Vấn đề tế nhị trong tuổi dậy thì của các em gái
Vấn đề tế nhị trong tuổi dậy thì của các em gái
Tuổi dậy thì là giai đoạn có nhiều thay đổi. Đối với nhiều em gái, biến cố quan trọng trong giai đoạn phát triển này là lần có kinh đầu tiên.
CÁC EM có thể bị căng thẳng tâm lý khi có kinh lần đầu tiên. “Biến cố” này thường gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tương tự những thay đổi khác liên quan đến tuổi dậy thì, điều này có thể khiến các em bối rối. Nhiều em cảm thấy sợ hãi và lo âu trong lần có kinh đầu tiên. Sở dĩ như thế vì phần lớn các em đã không có đầy đủ thông tin, hoặc nhận những thông tin sai lệch về chu kỳ kinh nguyệt.
Những em gái được chuẩn bị trước thường ít lúng túng hơn khi có kinh lần đầu tiên. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu cho thấy nhiều em đã không được chuẩn bị. Theo một cuộc khảo sát trên 23 quốc gia, gần một phần ba những người tham gia cho biết là trước đó họ không được dạy dỗ gì về vấn đề kinh nguyệt. Khi điều đó đến bất thình lình, họ không biết xử lý ra sao.
Những phụ nữ không được dạy dỗ gì về kinh nguyệt hoặc thiếu sự hướng dẫn cho lần có kinh đầu tiên, thường trải qua
những cảm xúc tồi tệ nhất. Theo một nghiên cứu, khi kể lại kinh nghiệm về “biến cố” này, họ thường dùng những từ như “hoảng hốt”, “khó chịu”, “ngượng” và “hoảng sợ”.Người ta thường có cảm giác sợ hãi khi nhìn thấy máu. Việc chảy máu khiến người ta liên tưởng đến sự đau đớn hoặc bị thương. Do đó, thật dễ hiểu nếu một em gái không được giải thích đúng đắn, thiếu chuẩn bị, hoặc chịu ảnh hưởng rập khuôn của nền văn hóa và những chuyện hoang đường thì em sẽ liên kết cách sai lầm kinh nguyệt với một bệnh dịch hoặc bị thương. Các em cũng có thể xem “biến cố” đó là điều đáng xấu hổ.
Con gái của bạn cần hiểu việc chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt là một tiến trình bình thường mà cô gái khỏe mạnh nào cũng phải trải qua. Là cha mẹ, bạn có thể giúp con gái làm dịu đi bất cứ cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi nào. Làm sao bạn có thể giúp?
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng
Có nhiều nguồn thông tin về kinh nguyệt, chẳng hạn như cô giáo, cán bộ y tế, sách báo và ngay cả các phim giáo dục. Nhiều bậc cha mẹ nhận thấy các nguồn này thường cung cấp thông tin hữu ích về chức năng sinh lý của chu kỳ kinh nguyệt, cũng như vấn đề vệ sinh trong thời gian có kinh. Tuy nhiên, các em có thể có nhu cầu và nhiều thắc mắc mà những nguồn thông tin kể trên không đề cập đến. Ngay cả dù biết phải làm gì khi có kinh, các em thường vẫn không biết chắc mình nên ứng phó thế nào với những xúc cảm khác nhau liên quan đến kinh nguyệt.
Bà, chị gái, và đặc biệt là người mẹ có thể giúp bằng cách cung cấp thêm thông tin và hỗ trợ về mặt cảm xúc, điều mà các em cần. Phần lớn các em xem mẹ là nguồn thông tin quan trọng nhất về vấn đề này.
Còn người cha thì sao? Nhiều em gái cảm thấy ngượng khi nói với cha về kinh nguyệt. Một số em chỉ muốn cha đóng vai trò gián tiếp bằng cách hỗ trợ và thông cảm. Một số em khác lại không thích cha dính dáng gì đến chuyện này.
Tại nhiều xứ, số người cha đơn chiếc trong gia đình gia tăng trong vài thập niên qua. * Thế nên, ngày càng có nhiều người cha cần học biết cách làm thế nào để thành công trong việc giáo dục con gái về vấn đề kinh nguyệt. Những người cha này cần hiểu các điều cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt cũng như những thay đổi về mặt thể chất và xúc cảm mà con gái họ phải đối phó. Người cha có thể tham khảo ý kiến của mẹ hoặc chị em gái của mình để cho lời khuyên và sự trợ giúp thiết thực trong vấn đề này.
Khi nào bắt đầu thảo luận
Tại những xứ công nghiệp như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nhiều nước Tây Âu, thông thường các em gái có kinh lần đầu tiên khoảng từ 12 đến 13 tuổi, trường hợp xuất hiện sớm hơn là 8 tuổi hoặc muộn hơn là 16 hoặc 17 tuổi. Nhiều vùng ở Châu Phi và Châu Á, tuổi trung bình của các em gái có kinh lần đầu tiên có chiều hướng cao hơn. Chẳng hạn, tại Nigeria, tuổi trung bình là 15. Một số nhân tố như gen di truyền, tình trạng kinh tế, chế độ dinh dưỡng, các hoạt động thể dục, độ cao của xứ so với mặt biển, có thể ảnh hưởng đến thời điểm có kinh lần đầu tiên.
Tốt nhất là bạn nên bắt đầu chia sẻ thông tin với con gái trước khi em có kinh lần đầu tiên. Vì vậy, nên bắt đầu nói chuyện sớm với con về những thay đổi trên cơ thể và về kinh nguyệt, có lẽ khi con gái bạn lên tám. Bạn có thể cảm thấy như vậy là quá sớm, nhưng nếu con gái bạn đang ở độ tuổi từ tám
đến mười, hẳn bên trong cơ thể của em đã bắt đầu phát triển thích ứng với sự gia tăng hormon. Bạn sẽ nhận thấy những thay đổi trên cơ thể liên quan đến tuổi dậy thì, chẳng hạn như vú phát triển và lông trên cơ thể cũng phát triển. Phần lớn các em gái tăng nhanh chiều cao và trọng lượng ngay trước khi có kinh lần đầu tiên.Làm sao nói về đề tài này
Các em gái sắp có kinh lần đầu tiên thường tò mò về những gì sẽ xảy ra. Rất có thể các em đã nghe bạn bè nói về đề tài này ở trường. Các em có thắc mắc, nhưng nhiều em lại không biết phải hỏi như thế nào. Có thể các em cảm thấy ngượng khi đề cập đến điều đó.
Điều này cũng đúng đối với các bậc cha mẹ. Dù người mẹ thường là nguồn thông tin chính, họ cũng cảm thấy chưa chuẩn bị đầy đủ và lúng túng khi bàn về kinh nguyệt. Có lẽ đó cũng là cảm giác của bạn. Vậy, làm sao bạn bắt đầu nói chuyện với con gái mình về việc có kinh lần đầu tiên và về kinh nguyệt?
Các em gái ở tuổi dậy thì sắp có kinh lần đầu tiên có thể hiểu được những thông tin đơn giản và cụ thể, chẳng hạn bao lâu thì có kinh một lần, thời gian hành kinh kéo dài mấy ngày, hoặc mất bao nhiêu máu. Thế nên, vào giai đoạn đầu của việc giáo dục về kinh nguyệt, tốt nhất nên tập trung vào những khía cạnh thiết thực trước mắt là cách các em nên ứng xử như thế nào với “biến cố” ấy. Ngoài ra, bạn cần trả lời những câu hỏi như: Việc ấy sẽ như thế nào? Con nên làm gì?
Sau đó, bạn có thể bàn chi tiết về chức năng sinh lý của kinh nguyệt. Thông thường, bạn có thể tìm tài liệu từ các cán bộ y tế, thư viện hoặc nhà sách. Những nguồn tham khảo ấy có thể hữu ích trong việc giải thích các chi tiết. Một số em có lẽ thích đọc tài liệu một mình. Một số khác cảm thấy thoải mái nếu bạn cùng đọc với em.
Hãy chọn một nơi yên tĩnh để bắt đầu cuộc nói chuyện. Hãy bắt đầu thảo luận đơn giản về những thay đổi trong tuổi mới lớn. Có lẽ bạn sẽ nói: “Một ngày gần đây con sẽ cảm nghiệm được một điều rất bình thường xảy ra cho tất cả các cô gái. Con có biết đó là gì không?” Hoặc người mẹ có thể bắt đầu bằng nhận xét riêng, chẳng hạn: “Khi trạc tuổi con, mẹ tự hỏi không biết có kinh thì như thế nào. Ở trường, mẹ và các bạn bàn với nhau. Vậy, các bạn con đã bắt đầu nói về chuyện này chưa?” Hãy tìm hiểu xem con gái bạn đã biết gì về kinh nguyệt và chỉnh lại cho đúng bất cứ thông tin sai lệch nào. Trong những lần nói chuyện đầu tiên, hãy chuẩn bị tâm lý rằng phần lớn, hoặc có thể là chỉ một mình bạn nói thôi.
Là phụ nữ, hẳn bạn đã từng cảm thấy lo lắng và quan tâm đến lần có kinh đầu tiên. Bạn có thể kể lại kinh nghiệm riêng. Ngày xưa, bạn cần biết gì? Bạn muốn biết gì? Thông tin nào có ích? Hãy cố gắng cung cấp cho con gái bạn quan điểm thăng bằng. Kinh nguyệt tuy gây khó chịu nhưng có những khía cạnh tích cực. Hãy sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi.
Một tiến trình giáo dục liên tục
Chúng ta nên xem việc giáo dục về kinh nguyệt là một tiến trình liên tục, thay vì chỉ thảo luận một lần mà thôi. Bạn không cần bàn hết mọi chi tiết trong một buổi nói chuyện. Trong một lần mà truyền đạt quá nhiều thông tin có thể quá sức đối với các em. Con trẻ học biết mọi việc từng chút một. Cũng thế, có lẽ nên nhắc đi nhắc lại thông tin trong nhiều dịp nếu cần. Khi con gái bạn lớn lên, em có thể hiểu thêm nhiều chi tiết.
Một nhân tố khác là thái độ của các em gái đối với vấn đề kinh nguyệt sẽ thay đổi trong thời gian lớn lên. Sau khi con gái bạn có kinh nghiệm hơn với chu kỳ kinh của mình, rất có thể em sẽ đối mặt với những nỗi lo âu và thắc mắc mới. Vì vậy, bạn cần tiếp tục chia sẻ thông tin và giải đáp thắc mắc cho em. Hãy chú ý đến điều gì có ý nghĩa và thích hợp nhất cho lứa tuổi và khả năng hiểu biết của con gái bạn.
Hãy chủ động
Bạn phải làm gì nếu con gái tỏ ra không thích thú với đề tài? Có lẽ em ngần ngại nói về những vấn đề cá nhân. Hoặc có thể em cần thời gian để cảm thấy thoải mái với đề tài này và để nêu ra những câu hỏi. Thậm chí em còn nói rằng mình đã biết hết những điều cần biết.
Theo một cuộc nghiên cứu trên các học sinh lớp sáu ở Hoa Kỳ, hầu hết các em gái đều nghĩ rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc có kinh lần đầu tiên. Tuy nhiên, nếu đặt thêm vài câu hỏi thì rõ ràng là sự hiểu biết của các em còn hạn hẹp. Những điều mà các em cho là đúng thì phản ánh hiểu biết sai lầm dựa trên sự rập khuôn của nền văn hóa và những chuyện hoang đường. Thế nên, ngay cả khi con gái bạn nói là em đã chuẩn bị rồi, em vẫn cần được bạn cung cấp thêm thông tin.
Rất có thể bạn sẽ là người chủ động mở đầu những cuộc trò chuyện ngắn về đề tài kinh nguyệt. Tiếp tục chủ động như thế là thích hợp, vì thực ra đó là trách nhiệm làm cha mẹ. Dù con gái bạn thừa nhận hay không, em thật sự cần bạn giúp đỡ. Bạn có thể cảm thấy nản chí và thiếu khả năng nhưng đừng bỏ cuộc. Hãy kiên nhẫn. Với thời gian, chắc chắn con gái sẽ biết ơn và quý trọng những nỗ lực của bạn biết bao!
[Chú thích]
^ đ. 12 Tại Nhật, con số gia đình chỉ có cha đã đạt đến mức kỷ lục trong năm 2003. Tại Hoa Kỳ, người cha đơn chiếc chiếm tỉ lệ 1/6 trong số gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.
[Câu nổi bật nơi trang 27]
Tốt nhất là bạn nên chia sẻ thông tin với con gái trước khi em có kinh lần đầu tiên
[Khung nơi trang 29]
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI VỚI CON GÁI VỀ VẤN ĐỀ NÀY?
❖ Hãy tìm hiểu xem con gái bạn đã biết những gì. Chỉnh lại cho đúng những hiểu biết sai lệch. Hãy chắc chắn rằng bạn và con gái có những thông tin chính xác.
❖ Chia sẻ kinh nghiệm riêng. Bằng cách nhớ lại và chia sẻ kinh nghiệm riêng về lần có kinh đầu tiên, bạn có thể hỗ trợ cho con gái về mặt cảm xúc.
❖ Hãy đưa ra những thông tin thiết thực. Thông thường, các em gái sẽ hỏi : “Khi có kinh ở trường, con phải làm gì?” “Con nên dùng loại băng vệ sinh nào?” “Con sử dụng chúng như thế nào?”
❖ Hãy đưa ra những tài liệu đơn giản. Chọn tài liệu thích hợp với độ tuổi và sự hiểu biết của con bạn.
❖ Khuyến khích con tiếp tục học hỏi. Hãy bắt đầu những cuộc nói chuyện với con gái bạn trước khi em có kinh lần đầu tiên. Tiếp tục những cuộc nói chuyện như thế là cần thiết, ngay cả sau khi em có kinh rồi.
[Hình nơi trang 28, 29]
Hãy thông cảm. Con gái bạn có thể ngần ngại nói về những vấn đề cá nhân