Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thung Lũng Chết không hẳn chết

Thung Lũng Chết không hẳn chết

Thung Lũng Chết không hẳn chết

NĂM 1848, người ta khám phá có vàng tại Sacramento, California, Hoa Kỳ. Cho đến năm sau, khoảng 80.000 người tìm vàng đã đổ xô đến tiểu bang đó, ao ước làm giàu nhanh chóng. Vào ngày 25-12-1849, một đoàn gồm khoảng 100 cỗ xe rời Salt Lake City đi về hướng tây, trong số đó có một nhóm tiến vào vùng mà ngày nay gọi là Death Valley (Thung Lũng Chết). Họ hy vọng vùng đất trũng, khô cằn gần biên giới hai tiểu bang California và Nevada sẽ là con đường tắt để đi.

Vào mùa đó, thời tiết mát mẻ nhưng địa hình thì nguy hiểm. Nhóm người này chia làm nhiều toán nhỏ, mỗi toán đi một đường. Một toán, gồm cả đàn bà và trẻ con, đã cố tìm cách băng qua những ngọn núi ở phía tây nhưng vẫn không tìm được đường ra khỏi thung lũng. Họ kiệt sức và đồ dự trữ lại cạn dần nên họ đóng trại bên dòng suối gần nơi mà nay gọi là Furnace Creek. Sau đó, họ di chuyển đến giếng nước mà về sau được đặt tên là Giếng Bennett. Từ nơi đó, hai thanh niên 20 tuổi là William Manly và John Rogers đã đi cầu cứu. Những người khác thì ở lại trại.

Manly và Rogers nghĩ rằng họ sẽ đến thành phố Los Angeles trong vòng vài ngày. Họ không ngờ là thành phố đó ở cách xa khoảng chừng 300 kilômét về hướng tây nam. Sau gần hai tuần đi bộ, họ đến thung lũng San Fernando, ở phía bắc của thành phố. Nơi đó, họ đã mua lương thực và đồ cần dùng rồi lập tức quay về.

Sau 25 ngày, hai người này về đến nơi và thấy cảnh vật im lìm như chỗ không người. Manly bắn một phát súng, một người đàn ông từ gầm cỗ xe chui ra. Sau này, Manly ghi lại: “Ông ta mừng rỡ reo lên: ‘Các cậu ấy đã về! Các cậu ấy đã về!’ ” Những người khác cũng chạy ra, xúc động đến nỗi không nói nên lời. Nhờ Manly và Rogers nên tất cả được sống sót, ngoại trừ một người đã bỏ đi để tìm đường ra khỏi thung lũng một mình. Khi đoàn người nhổ trại, một phụ nữ quay lại nói: “Vĩnh biệt Thung Lũng Chết!” Và từ đó “Thung Lũng Chết” đã trở thành tên của vùng.

Vùng đất với nhiều thái cực

Thung Lũng Chết—dài khoảng 225 kilômét và rộng khoảng từ 8 đến 24 kilômét—là nơi khô nhất, thấp nhất và nóng nhất Bắc Mỹ. Nhiệt độ không khí tại Furnace Creek được ghi nhận là 57 độ C, trong khi nhiệt độ tại mặt đất lên đến 94 độ C—chỉ thấp hơn 6 độ so với độ sôi của nước ở ngang mực nước biển! *

Trung bình hàng năm, lượng mưa thấp hơn 5 centimét, có năm không mưa. Nơi thấp nhất của cả vùng Tây Bán Cầu (86 mét dưới mực nước biển) nằm trong thung lũng gần ao nước mặn ở Badwater. Cách đó chỉ 140 kilômét là Núi Whitney. Ngọn núi này cao 4.418 mét, là nơi cao nhất ở Hoa Kỳ, ngoại trừ Alaska.

Đến năm 1850, người ta chỉ tìm được một ít vàng trong thung lũng tại Salt Spring. Những người đi tìm quặng cũng thấy có bạc, đồng và chì trong vùng đó. Những khu thị trấn mọc lên khắp thung lũng và mang những tên ngộ nghĩnh như “ễnh ương”, “nước xanh lục”, “nham thạch” và “mô-tô trượt tuyết”. Nhưng khi hết quặng mỏ, thì những thị trấn phồn thịnh này trở thành chốn không người. Tuy nhiên, vào năm 1880, chất borac—một hợp chất kết tinh màu trắng dùng trong việc sản xuất xà phòng và những sản phẩm khác—đã được tìm thấy tại Thung Lũng Chết. Sự kiện này đưa đến một thời kỳ khai thác mỏ phát đạt nhất trong lịch sử của thung lũng này. Đến năm 1888, những toán vận chuyển gồm 18 con la và 2 con ngựa kéo hai cỗ xe, mỗi cỗ dài 5 mét chở đầy chất borac đến thị trấn Mojave. Đó là một cuộc hành trình mệt nhoài dài 270 kilômét. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 9, không có chuyến hàng nào vì thời tiết quá nóng đối với người lẫn thú.

Thung Lũng Chết được xếp vào danh sách di tích quốc gia vào năm 1933. Diện tích của nó dần dần được nới rộng đến 1,3 triệu hecta. Vào năm 1994, vùng này trở thành Công Viên Quốc Gia Thung Lũng Chết, công viên lớn nhất của lục địa Hoa Kỳ.

Thung Lũng Chết đầy sức sống

Nếu có ai nghĩ rằng Thung Lũng Chết là vùng đất chết thì cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hàng trăm loài thú đã sống hoặc ghé ngang qua vùng này, phần nhiều là loài sống về đêm vì nhiệt độ ban ngày rất nóng. Loài động vật lớn nhất trong vùng là cừu hoang (big horn sheep), có dáng vẻ rất hiên ngang. Đôi khi chúng đến từ vùng đồi núi xung quanh. Những động vật khác gồm có con lửng, dơi, linh miêu, chó sói, cáo, chuột kangaroo, beo núi, nhím, thỏ, chồn hôi, lừa thồ, thằn lằn, rắn và rùa sa mạc. Các giống chim thì có chim sâm cầm, diều hâu, diệc, cút, quạ, choắt, kền kền và hàng trăm loài khác.

Trong tất cả các loài động vật, chuột kangaroo có sức chịu đựng dai nhất. Chúng có thể sống cả đời mà không uống một giọt nước! Một sách tham khảo ghi: “Cơ thể những con chuột này có thể chuyển hóa chất bột và chất béo trong các thứ hạt khô thành nước mà chúng cần để sống”. Và thận của chúng cũng có thể chứa nước tiểu với nồng độ đậm gấp năm lần thận người. Những con chuột nhỏ này sống chui trong hố, và tránh sức nóng khắc nghiệt ban ngày bằng cách kiếm ăn ban đêm.

Hơn một ngàn loại thực vật khác nhau mọc đầy thung lũng này. Thổ dân Shoshones đã sống tại vùng đó hơn một ngàn năm. Họ tìm những loại cây để làm thức ăn và nguyên liệu để làm vật dụng. Theo họ, nếu biết cách thì bạn sẽ tìm được rất nhiều thức ăn tại Thung Lũng Chết.

Khi sa mạc nở hoa

Thỉnh thoảng, Thung Lũng Chết trổ đầy hoa dại thật đẹp mắt. Những bông hoa này mọc lên từ vô số những hạt giống đôi khi nằm hàng chục năm trong lòng đất. Những hạt giống đó nằm chờ cho đến khi có đủ mưa và đúng nhiệt độ thì mới nảy mầm. Nhà thực vật học Tim Croissant, làm việc cho công viên quốc gia (National Park Service), đã nói: “Có khi nhiều năm, chúng tôi không thấy hoa gì cả”.

Nhưng vào mùa đông năm 2004/2005, Thung Lũng Chết được ghi nhận là có nhiều mưa nhất—hơn ba lần mức thông thường. Kết quả là có hơn 50 loại hoa dại nở rộ, gồm những loại như phi yến, tử đinh hương, phong lan, anh túc, anh thảo, hướng dương và cỏ roi ngựa. Một du khách nói rằng thung lũng đầy hương thơm như một cửa hàng hoa tươi! Dĩ nhiên, hoa thu hút ong và các loài côn trùng khác. Vì thế, khi Thung Lũng Chết trổ hoa, người ta cũng nghe tiếng đập của vô số đôi cánh nhỏ.

Nếu có lúc nào đó bạn quyết định đi tham quan thung lũng với nhiều thái cực này, xin bạn nhớ đi bằng xe tốt và mang theo thật nhiều nước. Và nếu bạn đến vào mùa hoa nở, bạn nên mang theo máy ảnh. Gia đình và bạn bè của bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy hình ảnh vô số cây cỏ và thú vật sống trong Thung Lũng Chết.

[Chú thích]

^ đ. 7 Nhiệt độ cao kỷ lục là 58 độ C tại Libya vào năm 1922. Nhưng nói chung, vào mùa hè, Thung Lũng Chết dường như là nơi nóng nhất thế giới.

[Câu nổi bật nơi trang 15]

Nơi khô nhất, thấp nhất và nóng nhất tại Bắc Mỹ

[Khung/Hình nơi trang 17]

Cá vùng sa mạc!

Tại Thung Lũng Chết có bốn loại thuộc một giống cá nhỏ và kỳ lạ mà người ta gọi là cá pupfish của sa mạc. Vào mùa đông, những con cá dài sáu centimét, màu ánh bạc này nằm im lìm trong lớp bùn dưới đáy những con lạch và vũng lầy. Rồi vào mùa xuân, mặt trời làm nước ấm lên, chúng bắt đầu hoạt động và sinh sản. Những con cá đực đổi sang màu xanh óng ánh, và chúng mãnh liệt chống lại những con cá đực khác để bảo vệ lãnh thổ của mình. Nhưng không lâu sau, sức nóng thiêu đốt của mùa hè làm cạn gần hết nước khiến cá pupfish chết hàng loạt. Những con còn lại thì phải sống trong môi trường nước rất mặn và nhiệt độ có thể lên đến 44 độ C.

[Nguồn tư liệu]

Cá (hình trên): © Neil Mishalov--www.mishalov.com; cá (hình dưới): Donald W. Sada, Desert Research Institute

[Bản đồ nơi trang 14]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Hoa Kỳ

California

Công Viên Quốc Gia Thung Lũng Chết

[Nguồn tư liệu nơi trang 15]

Con la: Courtesy of The Bancroft Library/University of California, Berkeley

[Nguồn hình ảnh nơi trang 16]

Lừa thồ: ©Joseph C. Dovala/age fotostock; tranh toàn cảnh (hình trên cùng): © Neil Mishalov--www.mishalov.com; bông hoa: Photo by David McNew/Getty Images