Nhìn thoáng qua Địa Đàng
Nhìn thoáng qua Địa Đàng
BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở TÂY BAN NHA
VOI, hổ và linh dương thường không lang thang ở những hầm mỏ bị bỏ hoang. Việc khai mỏ thường làm mặt đất lồi lõm, hoang tàn, không thích hợp cho các thú lạ đến ẩn náu.
Nhưng trong Công Viên Thiên Nhiên Cabárceno thuộc tỉnh Cantabria ở Tây Ban Nha, một thí nghiệm độc đáo cho thấy rằng ngay cả những chỗ ít triển vọng nhất cũng có thể được tô điểm để biến thành một nơi như địa đàng.
Trong khoảng 3.000 năm, vùng Cabárceno đã nổi tiếng về quặng sắt có chất lượng cao. Các thợ mỏ người Celt phát hiện ra rằng oxyt sắt, tìm thấy trong vùng này, có thể dễ dàng chuyển thành sắt—một thứ kim loại không thể thiếu được trong việc chế tạo dụng cụ và vũ khí của người Celt. Người La Mã cũng đã khai thác khoáng sản này trong nhiều thế kỷ.
Vì quặng sắt được tìm thấy gần mặt đất, nên các thợ mỏ thời xưa đã cần cù dùng cuốc, xẻng đào những khoáng chất giàu hạt, để lại hàng trăm mô đá trông như tháp nhỏ không có quặng nào. Vì vậy vô hình trung họ tạo nên quang cảnh đặc sắc như vùng đá vôi, với những lớp đá do nước xâm thực tạo nên, chứ không phải do tay người.
Tuy nhiên, với cuộc Cách Mạng Công Nghiệp, máy móc tối tân được dùng để phá phần núi còn lại để khai thác hết lượng quặng quý còn lại. Cuối cùng, hầm mỏ bị đóng cửa vào năm 1989 sau khi những xe ủi đất rút hết nguồn khoáng sản trong núi. Chỉ vài cái máy rỉ sét còn để lại ở cổng vào vùng Cabárceno, làm bằng chứng cho di sản kỹ nghệ của nó.
Từ hoang địa trở thành phong cảnh hữu tình
Chắc chắn, hủy hoại một phong cảnh dễ hơn là phục hồi nó. Chính quyền địa phương ở Cantabria đã không nản chí khi đảm nhận thách thức biến một nơi khô cằn sỏi đá thành một vườn bách thú.
Sự thành công của họ chủ yếu nhờ vào khả năng phục hồi tự nhiên của trái đất khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, những người trồng cây đã nỗ lực tu sửa những hư hại từ hàng bao thế kỷ khai thác và bỏ phế gây nên. Trong vòng đôi ba năm, người ta đã trồng hàng ngàn cây, thay lớp đất trên mặt, biến những hốc sâu xấu xí thành hồ xinh đẹp, và làm những đường rầy xe lửa thành lối đi. Cuối cùng, để hoàn tất việc tu bổ này, những loài thú chọn lọc đặc biệt đã được thả vào trong vùng rộng lớn này có rào vây quanh.
Hàng năm 600.000 du khách đến thăm Công Viên Thiên Nhiên Cabárceno hẳn cảm thấy nỗ lực đó thật đáng công. Nhiều người đã phấn chấn tuyên bố: “Đây đúng là địa đàng!” Họ chọn chữ “địa đàng” rất thích hợp, vì người Ba Tư và Hy Lạp xưa dùng nó để chỉ một công viên rộng lớn, cây cỏ xanh tươi, cảnh đẹp thiên nhiên nơi thú vật có thể tương đối được tự do ăn cỏ.
Trong thời buổi quá nhiều phong cảnh thiên nhiên bị hủy hoại, thật thích thú khi được đến thăm một nơi với vẻ đẹp được khôi phục và tô điểm. Hơn nữa, những gì đã thực hiện trên bình diện nhỏ ở Cabárceno cho thấy khả năng của trái đất tuyệt diệu này.
Giờ đây, gấu nâu trèo lên vách đá mà thợ mỏ La Mã đã có thời đục đẽo. Voi và linh dương đang ăn trên những đồng cỏ xanh tươi phủ kín vùng đất trước kia bị người ta khai quật đến trơ trụi. Những chú hổ con nô đùa trên những mô đá hoa cương do những người Celt vô tình chạm trổ nên bằng cuốc, xẻng. Và chỉ sau vài năm ngắn ngủi thôi mà đã có sự biến đổi này!
Kinh Thánh hứa rằng một ngày trong tương lai, cả trái đất sẽ biến thành địa đàng theo đúng ý định ban đầu của Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:15; Ê-sai 65:17, 22-25; Lu-ca 23:42, 43) Những công viên thiên nhiên như Cabárceno không những cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về địa đàng tương lai, mà còn nhắc chúng ta rằng lời hứa đó chắc chắn sẽ được thực hiện vì Đấng Tạo Hóa có khả năng làm thế.
[Trang hình ảnh nơi trang 23]
[Nguồn tư liệu nơi trang 22]
Tất cả các hình: Parque de la Naturaleza de Cabárceno