Giúp trẻ bị khiếm khuyết khả năng học tập
Giúp trẻ bị khiếm khuyết khả năng học tập
BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở MEXICO
Steven gặp khó khăn trong việc đọc chữ. Mỗi khi biết mình sẽ được gọi đọc bài trước lớp là em bị đau bụng.
Dù được giáo viên quan tâm giúp đỡ, Maria vẫn không thể viết chữ rõ ràng. Em phải mất hàng giờ để làm bài tập ở nhà.
Noah đọc đi đọc lại bài học nhưng em vẫn quên, và khó đạt điểm cao trong học tập.
Steven, Maria và Noah bị khiếm khuyết về khả năng học tập, thường gặp nhất là khó khăn trong việc đọc chữ. Chẳng hạn, khiếm khuyết kỹ năng đọc (dyslexia) thường làm trẻ lẫn lộn những chữ cái tương tự nhau. Dạng khác là khiếm khuyết kỹ năng viết (dysgraphia) và kỹ năng làm toán (dyscalculia). Tuy nhiên, phần lớn những trẻ bị khiếm khuyết về khả năng học tập có trí thông minh trung bình, thậm chí trên trung bình.
Triệu chứng của khiếm khuyết về khả năng học tập bao gồm việc trẻ chậm biết nói, có vấn đề với những từ lặp vần, thường phát âm sai, nói năng như em bé, khó nhận biết mặt chữ và con số, không phát âm rõ những từ đơn giản, lẫn lộn những từ đồng âm và khó làm theo hướng dẫn *.
Giúp con học tập
Bạn có thể làm gì nếu nghi ngờ con bạn bị khiếm khuyết về khả năng học tập? Trước tiên, hãy cho trẻ đi kiểm tra thị lực và thính lực *. Một khi biết chắc thị giác và thính giác con bạn vẫn bình thường, hãy đến bác sĩ để chẩn đoán xem trẻ có bị khiếm khuyết về khả năng học tập hay không. Nếu có, trẻ cần được bạn trấn an và động viên. Hãy nhớ rằng khiếm khuyết này không liên quan đến trí thông minh của trẻ.
Hãy tận dụng những chương trình đặc biệt ở trường của con bạn nếu có, chẳng hạn như nhờ thầy cô dạy kèm. Hãy xin sự hợp tác của giáo viên. Trong lớp, con bạn có thể được ngồi ở hàng đầu và được thêm thời gian để làm bài. Xin giáo viên nói và viết ra những lời hướng dẫn, và cho con bạn thi vấn đáp. Vì trẻ khiếm khuyết về khả năng học tập thường hay quên và thiếu tính tổ chức nên có thể cần có hai bộ sách giáo khoa, một ở trường, một ở nhà. Nếu được, hãy sắp xếp cho con bạn sử dụng máy vi tính có chương trình kiểm tra lỗi chính tả ở trong lớp hoặc để làm bài tập ở nhà.
Với trẻ khiếm khuyết kỹ năng đọc, hãy sắp xếp những buổi tập đọc ngắn mỗi ngày. Tốt nhất là cho trẻ đọc lớn tiếng để cha mẹ góp ý và sửa lỗi. Trước tiên, bạn hãy đọc lớn tiếng và cho con dò theo. Kế đến, hãy cùng con đọc lớn tiếng. Sau đó, hãy bảo con tự đọc. Hãy đánh dấu những từ khó, và khi trẻ đọc, bảo trẻ đặt cây thước bên dưới mỗi dòng. Buổi tập đọc như thế chỉ mất 15 phút mỗi ngày.
Có thể dạy trẻ làm toán bằng những cách thực tiễn, chẳng hạn tính liều lượng trong công thức nấu ăn, học cách đo đạc khi làm thủ công, hoặc tập làm phép tính khi đi mua sắm. Giấy có kẻ ô và biểu đồ cũng có thể giúp ích cho trẻ. Với những trẻ khó khăn trong kỹ năng viết, hãy dùng giấy có ô li lớn và bút chì có nét to. Có thể giúp con đánh vần bằng cách xếp chữ trên bảng.
Ngoài ra, cũng có những cách hữu hiệu để khắc phục chứng ADHD. Trước khi nói với trẻ không thể tập trung, hãy bắt trẻ nhìn thẳng vào mắt bạn. Sắp đặt một nơi yên tĩnh để trẻ làm bài tập và cho trẻ nghỉ giải lao thường xuyên. Với trẻ hiếu động thái quá, bạn hãy giao những công việc đòi hỏi trẻ phải hoạt động.
Có thể thành công
Hãy tập trung vào điểm mạnh của trẻ và giúp trẻ phát huy khả năng hoặc năng khiếu vốn có. Khen và thưởng khi trẻ hoàn thành công việc được giao, dù là việc nhỏ. Hãy chia công việc thành những việc nhỏ và vừa sức, để trẻ có thể làm được và cảm thấy tự hào về thành quả của mình. Dùng hình ảnh hoặc biểu đồ miêu tả những bước trẻ phải làm để hoàn tất công việc.
Thật vậy, trẻ rất cần có kỹ năng cơ bản trong việc đọc, viết và làm toán. Hãy tin chắc rằng với sự động viên và hỗ trợ đúng mức, con của bạn có thể học hành, dù cách cháu học khác với bạn đồng lứa và mất thời gian hơn một chút.
[Chú thích]
^ đ. 7 Khiếm khuyết về khả năng học tập thường đi kèm với chứng hiếu động thái quá, ứng xử hấp tấp và không thể tập trung, được gọi là hội chứng ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder). Xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 22-2-1997, trang 5-10.
^ đ. 9 Các bé trai có nguy cơ mắc chứng khó đọc chữ và hiếu động thái quá gấp ba lần các bé gái.
[Khung nơi trang 11]
KHIẾM KHUYẾT TRỞ THÀNH LỢI THẾ
“Khi nhìn những chữ trên trang giấy, tôi chỉ thấy những dòng ngoằn ngoèo, lộn xộn, chẳng khác gì tiếng nước ngoài. Các từ ngữ không có ý nghĩa gì đối với tôi cho đến khi một ai đó đọc lớn tiếng. Giáo viên nghĩ rằng tôi lười biếng, vô lễ, không cố gắng hoặc không nghe giảng bài. Nhưng sự thật không phải thế. Tôi đã chăm chú nghe và rất cố gắng, nhưng tôi không thể hiểu được ý niệm đọc và viết. Những môn khác như môn toán thì không khó đối với tôi. Khi còn nhỏ, tôi dễ chú tâm vào những môn như thể thao, thủ công, nghệ thuật và bất cứ việc gì liên quan đến đôi tay, miễn là không dính líu đến đọc và viết.
Sau này, tôi chọn làm việc chân tay và trở thành một người thợ chuyên nghiệp. Nhờ thế, tôi có cơ hội làm việc trong năm công trình xây cất quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì phải nỗ lực khi đọc nên tôi thường dễ nhớ điều mình đã đọc. Tôi nhận thấy điều này rất hữu ích trong việc học Kinh Thánh, và đặc biệt là khi tham gia công việc chia sẻ niềm tin về Đức Chúa Trời. Thế nên, thay vì xem khiếm khuyết của mình là một bất lợi, tôi xem nó là lợi thế”.—Anh Peter, người bị khiếm khuyết về kỹ năng đọc, nay là một Nhân Chứng Giê-hô-va phụng sự trọn thời gian.
[Hình nơi trang 10]
Con trẻ có thể rất giỏi trong việc vừa lắng nghe vừa ghi chú bằng hình vẽ