Bệnh béo phì ở trẻ em—Giải pháp là gì?
Bệnh béo phì ở trẻ em—Giải pháp là gì?
Hiện nay, béo phì ở trẻ em đang trở thành nạn dịch tại nhiều nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu có khoảng 22 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị thừa cân.
Theo một cuộc khảo sát ở Tây Ban Nha, cứ ba trẻ em thì có một em bị thừa cân hoặc béo phì. Ở Úc, chỉ trong vòng mười năm (1985-1995), số trẻ em bị béo phì tăng gấp ba lần. Tại Hoa Kỳ, trong ba thập kỷ vừa qua, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi bị béo phì cũng tăng hơn ba lần.
“Dịch” béo phì ở trẻ em cũng bắt đầu lan đến các nước đang phát triển. Một tổ chức chống béo phì (International Obesity Task Force) cho biết tại một vài vùng ở châu Phi, số trẻ bị béo phì nhiều hơn trẻ bị suy dinh dưỡng. Năm 2007, Mexico xếp hàng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ về tỉ lệ trẻ mắc bệnh béo phì. Người ta nói chỉ riêng thành phố Mexico, 70% trẻ em và thanh thiếu niên bị thừa cân hoặc béo phì. Bác sĩ phẫu thuật khoa nhi là ông Francisco González cảnh báo rằng những người trẻ này có thể là “thế hệ đầu tiên chết trước cha mẹ vì các tác hại do bệnh béo phì gây ra”.
Các tác hại ấy là gì? Đó là đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim và nhiều bệnh khác. Trước đây, hầu như chỉ có người lớn mới mắc những bệnh này. Theo Viện Y tế Hoa Kỳ, 30% bé trai và 40% bé gái sinh ra ở Hoa Kỳ vào năm 2000 vào một lúc nào đó trong đời có nguy cơ phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường loại 2 do béo phì gây ra.
Các cuộc khảo sát cho thấy mức độ báo động về bệnh béo phì ở trẻ em. Tỉ lệ người béo phì gia tăng kéo theo tỉ lệ người cao huyết áp. Tiến sĩ Rebecca Din-Dzietham của Trường Y học Morehouse thuộc thành phố Atlanta, Georgia, cho biết: “Nếu tỉ lệ người cao huyết áp không giảm xuống, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự bùng nổ các bệnh về tim mạch ở thanh thiếu niên và người trưởng thành”.
Nguyên nhân là gì?
Nguyên nhân của “dịch” béo phì ở trẻ em là gì? Đúng là sự di truyền từ cha mẹ có thể là một yếu tố, nhưng mức độ gia tăng đáng báo động trong những thập kỷ gần đây cho thấy nó không phải là nguyên nhân duy nhất. Ông Stephen O’Rahilly, giáo sư khoa hóa sinh và y học lâm sàng của Đại học Cambridge, Anh Quốc, cho biết rằng dù một người có thể bị béo phì vì di truyền, nhưng tỉ lệ béo phì tăng quá nhanh trong thời gian gần đây cho thấy đó không phải là do yếu tố di truyền.
Bệnh viện Mayo ở Hoa Kỳ nói về vấn đề này: “Mặc dù yếu tố di truyền và hoóc môn cũng là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì ở trẻ, nhưng hầu hết việc trẻ bị tăng cân quá mức là vì ăn quá nhiều và ít vận động”. Hai bằng chứng dưới đây cho thấy người ta đã thay đổi thói quen ăn uống hằng ngày.
Thứ nhất, các bậc cha mẹ bận rộn đi làm, không có nhiều thời gian và sức lực
như trước đây để nấu ăn cho con, vì vậy đi ăn tại các tiệm thức ăn nhanh đã trở thành thói quen thường ngày. Trên thế giới, các cửa hàng thức ăn nhanh mọc lên như nấm. Một cuộc nghiên cứu cho biết gần 1/3 trẻ em ở Hoa Kỳ từ 4 đến 19 tuổi ăn thức ăn nhanh mỗi ngày. Đây là loại thức ăn điển hình có hàm lượng chất béo, đường cao và được phục vụ trong khẩu phần lớn.Thứ hai, nước ngọt được ưa chuộng nhiều hơn sữa và nước. Chẳng hạn, số tiền mà người Mexico mỗi năm dùng để mua nước ngọt (đặc biệt nước ngọt cola) nhiều hơn cả số tiền để mua mười loại thực phẩm cơ bản. Theo sách nói về béo phì ở trẻ (Overcoming Childhood Obesity), nếu một người chỉ uống 600ml nước ngọt một ngày, thì sẽ tăng khoảng 11kg trong một năm!
Về việc ít vận động thể lực, một cuộc nghiên cứu của Đại học Glasgow ở Scotland cho biết rằng trẻ em ba tuổi có những hoạt động “từ nhẹ nhàng đến sôi nổi” trung bình chỉ 20 phút mỗi ngày. Tiến sĩ James Hill, giáo sư khoa nhi và y học của Đại học Colorado, bình luận về cuộc nghiên cứu này: “Không chỉ trẻ em Anh quốc mà còn trẻ em hầu hết các nước trên thế giới đều có thói quen ít vận động”.
Giải pháp là gì?
Các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến khích phải nghiêm ngặt cho trẻ ăn kiêng vì điều này có thể khiến chúng chậm phát triển và sức khỏe yếu. Thay vì vậy, bệnh viện Mayo cho biết: “Một trong những phương pháp tốt nhất chống tăng cân ở trẻ em là cả gia đình cùng có chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn”.—Xin xem khung kế bên.
Cả gia đình bạn hãy cương quyết duy trì những thói quen tốt để giữ sức khỏe. Nhờ thế, các con bạn sẽ tiếp tục sống lành mạnh trong suốt cuộc đời chúng.
[Khung/Hình nơi trang 28]
CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ?
1 Cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả thay vì thức ăn nhanh hoặc thực phẩm ăn liền.
2 Hạn chế những thức uống ngọt và đồ ăn vặt có hàm lượng chất béo và đường cao. Thay vì vậy, cho trẻ uống nước hoặc sữa ít béo và ăn thức ăn bổ dưỡng.
3 Thay vì chiên, dùng những phương pháp nấu ăn ít béo như nướng và hấp.
4 Cho trẻ ăn khẩu phần ít hơn.
5 Tránh thưởng cho trẻ bằng một món ăn.
6 Không cho trẻ bỏ bữa ăn sáng, vì điều này có thể khiến trẻ ăn quá nhiều sau đó.
7 Ngồi ăn tại bàn. Ngồi ăn trước truyền hình hoặc máy vi tính sẽ khiến trẻ ăn nhiều và không biết là mình đã no.
8 Khuyến khích trẻ vận động như chạy xe đạp, chơi banh và nhảy dây.
9 Hạn chế thời gian xem truyền hình, dùng máy vi tính và chơi điện tử.
10 Lên kế hoạch cho cả gia đình hoạt động ngoài trời, chẳng hạn đi sở thú, đi bơi hoặc đi chơi công viên.
11 Giao một số việc buộc trẻ phải hoạt động.
12 Nêu gương trong việc ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn.
[Nguồn tư liệu]
Nguồn: Viện Y tế Quốc gia và Bệnh viện Mayo