Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dòng sông vĩ đại Mekong

Dòng sông vĩ đại Mekong

Dòng sông vĩ đại Mekong

SÔNG Mekong uốn mình qua sáu nước Á châu và nuôi sống khoảng 100 triệu người, trong số đó có gần 100 nhóm dân và sắc tộc. Mỗi năm, con sông này cung cấp đến 1,3 triệu tấn cá—gấp bốn lần số cá bắt được ở Biển Bắc! Sông Mekong dài 4.350 kilômét và là con sông dài nhất Đông Nam Á. Cũng vì chảy qua một số nước nên con sông này có nhiều tên. Ở Việt Nam, sông này còn có tên là Cửu Long, nhưng tên phổ biến nhất là Mekong, tên tắt của tiếng Thái Mae Nam Khong.

Sông Mekong bắt nguồn từ núi Himalaya. Nước chảy cuồn cuộn xuống sườn núi và tràn như sóng qua những hẻm núi sâu. Ở Trung Quốc, sông này được gọi là Lancang (Lạn Thương Giang). Đến khi rời đất nước này thì dòng sông đã chảy được gần nửa chiều dài và đổ xuống từ độ cao khoảng 4.500 mét. Phần sau của Sông Mekong chỉ đổ xuống từ độ cao 500 mét, vì vậy nước chảy êm hơn. Khi rời Trung Quốc, Sông Mekong trở thành biên giới của Myanmar và Lào, và cũng là phần lớn biên giới giữa Lào và Thái Lan. Tại Cam-pu-chia, Sông Mekong phân ra hai nhánh chảy vào Việt Nam, rồi chia thành những nhánh nhỏ trước khi đổ ra Biển Đông.

Vào cuối thập niên 1860, người Pháp đi ngược Sông Mekong để cố tìm đường lên Trung Quốc. Tuy nhiên, họ bị thất vọng khi gặp phải những thác ghềnh gần thị trấn Kratie ở Cam-pu-chia, và một loạt thác rất hiểm trở ở hạ Lào được gọi là Thác Khone. Lượng nước đổ xuống Thác Khone nhiều hơn lượng nước của bất cứ ngọn thác nào trên thế giới, thậm chí nhiều gấp đôi so với Thác Niagara giữa biên giới Canada và Hoa Kỳ.

Con sông tối quan trọng

Sông Mekong rất quan trọng cho nền kinh tế Đông Nam Á. Cả Vientiane, thủ đô của Lào, và Phnom Penh, thủ đô của Cam-pu-chia, đều là những thành phố cảng nằm bên sông. Vùng hạ lưu Sông Mekong là mạch sống của người Việt Nam. Nơi đây, nó chia làm bảy nhánh, tạo thành vùng đồng bằng rộng 40.000 kilômét vuông, với khoảng 3.200 kilômét đường sông. Sông đem nhiều nước và phù sa màu mỡ vào ruộng đồng, nhờ đó nông dân có thể gieo ba vụ lúa mỗi năm. Thật vậy, Việt Nam đứng hàng thứ nhì thế giới, chỉ sau Thái Lan về xuất khẩu gạo.

Sông Mekong có khoảng 1.200 loại cá. Có một số loại, kể cả tôm, được người ta nuôi để kinh doanh. Một loại cá mà nhiều người ưa thích là cá trey riel. Cá này được nhiều người biết đến vì dân Cam-pu-chia theo tên cá này mà gọi tiền của họ là đồng riel. Sông Mekong cũng có một loài cá da trơn hiện đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Loài cá này có thể dài đến 2,75 mét. Năm 2005, người ta đã đánh lưới được một con nặng 290 kilôgam, có lẽ đó là con cá nước ngọt lớn nhất chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới! Một loại cá khác ở sông này cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá heo Irrawaddy. Các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ chỉ còn dưới 100 con.

Ngoài việc nuôi hàng triệu người, Sông Mekong còn là thủy lộ cho tàu bè đủ loại, từ đò đưa khách đến những thuyền lớn chở hàng và những chiếc tàu biển đầy hàng hóa qua lại trên sông. Con sông này cũng là nơi thu hút rất nhiều du khách. Nhiều người không chỉ đến Thác Khone, mà còn thích đi xa hơn nữa để đến Vientiane. Thành phố này nổi tiếng vì có những con kênh, những ngôi đền, và những căn nhà sàn. Vientiane cũng là trung tâm thương mại, chính trị và tôn giáo trong hơn 1.000 năm nay. Từ Vientiane, người ta có thể mạo hiểm đi ngược sông để đến Louangphrabang. Thành phố cảng này từng là thủ đô của một xứ rộng lớn bao gồm Thái và Lào. Có một thời, kể cả thời Pháp cai trị, thành phố này cũng là kinh đô của hoàng gia Lào. Bầu không khí của thời thuộc địa Pháp vẫn còn lưu lại tại thành phố lịch sử này.

Gần đây có những sự thay đổi dọc theo Sông Mekong làm người ta lo ngại. Đó là cách đánh cá bừa bãi, phá rừng, và xây những đập thủy điện khổng lồ. Người ta thấy dường như vô vọng trước tình trạng này. Tuy nhiên, tình thế còn có thể cứu vãn.

Kinh Thánh hứa là qua trung gian Nước Trời, Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương của chúng ta sắp can thiệp để giải quyết các vấn đề của nhân loại. (Đa-ni-ên 2:44; 7:13, 14; Ma-thi-ơ 6:10) Dưới sự lãnh đạo của chính phủ cai trị thế giới một cách hoàn hảo, toàn thể trái đất sẽ được trở lại tình trạng tốt đẹp, và nói theo nghĩa bóng, các sông sẽ “vỗ tay” vì vui mừng. (Thi-thiên 98:7-9) Mong sao Sông Mekong tuyệt vời này cũng vui mừng “vỗ tay” cùng với các sông khác.

[Bản đồ nơi trang 24]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

TRUNG QUỐC

MYANMAR

LÀO

THÁI LAN

CAM-PU-CHIA

VIỆT NAM

Sông Mekong

[Hình nơi trang 24]

Những ruộng lúa trong đồng bằng Sông Mekong

[Hình nơi trang 24]

Sông Mekong có khoảng 1.200 loại cá

[Hình nơi trang 25]

Cảnh chợ trên sông, Việt Nam

[Nguồn hình ảnh nơi trang 24]

Ruộng lúa: ©Jordi Camí/age fotostock; đánh cá: ©Stuart Pearce/World Pictures/age fotostock; nền: © Chris Sattlberger/Panos Pictures

[Nguồn hình ảnh nơi trang 25]

Chợ: ©Lorne Resnick/age fotostock; phụ nữ: ©Stuart Pearce/World Pictures/age fotostock