Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giá trị của môi trường thiên nhiên

Giá trị của môi trường thiên nhiên

Giá trị của môi trường thiên nhiên

Gần đây những nhà khoa học và kinh tế đã phối hợp nghiên cứu năm môi trường thiên nhiên được biến đổi nhằm phục vụ cho lợi ích con người và mang lại lợi nhuận kinh tế. Ở Malaysia, một khu rừng nhiệt đới đã bị đốn sạch trong một thời gian ngắn để lấy gỗ; ở Cameroon, một khu rừng nhiệt đới được chuyển sang trồng cây cọ dầu và cây cao su; ở Thái Lan, một đầm cây đước được biến đổi thành một trại nuôi tôm; ở Canada, một đầm nước ngọt được tháo nước ra để canh tác; và ở Phi-líp-pin, một dãi san hô đã bị hủy hoại vì người ta đánh cá bằng chất nổ đi-na-mít.

Những kết quả của cuộc nghiên cứu thật đáng ngạc nhiên. Nếu như năm môi trường thiên nhiên ấy vẫn được giữ ở tình trạng hoang sơ thì sẽ đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cộng đồng từ 14 đến 75 phần trăm nhiều hơn so với sau khi chúng được biến đổi. Thật thế, sau khi có sự can thiệp của con người, trung bình một hệ sinh thái mất phân nửa giá trị của nó. Mỗi năm chi phí cho việc biến đổi môi trường lên đến 250 tỉ Mỹ kim, trong khi đó nếu bảo tồn môi trường thiên nhiên thì chỉ tốn 45 tỉ Mỹ kim. Các nhà nghiên cứu nói rằng môi trường thiên nhiên cung cấp “hàng hóa và dịch vụ”—dưới dạng thực phẩm, nước, không khí, nhiên liệu, quần áo, thuốc men, sự che chở, ngăn bão, lũ—đáng giá ít nhất 4.400 tỉ Mỹ kim, tỉ lệ lợi nhuận so với chi phí là 100/1, theo nhật báo The Guardian của Luân Đôn. Tiến Sĩ Andrew Balmford của Đại Học Cambridge, Anh Quốc, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Kết quả cho thấy môi trường bị biến đổi thì hoàn toàn không có triển vọng gì về kinh tế. Chúng tôi vốn nghĩ những con số sẽ chứng tỏ việc bảo tồn môi trường thiên nhiên mang lại lợi ích hơn, nhưng không ngờ tỉ lệ chênh lệch lại nhiều đến thế”.

Đáng buồn thay kể từ năm 1992, khi Hội Nghị Thượng Đỉnh về Trái Đất được tổ chức tại Rio de Janeiro, có tới 11,4 phần trăm môi trường thiên nhiên đã bị con người thay đổi, chủ yếu là vì người ta không hiểu rõ thiệt hại do việc mình làm và chỉ mong thu được lợi nhuận nhất thời. Mười năm sau, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới về Sự Phát Triển Bền Vững ở Johannesburg, vẫn không có giải pháp rõ ràng nào được đưa ra cho vấn đề hóc búa này. Tiến Sĩ Balmford bày tỏ mối lo lắng như sau: “Tôi nghe từ ‘bảo tồn’ lần đầu tiên khi còn nhỏ, từ đó cho đến nay một phần ba vùng hoang sơ của thế giới đã bị phá hủy. Điều đó làm tôi mất ngủ”.

Tuy nhiên, những người đọc Kinh Thánh thì an tâm vì có lời hứa của Đấng Tạo Hóa nơi Khải-huyền 11:18. Theo câu này, chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian [“trái đất”, Trần Đức Huân]”. Lúc đó hệ sinh thái của hành tinh này sẽ được khôi phục nhằm mang lại lợi ích mãi mãi cho nhân loại.