó sẽ giúp bạn thấy khuây khỏa”.

Tuy nhiên, ngày tháng trôi qua, có thể bạn cảm thấy như chị Cecília, có chồng mất vì ung thư. Chị nói: “Đôi khi, tôi thấy thất vọng về bản thân vì có lẽ một số người nghĩ là giờ đây tôi phải nguôi ngoai rồi, nhưng tôi vẫn chưa làm được”.

Nếu có lúc bạn cũng nghĩ như thế, hãy nhớ rằng không phải tất cả mọi người đều đương đầu với nỗi đau theo cùng một cách. Một số người có thể gượng dậy dễ dàng. Tuy nhiên, số khác thì khó khăn hơn. Trong trường hợp ấy, cần có thời gian để vết thương lòng được chữa lành nên đừng ép mình phải nguôi ngoai trong một “thời hạn” nào đó *.

Nói sao nếu bạn cảm thấy nỗi đau của mình dường như là vô tận và bạn dần kiệt sức vì tuyệt vọng? Có lẽ cảm giác của bạn giống như ông Gia-cốp, một người công bình thời xưa. Khi nghe tin con trai ông là Giô-sép đã chết, “ông không chịu cho người ta an ủi” (Sáng-thế Ký 37:35, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nếu bạn cũng cảm thấy thế, những cách thực tế nào có thể giúp bạn không bị chìm ngập trong nỗi đau buồn?

Hãy chăm sóc bản thân. Chị Cecília nói: “Đôi lúc, tôi thấy mệt mỏi kinh khủng và nhận ra rằng tôi đã làm quá sức mình”. Như lời chị Cecília, nỗi đau buồn có thể gây tổn hại nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, bạn cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của mình. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ và ăn những thức ăn bổ dưỡng.

Đúng là ngay cả chuyện ăn uống có lẽ bạn còn không thiết chứ đừng nói gì đến việc đi mua đồ và nấu ăn. Tuy nhiên, ăn uống thiếu chất có thể làm bạn dễ bị nhiễm bệnh và chỉ càng khiến tinh thần bạn suy sụp hơn. Vì thế, ít ra bạn cũng nên ăn từng chút một để giữ sức khỏe. *

Nếu được, hãy tham gia một hình thức tập thể dục nào đó, dù chỉ là đi bộ. Làm thế, bạn sẽ có động lực để ra ngoài thay vì cứ ở trong nhà. Hơn nữa, vận động vừa phải sẽ kích thích não tiết ra endorphin, chất có thể làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Hãy để người khác giúp đỡ. Đối với người mất người hôn phối, điều này đặc biệt cần thiết. Có lẽ có nhiều việc mà người đã khuất thường làm và bây giờ không có ai trông nom. Chẳng hạn, nếu người hôn phối của bạn lo về tài chính hoặc việc nhà thì lúc người ấy mới mất, bạn thấy khó tự mình làm những việc đó. Trong hoàn cảnh ấy, lời đề nghị tế nhị của bạn bè có thể giúp bạn rất nhiều.—Châm-ngôn 25:11.

Kinh Thánh mô tả người bạn chân chính là người “sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn” (Châm-ngôn 17:17). Vì thế, bạn đừng tự cô lập và cho rằng mình là gánh nặng của người khác. Trái lại, việc giao tiếp giống như chiếc cầu giúp bạn bước qua nỗi đau và chấp nhận thực tế. Một phụ nữ trẻ tên là Sally thấy việc gặp gỡ người khác sau khi mẹ qua đời giúp chị lên tinh thần rất nhiều. Chị nói: “Nhiều bạn rủ tôi tham gia một số hoạt động với họ. Điều này thật sự giúp tôi đối phó với nỗi cô đơn tột độ. Tôi luôn biết ơn khi người ta hỏi thăm tôi một câu đơn giản như ‘Bạn thấy thế nào rồi?’. Tôi thấy nói chuyện về mẹ là cách giúp tôi nguôi ngoai nỗi buồn”.

Đừng sợ nhớ lại kỷ niệm. Hãy hồi tưởng lại những kỷ niệm vui vẻ mà bạn đã có với người thân yêu, có thể là xem ảnh. Đành rằng làm thế có thể khiến lòng bạn quặn đau vào lúc đầu, nhưng với thời gian, những kỷ niệm ấy sẽ có tác dụng chữa lành thay vì làm đau đớn.

Bạn cũng có thể thử viết nhật ký. Hãy ghi ra những kỷ niệm vui vẻ, thậm chí là những điều bạn đã muốn nói với người thân yêu khi người ấy còn sống. Có lẽ bạn sẽ hiểu rõ cảm xúc của mình hơn khi đọc nó trên giấy. Viết nhật ký cũng là cách giúp bạn giãi bày nỗi lòng của mình.

Còn việc giữ lại những kỷ vật thì sao? Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, đó cũng không có gì ngạc nhiên vì mỗi người đau buồn mỗi khác. Một số người cảm thấy giữ những vật dụng của người đã khuất khiến nỗi đau khó nguôi ngoai. Số khác lại thấy việc đó giúp ích. Chị Sally, người được nhắc đến ở trên, nói: “Tôi giữ lại nhiều kỷ vật của mẹ. Đó là cách tốt để đương đầu với nỗi đau”. *

Nương cậy nơi “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”. Kinh Thánh nói: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi” (Thi-thiên 55:22). Lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời không chỉ giúp bạn đỡ buồn, đó còn là mối liên lạc thật sự và tối quan trọng của chúng ta với Ngài, vì “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi [chúng ta] trong mọi sự [hoạn nạn, Bản Dịch Mới]”.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.

Niềm an ủi lớn nhất đến từ Lời Đức Chúa Trời. Một người viết Kinh Thánh là Phao-lô nói: “Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời... là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình” (Công-vụ 24:15). Nghĩ đến lời hứa trong Kinh Thánh về sự sống lại là niềm an ủi lớn nhất cho người đang chịu đựng nỗi đau mất người thân yêu *. Chị Lauren, một phụ nữ có em trai mất vì tai nạn, cảm nhận được điều đó. Chị nói: “Dù buồn đến đâu đi nữa, tôi vẫn cầm Kinh Thánh lên đọc, thậm chí chỉ một câu thôi. Tôi chọn những câu khích lệ và đọc đi đọc lại. Chẳng hạn, tôi được an ủi từ lời của Chúa Giê-su nói với Ma-thê sau khi La-xa-rơ qua đời: ‘Em chị sẽ sống lại!’”.—Giăng 11:23, GKPV.

“Đừng để nó chế ngự mình”

Dù đương đầu với nỗi đau là rất khó nhưng điều đó sẽ giúp bạn bước tiếp chặng đường đời. Đừng cảm thấy có lỗi và cho rằng nếu tiếp tục với cuộc sống là bạn đang phản bội hay quên người đã khuất. Sự thật là bạn không bao giờ quên người ấy. Vào một số dịp, những kỷ niệm có thể tràn về nhưng dần dần cảm xúc đau buồn sẽ lắng dịu.

Ngoài ra, bạn có thể nhớ lại những kỷ niệm xưa với cảm giác vui thích. Chẳng hạn, chị Ashley được đề cập trong bài trước, nói: “Tôi còn nhớ cái ngày trước khi mẹ tôi qua đời. Trông mẹ có vẻ khỏe hơn, lần đầu tiên sau nhiều ngày, mẹ tôi ra khỏi giường. Trong khi chị tôi chải đầu cho mẹ, cả ba mẹ con tôi bắt đầu cười về một điều gì đó. Lâu lắm rồi tôi mới thấy nụ cười như thế trên gương mặt mẹ. Chỉ cần được ở cùng hai con gái là mẹ đã rất mãn nguyện rồi”.

Bạn cũng có thể suy ngẫm về những điều quý giá mình học được từ người thân yêu đã khuất. Thí dụ, chị Sally nói: “Mẹ tôi là một người dạy dỗ tuyệt vời. Mẹ đưa ra lời khuyên rất hay, như thể không phải là khuyên. Mẹ cũng dạy tôi biết tự quyết định cách khôn ngoan chứ không phải chỉ theo lời của cha mẹ”.

Có thể những kỷ niệm về người đã khuất chính là sự trợ giúp để bạn tiếp tục sống. Đó là điều mà một thanh niên tên là Alex cảm nghiệm được. Anh nói: “Sau khi ba qua đời, tôi quyết tâm sống theo cách ba đã dạy: Đừng bao giờ quên là phải sống vui vẻ. Tôi muốn nói điều này với những người mất cha hoặc mẹ: Nỗi đau ấy sẽ không thể hoàn toàn mất đi nhưng bạn đừng để nó chế ngự mình. Cứ buồn và than khóc khi cần nhưng đừng quên là bạn vẫn phải tiếp tục sống có ích”.

[Chú thích]

^ đ. 7 Về điều này, bạn nên tránh có những quyết định hấp tấp như chuyển nhà hoặc bắt đầu một mối quan hệ khác. Chỉ nên làm những việc ấy khi bạn đã thích nghi với đời sống mới.

^ đ. 10 Dù rượu có thể giúp nỗi đau của bạn dịu đi phần nào, nhưng nó chỉ có tác dụng tạm thời. Nếu tiếp tục uống rượu, nó sẽ không giúp bạn đương đầu với nỗi đau mà có thể còn làm bạn rơi vào cảnh nghiện ngập.

^ đ. 16 Vì mỗi người đau buồn mỗi khác nên về vấn đề này, bạn bè và người thân không nên áp đặt quan điểm riêng trên người đang đau buồn.—Ga-la-ti 6:2, 5.

^ đ. 18 Để biết tình trạng của người chết và lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chương 67, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 8]

“Dù buồn đến đâu đi nữa, tôi vẫn cầm Kinh Thánh lên đọc, thậm chí chỉ một câu thôi”—Chị Lauren

[Khung/​Hình nơi trang 7]

ĐỐI PHÓ VỚI CẢM GIÁC CÓ LỖI

Có lẽ bạn nghĩ vì mình đã xao lãng phần nào nên góp phần gây ra cái chết của người thân yêu. Khi ý thức rằng cảm giác có lỗi, có thật hay tưởng tượng, là một phản ứng tự nhiên trong lúc đau buồn vì mất người thân, chính điều đó có thể giúp ích cho bạn. Bạn không cần giữ những cảm xúc đó trong lòng. Khi nói ra bạn cảm thấy có lỗi thế nào, bạn có thể vơi bớt nỗi buồn, là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, hãy ý thức rằng mặc dù yêu một người đến mức nào thì chúng ta cũng không thể kiểm soát được đời sống của người đó cũng như không thể ngăn cản được “thời thế và sự bất trắc” xảy ra cho những người mà chúng ta yêu thương (Truyền-đạo 9:11, NW). Ngoài ra, chắc chắn bạn không có ý gì xấu cả. Thí dụ, khi bạn không đặt cuộc hẹn với bác sĩ sớm hơn, có phải bạn cố ý cho người thân yêu bị bệnh và chết không? Dĩ nhiên là không! Vậy thì bạn thật sự gây ra cái chết cho người ấy không? Không.

Một người mẹ đã học cách đương đầu với mặc cảm tội lỗi sau khi con gái bà chết trong một tai nạn xe hơi. Bà giải thích: “Tôi cảm thấy có lỗi vì sai con tôi ra ngoài. Nhưng rồi tôi ý thức rằng cảm thấy thế là vô lý. Không có gì là sai khi bảo con tôi đi làm việc gì đó với ba nó. Đó chỉ là một tai nạn khủng khiếp”.

Bạn có lẽ nói: “Nhưng có bao nhiêu điều mà tôi ước là mình đã nói hay làm”. Đúng, nhưng có ai trong chúng ta có thể nói rằng mình là người cha, mẹ, hay con hoàn hảo? Kinh Thánh nhắc chúng ta: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn” (Gia-cơ 3:2; Rô-ma 5:12). Vậy hãy chấp nhận sự thật là bạn không hoàn hảo. Nếu cứ tiếp tục nghĩ “giá mà mình đã làm cái này, cái nọ...” thì cũng chẳng thay đổi được gì nhưng chỉ làm cho bạn chậm hồi phục mà thôi. *

[Chú thích]

^ đ. 36 Xin xem sách mỏng Khi một người thân yêu chết đi, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 6]

Trong thời điểm đau buồn, đôi khi cha mẹ già phải an ủi con đã trưởng thành

[Các hình nơi trang 9]

Viết nhật ký, xem ảnh và để người khác giúp đỡ là những cách đương đầu với nỗi đau mất người thân yêu