Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có nên chia tay?

Có nên chia tay?

Giới trẻ thắc mắc

Có nên chia tay?

“Quen nhau được ba tháng, chúng tôi cảm thấy rất tâm đầu ý hợp. Chúng tôi thường nói đến tương lai được sống mãi mãi bên nhau như là một điều chắc chắn”.—Duyên *.

“Tôi yêu thầm anh ấy, rồi vài năm sau, anh ấy lại để ý tôi! Tôi thích có bạn trai lớn tuổi hơn để làm chỗ dựa cho tôi”.—Kim.

Sau này, cả Duyên và Kim đều chia tay với bạn trai. Tại sao? Chia tay với các anh chàng tuyệt vời này có phải là dại dột không?

Bạn và anh ấy quen nhau gần một năm *. Ban đầu, bạn chắn chắc anh ấy là “một nửa” của mình. Thỉnh thoảng, bạn cũng nhớ lại tình yêu lãng mạn lúc mới quen nhau. Nhưng giờ đây, bạn không còn chắc nữa. Bạn có nên bỏ qua những nghi ngờ này không? Làm sao biết có nên nói lời chia tay hay không?

Trước hết, bạn nên thực tế nhìn nhận điều này: Bỏ qua những dấu hiệu xấu trong tình yêu thì giống như lờ đi các tín hiệu báo động trên bảng đồng hồ xe. Vấn đề sẽ không biến mất, nhưng có thể càng tệ hơn. Vậy, đâu là một số dấu hiệu xấu trong tình yêu mà bạn nên lưu ý đến?

Tình yêu quá vội vàng. Vấn đề có thể nảy sinh khi tình cảm giữa hai người phát triển quá nhanh. Kim kể lại: “Lúc nào chúng tôi cũng viết e-mail, nói chuyện trên mạng hoặc gọi điện thoại cho nhau. Khác với việc gặp trực tiếp, liên lạc qua những phương tiện này có thể khiến hai người thân thiết nhau một cách quá nhanh chóng!”. Khoảng thời gian tìm hiểu nhau rất quý, nên đừng vội vã để rồi đánh mất cơ hội này. Tình yêu không giống như cỏ, mọc nhanh rồi chóng tàn. Ngược lại, tình yêu như một loại cây kiểng đẹp và quý, cần có thời gian để phát triển.

Anh ấy luôn chỉ trích và coi thường bạn. Một bạn tên An nói: “Bạn trai tôi hay xem thường tôi. Nhưng vì quá yêu anh ấy, nên tôi đã chịu đựng một số tình huống mà trước đây tôi không nghĩ mình sẽ chấp nhận!”. Kinh Thánh lên án việc dùng lời “mắng-nhiếc” (Ê-phê-sô 4:31). Trong tình yêu không có chỗ cho những lời lẽ gây tổn thương nhau, dù đó là lời được nói với giọng nhẹ nhàng.—Châm-ngôn 12:18.

Anh ấy nóng tính. Một châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Người có tánh ôn-hàn là một người thông-sáng” (Châm-ngôn 17:27). Yến nhận ra bạn trai mình thiếu tính ôn hòa. Yến cho biết: “Khi bất đồng ý kiến, anh ấy thường xô đẩy tôi, có khi mạnh tay đến nỗi làm người tôi bị bầm”. Kinh Thánh khuyên môn đồ của Chúa Giê-su: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình” (Ê-phê-sô 4:31). Một người không có tính tự chủ thì chưa sẵn sàng cho việc hẹn hò.—2 Ti-mô-thê 3:1, 3, 5.

Anh ấy giữ bí mật mối quan hệ. Ái Linh nhớ lại: “Bạn trai tôi không muốn người khác biết chúng tôi đang hẹn hò. Ngay cả khi cha tôi biết, anh ấy cũng tỏ ra bực mình!”. Dĩ nhiên, một cặp nam nữ giữ kín và không công khai mối quan hệ đều có một vài lý do chính đáng. Nhưng nếu giữ bí mật tuyệt đối, nghĩa là cố tình che giấu không cho những người có trách nhiệm được biết, thì có thể nảy sinh vấn đề.

Anh ấy không nghĩ đến hôn nhân. Đối với mồn đồ của Chúa Giê-su, việc hẹn hò có mục tiêu trong sáng: giúp một cặp nam nữ tìm hiểu nhau, xem mình có thể đi đến hôn nhân hay không. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là khi bắt đầu hẹn hò, bạn phải tính ngay đến chuyện hôn nhân. Trên thực tế, nhiều người không kết hôn với người đầu tiên họ hẹn hò. Thế nhưng, một người cũng không nên hẹn hò nếu chưa sẵn sàng gánh vác trách nhiệm gia đình.

Hai người hợp rồi tan, tan rồi hợp. Châm-ngôn 17:17 nói: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn”. Đành rằng không phải hai người luôn luôn đồng ý với nhau, nhưng nếu cứ hôm nay nói lời chia tay, ngày mai hàn gắn lại, thì có lẽ cần tìm ra nguyên nhân sâu xa nào đó. An đã nhận ra điều này và nói: “Tôi rất đau lòng vì những lần chia tay với bạn trai. Tôi cứ cố níu kéo hoài, nhưng nếu dứt khoát chia tay thì có lẽ tôi đỡ mệt mỏi hơn”.

Anh ấy đòi hỏi bạn làm “chuyện đó”. “Nếu yêu anh, hãy cho anh!”. “Làm như vậy chứng tỏ chúng ta là của nhau”. “Đây không phải là quan hệ thật sự vì mình đâu có làm “chuyện đó”!”. Người nam thường dùng những lời đường mật như thế để ép các bạn gái quan hệ với mình. Gia-cơ 3:17 nói: “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch”. Bạn xứng đáng có một người bạn trai trong sạch về đạo đức và biết tôn trọng những giới hạn trong giai đoạn tìm hiểu. Đừng bao giờ nhượng bộ về phương diện này!

Người khác cảnh báo bạn về anh ấy. Kinh Thánh nói: “Kế hoạch không thành vì thiếu sự hướng dẫn; nhưng nhờ nhiều người cố vấn nó sẽ thành công” (Châm-ngôn 15:22, Bản Dịch Mới). Duyên cho biết: “Bạn không thể làm ngơ trước ý kiến của gia đình và bạn bè thân thiết, cũng như lờ đi tiếng chuông cảnh báo của lòng. Càng không lắng nghe ý kiến của người khác, thì càng thiệt thòi cho bạn”.

Trên đây chỉ là vài dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ đang có vấn đề *. Nếu bạn đang hẹn hò, bạn trai của bạn là mẫu người như thế nào? Hãy liệt kê những mối lo ngại của bạn:

․․․․․

Nói lời chia tay

Giả sử bạn nhận thấy tốt nhất là nên chấm dứt mối quan hệ. Bạn sẽ làm điều đó như thế nào? Có nhiều cách nhưng hãy nhớ những điểm sau đây:

Hãy can đảm. Một bạn gái tên Trinh nói: “Tôi đã lệ thuộc vào bạn trai mình đến nỗi tôi sợ phải rời xa anh ấy”. Muốn nói lời chia tay, cần có lòng can đảm. Thật vậy, can đảm nói lên quan điểm của mình là điều tốt (Châm-ngôn 22:3). Nhờ vậy, chính bạn đặt ra cho mình một lập trường kiên định về những gì bạn chấp nhận hay không chấp nhận trong giai đoạn tìm hiểu cũng như trong hôn nhân sau này.

Hãy tử tế. Nếu bạn trong hoàn cảnh phải nghe lời chia tay, bạn sẽ muốn được đối xử như thế nào? (Ma-thi-ơ 7:12). Vậy, đừng gửi e-mail hoặc nhắn tin với lời “cụt ngủn” là “Chúng ta chia tay!”. Bạn trai bạn xứng đáng được đối xử tử tế.

Hãy chọn đúng lúc đúng nơi. Nên gặp mặt để nói lời chia tay hay gọi điện thoại? Nên viết thư hay nói chuyện trực tiếp? Đó là tùy theo hoàn cảnh. Không nên gặp mặt nhau ở những nơi không an toàn cho bạn. Cũng không nên gặp ở những nơi vắng vẻ vì dễ nảy sinh những ham muốn xấu.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3.

Hãy nói thật lòng. Thành thật nói lên lý do tại sao bạn nghĩ là phải chia tay. Nếu cảm thấy bạn trai đã không đối xử tốt với bạn, hãy nói ra. Chỉ nên nói về cảm xúc của mình. Chẳng hạn, thay vì nói: “Anh lúc nào cũng xem thường em”, hãy nói: “Em cảm thấy mình bị coi thường khi anh...”.

Hãy lắng nghe. Bạn đã hiểu lầm điều gì chăng? Hãy bày tỏ tính phải lẽ và cân nhắc mọi sự việc. Tuy nhiên, cũng đừng để những lời mật ngọt làm bạn xiêu lòng. Kinh Thánh cho lời khuyên khôn ngoan sau: “Phải mau nghe mà chậm nói”.—Gia-cơ 1:19.

[Chú thích]

^ đ. 3 Trong bài này, các tên đã được đổi.

^ đ. 6 Bài này trình bày từ góc nhìn của phái nữ, nhưng những nguyên tắc vẫn áp dụng cho cả phái nam.

HÃY SUY NGHĨ

▪ Liệt kê những đức tính mà bạn nghĩ là thiết yếu nơi người bạn trai ․․․․․

▪ Những tính nào mà bạn nghĩ là không chấp nhận được? ․․․․․

[Khung nơi trang 20]

NGƯỜI BẠN HẸN HÒ NÊN...

□ có cùng tín ngưỡng.​—1 Cô-rinh-tô 7:39.

□ giữ giới hạn trong giai đoạn tìm hiểu.​—1 Cô-rinh-tô 6:18.

□ biết quan tâm đến bạn và người khác.​—Phi-líp 2:4.

□ có tiếng tốt.​—Phi-líp 2:20.

[Khung nơi trang 20]

CẦN NGHĨ LẠI NẾU BẠN TRAI...

□ luôn đòi bạn làm theo ý mình.

□ luôn làm bạn cảm thấy mặc cảm, ngu ngốc hoặc vô dụng.

□ cố tình tách bạn khỏi bạn bè và gia đình.

□ luôn kiểm soát xem bạn ở đâu, làm gì.

□ buộc tội bạn có tình ý với người khác mà không có cơ sở.

□ thường hăm dọa hoặc đưa ra tối hậu thư buộc bạn phải chọn giữa anh ấy và điều gì đó.

[Hình nơi trang 19]

Bỏ qua những dấu hiệu xấu trong tình yêu thì giống như lờ đi tín hiệu báo động trên bảng đồng hồ xe

CHECK OIL