Lấy đâu ra thì giờ để làm bài tập ở nhà?
Giới trẻ thắc mắc...
Lấy đâu ra thì giờ để làm bài tập ở nhà ?
‘Là học sinh năm cuối trung học phổ thông, tôi bị căng thẳng quá mức... có quá nhiều bài làm và bài thuyết trình, chẳng có gì là thú vị cả. Tôi không có thì giờ để làm bài’.—Một bạn gái 18 tuổi.
BẠN có cảm thấy choáng ngợp trước một đống bài tập mỗi ngày đem về nhà không? Nếu có, không chỉ mình bạn cảm thấy như vậy. Một thiên phóng sự ở Hoa Kỳ cho biết: “Vì tất cả các trường trên toàn quốc đều tăng tiêu chuẩn giáo dục và điểm chuẩn của bài thi, nên số lượng bài tập cũng gia tăng. Tại một số nơi, các học sinh trung học cho biết mỗi đêm họ phải mất ba tiếng đồng hồ để làm bài tập. Cuộc nghiên cứu của một trường đại học ở Michigan cho biết ngày nay trẻ em phải làm bài tập nhiều hơn gấp ba lần so với trẻ em cách đây 20 năm”.
Không chỉ học sinh ở Hoa Kỳ mới phải làm nhiều bài tập. Chẳng hạn, trong khi khoảng 30 phần trăm học sinh lứa tuổi 13 tại nước này phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm bài tập, thì tại Đài Loan và Hàn Quốc, con số này là 40 phần trăm, còn ở Pháp thì trên 50 phần trăm. Katie, sinh viên một trường đại học của Hoa Kỳ, thở dài nói: “Đôi khi tôi thật sự căng thẳng vì bài tập chồng chất”. Cảm nghĩ của cô cũng giống với cảm nghĩ của Marilyn và Belinda, hai học sinh một trường ở Marseille, Pháp. Marilyn nói: “Mỗi đêm chúng tôi thường phải mất hai giờ hoặc có khi hơn để làm bài tập. Khi có việc khác cần phải làm thì khó mà kiếm ra thì giờ”.
Lấy đâu ra thì giờ ?
Nếu có thể thêm được vài tiếng vào một ngày nào đó để làm hết bài tập và những việc khác thì tốt biết mấy phải không? Thật ra, bạn có thể làm được điều giống như thế nếu học được nguyên tắc Kinh Thánh nơi Ê-phê-sô 5:15, 16: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ”. Mặc dù khi cho lời khuyên này, người viết Kinh Thánh không có ý nói đến việc làm bài tập, nhưng nguyên tắc này có thể áp dụng được cho đời sống hàng ngày. Khi mua một món đồ, bạn phải trả lại bằng một cái gì đó. Ý ở đây muốn nói là nếu muốn có thì giờ để học thì bạn phải hy sinh một cái gì đó. Nhưng hy sinh cái gì ?
Một người trẻ tên Jillian gợi ý: “Hãy liệt kê những điều nên làm trước nhất”. Nói cách khác là lập thứ tự ưu tiên. Hãy đặt việc nhóm họp và những hoạt động thiêng liêng lên hàng đầu. Cũng đừng quên công việc nhà, trách nhiệm đối với gia đình, và dĩ nhiên là cả bài tập về nhà nữa.
Kế đến, hãy thử liệt kê số giờ mà trong khoảng một tuần bạn đã thật sự sử dụng cho mỗi việc. Bạn có thể ngạc nhiên về điều mình khám phá ra. Bạn đã mất bao nhiêu thì giờ để xem truyền hình? Lướt trên mạng Internet? Đi xem phim? Nói chuyện điện thoại? Thăm bạn bè ? Bây giờ, hãy so sánh hai bảng liệt kê này xem chúng khác nhau thế nào? Có lẽ chỉ cần điều chỉnh thời gian mình xem truyền hình, gọi điện thoại, hoặc thói quen lướt trên mạng để từ đó tìm ra được nhiều thì giờ hơn!
Điều gì trước làm trước
Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải dẹp máy truyền hình hay trở thành một ẩn sĩ. Có lẽ bạn cần phải lập nguyên tắc “điều gì trước làm trước”. Một câu Kinh Thánh bạn có thể áp dụng là: “Nhận rõ những điều quan trọng hơn”. (Phi-líp 1:10, NW) Chẳng hạn, vì việc học hành là quan trọng, bạn cần đặt cho mình một kỷ luật là không mở máy truyền hình cho đến khi làm xong việc nhà, soạn bài cho các buổi nhóm họp, và làm xong bài tập. Phải công nhận là để mất một chương trình truyền hình bạn thích thì tiếc lắm. Nhưng thành thật mà nói, có bao nhiêu lần bạn định chỉ xem một chương trình mình thích, nhưng lại mọc rễ trước máy truyền hình suốt buổi tối, chẳng làm được việc gì khác ?
Mặt khác, cần phải xem việc đi nhóm họp là quan trọng. Ví dụ như bạn biết mình sắp phải nộp một bài tập hoặc bài kiểm quan trọng, bạn có thể cố gắng làm bài tập ấy trước để khỏi ảnh hưởng đến các buổi nhóm họp. Ngay cả bạn có thể trình bày với thầy cô về hoàn cảnh của mình, cho họ hay là mình rất biết ơn nếu họ cho biết trước bài tập nào cần phải làm vào những tối có nhóm họp. Một số thầy cô có lẽ sẵn lòng làm thế.
Một nguyên tắc có ích khác chúng ta học được trong Kinh Thánh qua lời tường thuật về một người bạn của Chúa Giê-su tên là Ma-thê. Cô là một người rất bận rộn và siêng năng, nhưng không biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên. Có lần, cô quá mệt nhọc vì cố gắng chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đãi Chúa Giê-su, trong khi Ma-ri, em cô, ngồi nghe Chúa Giê-su giảng thay vì phụ chị mình. Khi Ma-thê phàn nàn về điều này, Chúa Giê-su nói: “Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối-rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được”.—Lu-ca 10:41, 42.
Chúng ta học được gì? Hãy đơn giản hóa. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc này trong hoàn cảnh của mình như thế nào? Bạn có “chịu khó và bối-rối về nhiều việc” như cố vật lộn với bài tập đem về nhà và việc làm bán thời gian không? Nếu đi làm, gia đình bạn có thật sự cần số thu nhập đó không? Hay là bạn chỉ thích có thêm tiền để mua sắm những thứ mình muốn nhưng không thật sự cần?
Chẳng hạn, trong một vài xứ, người trẻ nôn nóng muốn có xe riêng. Bà Karen Turner, một cố vấn của trường trung học, giải thích: “Một áp lực nặng nề đối với người trẻ thời nay là phải có hoặc kiếm ra tiền bởi vì có xe là rất tốn kém”. Tuy nhiên, bà Turner kết luận: “Điều này gây một trở ngại lớn khi học sinh có quá nhiều sinh hoạt như hoạt động ngoại khóa, việc làm thêm, cộng với một chương trình học nặng nề. Rồi họ cảm thấy quá tải”. Tại sao lại làm khổ mình trong khi không cần phải làm như thế ? Nếu ảnh hưởng đến việc học hành, có lẽ bạn cần giảm bớt giờ làm việc thêm hoặc thậm chí nghỉ việc luôn.
“Lợi-dụng thì-giờ” ở trường
Ngoài việc tìm thêm thời gian ngoài giờ học, hãy suy nghĩ cách tận dụng thời gian ở trường. Josue nói: “Em cố gắng làm bài tập càng nhiều càng tốt tại trường và nếu có gì không hiểu trong bài học ngày hôm đó, em có thể hỏi thầy cô”.
Một điều khác cần cân nhắc có thể là giảm những môn học thêm. Hơn nữa, có lẽ bạn nên ngưng tham gia một số hoạt động ngoài
giờ học. Khi điều chỉnh những sinh hoạt này, bạn sẽ có thêm thì giờ để học.Hãy tận dụng thời gian
Thế là bạn đã hy sinh, điều chỉnh và kiếm được thêm một ít thời gian để làm bài tập. Tốt lắm! Làm sao tận dụng trọn thời gian đó? Cùng một khoảng thời gian, nếu làm thêm được một nửa lượng bài tập, như vậy chẳng phải là bạn đã tiết kiệm được một nửa thời gian nữa sao? Đây là vài đề nghị để bạn cải tiến năng suất của mình.
✔ Lập kế hoạch. Trước khi làm bài tập, hãy nghĩ đến những điều như: Môn nào cần làm trước ? Mất bao nhiêu thời gian để xong bài đó? Cần những gì để làm bài—sách, giấy, bút và máy tính?
✔ Chọn chỗ để học. Lý tưởng là một chỗ không bị phân tâm. Một bạn trẻ tên Elyse nói: ‘Nếu có bàn học, hãy ngồi vào đó. Ngồi ở bàn giúp bạn tập trung hơn là nằm trên giường’. Nếu không có phòng riêng, có lẽ anh chị em của bạn sẵn lòng để bạn yên tĩnh và giữ yên lặng trong thời gian bạn học. Hay bạn có thể đến công viên hoặc thư viện để học. Nếu có phòng riêng, và để tránh bị phân tâm thì đừng mở máy truyền hình hoặc nhạc khi đang cố tập trung vào việc học.
✔ Giải lao. Sau một lúc, nếu cảm thấy mình không còn tập trung được nữa, hãy nghỉ một lát, điều đó sẽ giúp bạn tập trung trở lại.
✔ Đừng chần chừ! Katie, bạn trẻ được đề cập ở đầu bài, thú nhận: “Tôi có tật chần chừ, hầu như tôi luôn đợi đến phút chót mới làm bài tập”. Để tránh tật chần chừ, bạn cần có một thời biểu rõ ràng để làm bài tập và theo sát thời biểu đó.
Việc học là quan trọng, nhưng như Chúa Giê-su đã chỉ cho Ma-thê thấy, điều quan trọng nhất mình phải theo đuổi là “phần tốt”, tức phần thiêng liêng. Cố gắng sao cho bài tập ở nhà đừng chiếm chỗ của những hoạt động thiêng liêng như việc đọc Kinh Thánh, tham gia thánh chức, và đi nhóm họp. Chính những điều này sẽ làm cho đời bạn phong phú mãi mãi!—Thi-thiên 1:1, 2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
[Các hình nơi trang 15]
Cố vật lộn với quá nhiều hoạt động có thể làm bạn khó kiếm ra thì giờ để làm bài tập ở nhà
[Hình nơi trang 15]
Khéo sắp xếp công việc có thể giúp bạn tìm ra thêm thì giờ để làm bài tập