Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chuẩn bị đối phó với chướng ngại

Chuẩn bị đối phó với chướng ngại

Chuẩn bị đối phó với chướng ngại

“Tôi quyết định cai thuốc lá vì sức khỏe của đứa con mới sinh. Vì thế, tôi dán bảng “Không hút thuốc” trong nhà. Nhưng chỉ một giờ sau, cơn thèm thuốc dâng lên như sóng thần, và tôi châm điếu thuốc”. —Anh Yoshimitsu, Nhật.

Như trường hợp của anh Yoshimitsu cho thấy, có những chướng ngại trong quá trình cai thuốc lá. Hơn nữa, các cuộc nghiên cứu ghi nhận gần 90% những người vấp ngã đã bỏ cuộc và trở lại thói nghiện. Vì thế, nếu đang cố bỏ thuốc, bạn dễ thành công hơn nếu chuẩn bị đối phó với chướng ngại. Các chướng ngại thông thường là gì?

Thèm nicotine: Tình trạng này lên đến đỉnh điểm trong ba ngày sau điếu thuốc cuối, và giảm đi sau khoảng hai tuần. Theo một người từng hút thuốc, trong thời gian đó “cơn thèm dâng lên từng đợt, nhưng không đều đặn”. Thậm chí nhiều năm sau, bạn vẫn có thể bất ngờ thèm hút vào một lúc nào đó. Nếu thế, đừng làm gì hấp tấp. Hãy đợi khoảng năm phút, cơn thèm thường sẽ qua.

Những triệu chứng khác vì thiếu thuốc: Lúc đầu, người ta thấy khó tỉnh táo hoặc tập trung, và dễ lên cân hơn. Họ cũng có thể bị đau nhức, ngứa ngáy, toát mồ hôi và ho cũng như thay đổi tính khí, chẳng hạn dễ bực bội, nóng nảy, thậm chí buồn bã. Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng sẽ giảm dần trong bốn đến sáu tuần.

Trong giai đoạn quyết định này, làm một số điều thiết thực sẽ giúp ích cho bạn. Thí dụ:

● Ngủ nhiều hơn.

● Uống nhiều nước hoặc nước trái cây. Ăn thức ăn lành mạnh.

● Tập thể dục vừa phải.

● Hít thở sâu, và hình dung không khí trong lành đang tràn vào phổi.

Những yếu tố châm ngòi: Đây là những hoạt động hay cảm xúc có thể khơi dậy cơn thèm hút thuốc. Chẳng hạn, bạn thường hút khi dùng một loại thức uống nào đó. Nếu thế, trong lúc bỏ thuốc lá, đừng kề cà khi uống loại thức uống ấy. Tất nhiên, với thời gian, bạn sẽ có thể uống một cách thong thả hơn.

Liên kết về tâm lý có thể vẫn tồn tại lâu sau khi cơ thể không còn lệ thuộc chất nicotine. Anh Torben, được đề cập ở bài trước, thú nhận: “Sau 19 năm bỏ thuốc, tôi vẫn cảm thấy muốn hút thuốc trong giờ giải lao”. Tuy nhiên, nói chung mối liên kết giữa việc hút thuốc với những hoạt động nào đó sẽ giảm dần qua thời gian và sẽ biến mất.

Nếu thức uống là rượu bia thì khác. Thật thế, trong khi cố gắng bỏ hút thuốc, bạn có thể phải tránh rượu bia và những nơi có loại thức uống này, vì số trường hợp tái nghiện thuốc trong khi uống rượu bia chiếm tỷ lệ cao. Tại sao thế?

● Ngay cả một ít rượu bia cũng làm tăng sự phấn khích đến từ nicotine.

● Uống rượu bia xã giao thường liên hệ mật thiết với hút thuốc.

● Rượu bia làm suy yếu khả năng phán đoán và sự kiềm chế. Kinh Thánh nói rất đúng: ‘Rượu cất lấy hết trí-khôn’.—Ô-sê 4:11.

Bạn bè: Hãy cẩn thận. Thí dụ, tránh giao tiếp không cần thiết với người nào hút thuốc hoặc có thể mời bạn hút thuốc. Cũng hãy tránh những người cố làm giảm quyết tâm bỏ thuốc, có lẽ trêu chọc bạn về điều đó.

Cảm xúc: Trong một cuộc nghiên cứu, gần 2/3 số người hút lại đã cảm thấy căng thẳng hoặc tức giận ngay trước đó. Nếu một cảm xúc nào đó khiến bạn muốn hút thuốc, hãy làm một việc gì đó, như uống nước, nhai kẹo cao su hoặc đi dạo. Hãy tập trung vào những điều tích cực, như cầu nguyện với Đức Chúa Trời hoặc đọc vài trang Kinh Thánh.—Thi-thiên 19:14.

Những lời bào chữa cần tránh

Tôi chỉ hút một hơi thôi.

Thực tế: Chỉ một hơi có thể thỏa mãn đến 50% các tế bào thụ cảm nicotine ở não trong ba giờ. Kết quả thường là tái nghiện.

Hút thuốc giúp tôi bớt căng thẳng.

Thực tế: Các cuộc nghiên cứu cho thấy nicotine thật ra làm tăng mức hormon gây căng thẳng. Bất cứ cảm giác bớt căng thẳng nào có thể phần lớn là do những triệu chứng thiếu thuốc tạm thời giảm đi.

Quá trễ để cai thuốc.

Thực tế: Bi quan làm nản chí. Kinh Thánh nói: “Ngày khốn quẫn mà để mất tinh thần, sức lực con ắt sẽ bị suy giảm” (Châm-ngôn 24:10, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Vậy hãy tránh tư tưởng chủ bại. Bất cứ ai thật sự muốn bỏ thuốc và áp dụng các nguyên tắc thực tiễn, như được đề cập trong tạp chí này, đều có thể thành công.

Tôi không chịu được những triệu chứng thiếu thuốc.

Thực tế: Đúng là các triệu chứng thiếu thuốc rất mạnh, nhưng sẽ giảm trong chỉ vài tuần. Thế nên hãy cố gắng! Nếu cơn thèm thuốc trở lại sau nhiều tháng hoặc nhiều năm, nó cũng sẽ qua đi, rất có thể chỉ trong vài phút—với điều kiện bạn không châm điếu thuốc.

Tôi bị một chứng bệnh tâm thần.

Thực tế: Nếu bạn đang được điều trị một bệnh như trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt, hãy nhờ bác sĩ giúp bạn bỏ thuốc lá. Quyết định bỏ thuốc có thể ảnh hưởng đến căn bệnh hoặc thuốc điều trị mà bạn đang dùng. Bác sĩ có thể sẵn sàng giúp bạn, có lẽ thay đổi phương pháp điều trị cho phù hợp.

Nếu hút thuốc lại, tôi sẽ cảm thấy mình là kẻ thất bại.

Thực tế: Nếu bạn vấp ngã và hút thuốc—như nhiều người khi cố bỏ thuốc—trường hợp của bạn không vô vọng. Hãy đứng lên và tiếp tục cố gắng. Vấp ngã không có nghĩa là thất bại. Bỏ cuộc mới là thất bại. Vậy hãy tiếp tục cố hết sức. Cuối cùng bạn sẽ thành công!

Hãy xem kinh nghiệm của ông Romualdo, người đã hút thuốc 26 năm và bỏ được hơn 30 năm. Ông viết: “Tôi không nhớ bao nhiêu lần mình đã hút lại. Mỗi lần tôi đều cảm thấy tuyệt vọng, như thể mình vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, khi quyết tâm có mối quan hệ tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và thường xuyên cầu xin Ngài giúp đỡ, cuối cùng tôi bỏ thuốc hẳn”.

Trong bài cuối của loạt bài này, chúng ta sẽ xem thêm vài đề nghị thực tiễn khác có thể giúp bạn bỏ thuốc thành công.

[Khung/​Hình nơi trang 7]

GÂY CHẾT NGƯỜI DÙ Ở DẠNG NÀO

Thuốc lá được dùng nhiều cách. Một số sản phẩm thuốc lá thậm chí được bán ở các cửa hàng thực phẩm tự nhiên hoặc thảo dược. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới nói: “Tất cả dạng thuốc lá đều có thể gây chết người”. Người ta có thể chết vì bất cứ bệnh nào liên quan đến thuốc lá, như ung thư và bệnh tim mạch. Những bà mẹ hút thuốc cũng có thể gây hại cho đứa con trong bụng. Người ta thường dùng những sản phẩm thuốc lá nào?

Thuốc điếu rẻ tiền: Những điếu thuốc nhỏ, quấn bằng tay rất thông dụng ở các nước châu Á. Thuốc này có nhiều nhựa thuốc lá, nicotine và cacbon monoxit hơn gấp mấy lần thuốc lá thường.

Xì-gà: Thuốc lá sợi được cuốn chặt bằng lá hoặc giấy làm từ cây thuốc lá. Thuốc có chất kiềm nhẹ trong xì-gà, khác với thuốc có chất a-xít trong thuốc lá, cho phép nicotine được hấp thu trong miệng ngay cả khi xì-gà chưa được châm.

Kreteks, hay thuốc lá đinh hương: Loại này thường chứa khoảng 60% thuốc lá và 40% đinh hương. Loại này có nhiều nhựa thuốc lá, nicotine và cacbon monoxit hơn thuốc lá thường.

Tẩu thuốc: Hút thuốc bằng tẩu không an toàn hơn hút thuốc thường, vì cả hai cách đều có thể gây nhiều loại ung thư giống nhau và những bệnh khác.

Thuốc không khói: Loại này gồm thuốc nhai, hít và thuốc gutkha có mùi vị dùng ở Đông Nam Á. Nicotine được hấp thu vào máu qua miệng. Dùng loại thuốc này cũng nguy hiểm y như các loại khác.

Ống tẩu có nước (bongs, hookahs, narghiles, shishas, thuốc lào): Với những dụng cụ này, khói thuốc đi qua nước trước khi hút. Tuy nhiên, cách này có thể cũng không giảm bớt lượng độc tố đi vào phổi, kể cả các tác nhân gây ung thư.

[Khung/​Hình nơi trang 8]

GIÚP NGƯỜI KHÁC BỎ THUỐC

Hãy tích cực. Khen ngợi và thưởng có ích hơn là cằn nhằn và lên lớp. “Anh có thể làm được nếu cố gắng lại” có hiệu quả hơn là “Lại thất bại nữa rồi!”.

Hãy tha thứ. Khi người đang cai thuốc tỏ ra tức giận hoặc khó chịu với bạn, hãy cố gắng bỏ qua. Hãy nói những lời thông cảm như: “Tôi biết bỏ thuốc rất khó, nhưng thấy anh cố gắng tôi rất phục”. Đừng bao giờ nói: “Khi còn hút thuốc, anh dễ chịu hơn”.

Hãy là người bạn đích thực. Kinh Thánh nói: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn” (Châm-ngôn 17:17). Vậy, hãy cố gắng “luôn luôn” kiên nhẫn và thương mến người đang cố cai thuốc, bất kể vào giờ nào hoặc tâm trạng người đó ra sao.