Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng con người đang hủy hoại nguồn thực phẩm của mình?

Phải chăng con người đang hủy hoại nguồn thực phẩm của mình?

Phải chăng con người đang hủy hoại nguồn thực phẩm của mình?

“Thách đố ngày nay của chúng ta không phải [là] nợ nần và thâm hụt hoặc sự cạnh tranh toàn cầu nhưng lại là nhu cầu tìm ra cách sống một cuộc đời phong phú, sung mãn mà không phải phá hoại sinh quyển của trái đất, vốn duy trì mọi sự sống. Trước nay nhân loại chưa bao giờ đối mặt với một nguy cơ lớn như thế: sự tan rã của chính những nhân tố duy trì sự sống của chúng ta”.—Nhà di truyền học David Suzuki.

CÓ ĐƯỢC trái táo thường dễ cho là chuyện đương nhiên. Nếu sống ở nơi táo mọc sum suê, bạn có thể cho rằng muốn táo là có táo và hay hơn nữa, bạn còn có thể chọn giữa nhiều loại. Nhưng bạn có biết rằng ngày nay số các loại táo để chọn ít hơn nhiều so với 100 năm trước đây không?

Từ năm 1804 đến năm 1905, có đến 7.098 loại táo mọc ở Hoa Kỳ. Ngày nay, 6.121 loại táo—86 phần trăm—bị tuyệt diệt. Trái lê cũng cùng chung số phận. Khoảng 88 phần trăm trong số 2.683 giống lê một thời được trồng nay đã tuyệt diệt. Và nếu nói đến rau cải, con số còn thảm khốc hơn nữa. Một điều đang biến mất, đó là tính đa dạng sinh học—không chỉ nhiều loài sinh vật mà còn nhiều chủng loại bên trong cùng một loài. Tính đa dạng của các loại rau cải mọc ở Hoa Kỳ đã giảm hẳn 97 phần trăm trong không đầy 80 năm! Nhưng tính đa dạng có quan trọng không?

Nhiều khoa học gia bảo là có. Dù vai trò của tính đa dạng sinh học vẫn còn đang được tranh luận, một số nhà môi trường học nói rằng nó cần thiết cho sự sống trên đất. Họ nói rằng tính đa dạng sinh học cần thiết cho những cây ăn trái cũng như cho những cây dại mọc trong rừng và trên đồng cỏ khắp thế giới. Tính đa dạng trong cùng một loài cũng quan trọng nữa. Chẳng hạn, việc trồng nhiều giống lúa khác nhau gia tăng cơ may một số giống có khả năng kháng lại bệnh dịch thông thường. Bởi vậy, một bài do Viện Worldwatch xuất bản bình luận gần đây rằng điều trước hết có thể chứng tỏ cho nhân loại thấy việc cắt giảm tính đa dạng sinh học có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng như thế nào—đối với nguồn thực phẩm của chúng ta.

Sự tuyệt diệt thực vật có thể ảnh hưởng đến vụ mùa ít nhất qua hai cách: thứ nhất, hủy diệt các giống hoang cùng họ với những cây trồng, tức một nguồn gien cho việc gây giống trong tương lai, và thứ hai, làm giảm số giống trong cung một loài được trồng. Chẳng hạn, đầu thế kỷ 20, ở Á Châu có lẽ có trên 100.000 giống lúa bản địa được trồng, chỉ ở Ấn Độ thôi đã có ít nhất 30.000 giống. Nay 75 phần trăm vụ mùa ở Ấn Độ chỉ còn có mười giống khác nhau. Con số 2.000 giống lúa khác nhau ở Sri Lanka nay tụt xuống còn 5. Xứ Mexico là nơi phát sinh giống ngô nay chỉ giữ lại được 20 phần trăm các giống ngô tìm thấy ở đó vào thập niên 1930.

Nhưng vấn đề này không chỉ liên lụy đến thực phẩm. Khoảng 25 phần trăm dược phẩm thương mại đến từ thực vật, và người ta hiện vẫn còn khám phá ra những cây thuốc mới. Thế nhưng, thực vật liên tục bị dẫn đến sự tuyệt diệt. Phải chăng thực tế là chúng ta đang cắt cỏ dưới chân chúng ta?

Theo Liên Hiệp Bảo Tồn Thế Giới (World Conservation Union), trong khoảng 18.000 loài thực vật và động vật hiện đang được nghiên cứu, có hơn 11.000 loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Ở Indonesia, Malaysia và Châu Mỹ La Tinh, nơi mà người ta hạ những đám rừng lớn để canh tác, những nhà nghiên cứu chỉ có thể đoán bao nhiêu loài sắp—hoặc ngay cả đã—bị tuyệt diệt. Thế nhưng, một số người nói rằng sự tuyệt diệt đang diễn ra “nhanh chóng khốc liệt”, theo báo cáo của báo The UNESCO Courier.

Dĩ nhiên, trái đất vẫn còn sản xuất ra khối lượng thực phẩm to lớn. Nhưng một dân số đang phát triển nhanh có thể nuôi ăn mình được bao lâu nữa nếu tính đa dạng sinh học của trái đất thoái hóa? Nhiều xứ đã đối phó với mối lo ngại như thế bằng cách tạo những ngân hàng hạt giống để đảm bảo là không bị mất đi những thực vật quan trọng. Một số vườn bách thảo đã đảm nhận nhiệm vụ bảo tồn các loài. Khoa học đã cung cấp những công cụ mới và mạnh mẽ qua ngành kỹ thuật gien. Nhưng liệu các ngân hàng hạt giống và khoa học giải quyết được vấn đề không? Bài tới sẽ xem xét câu hỏi này.