Chiếc đồng hồ độc đáo ở Prague
Chiếc đồng hồ độc đáo ở Prague
THÔNG TÍN VIÊN TỈNH THỨC! Ở CỘNG HÒA CZECH
Những người bán hàng rong đua nhau mời mọc du khách qua lại. Quảng trường tràn ngập những tiếng cười, tiếng líu lo của các ngôn ngữ khác nhau và tiếng âm nhạc inh ỏi hòa quyện vào nhau. Nhưng hãy khoan! Tại sao đám đông lại im lặng? Gần như đã đến đầu giờ, và mọi cặp mắt đều dán chặt vào hai cánh cửa sổ màu xanh trên ngọn tháp của tòa thị chính. Thình lình hai cánh cửa sổ thụt mở, và các hình họa tượng trưng các sứ đồ của Đấng Christ xuất hiện. Phi-e-rơ đi đầu, tay cầm chiếc chìa khóa lớn. Khi lần lượt từng đôi một đi ngang qua hai khung cửa sổ, 12 hình họa có vẻ như quan sát đám đông phía dưới.
CHÚNG TA đang chứng kiến một màn biểu diễn của chiếc đồng hồ thiên văn trên Tòa Thị Chính Cổ ở thành phố Prague, thuộc Cộng Hòa Czech. Cứ vào mỗi đầu giờ từ tám giờ sáng đến tám giờ tối, cỗ máy kỳ lạ này bật sống dậy. Ngoài cảnh diễu hành của các sứ đồ do máy móc điều khiển, còn có những hình di động bên ngoài chiếc đồng hồ. Các hình này tượng trưng những điều mà dân
thành phố Prague thường sợ nhất. Đứng ở một bên đồng hồ là Kẻ Hà Tiện, tượng trưng sự tham lam, đang cân túi tiền trong tay xem nặng nhẹ bao nhiêu. Gần bên y là một người đàn ông ngắm mình trong gương, tượng trưng Kẻ Hư Vô. Cả Kẻ Hà Tiện lẫn Kẻ Hư Vô đều gật gù tự mãn. Đứng ở phía bên kia đồng hồ là bộ xương người—Thần Chết—một bàn tay xương cốt của y thì lắc cái chuông, còn tay kia thì lật ngược chiếc đồng hồ cát. Trong suốt thời gian này, bộ xương người há cái miệng đầy răng rồi ngậm lại, và đồng thời gật gật cái đầu, hướng về phía người Thổ Nhĩ Kỳ—tượng trưng sự xâm lăng—đang đứng bên cạnh. Người Thổ lắc đầu, không chịu đi với y.Người ta kể lại rằng có lần một con chim sẻ đã bay vào trong miệng bộ xương ngay khi nó ngậm lại lần cuối trong một màn biểu diễn. Con chim thiếu may mắn bị giam cầm trong đó một tiếng đồng hồ cho đến khi bộ xương lại mở miệng ra! Nếu những người trong thời đại máy tính ngày nay còn phải say mê vì bộ máy kỳ diệu này, bạn hãy tưởng tượng ấn tượng của nó đối với những người sống cách đây hàng trăm năm!
Nhìn kỹ chiếc đồng hồ
Du khách tự nhiên tập trung phần lớn vào những hình người di động, được thêm vào những thế kỷ sau khi người ta lắp đặt chiếc đồng hồ. Nhưng bộ phận xưa nhất và tinh xảo nhất là mặt đồng hồ thiên văn. Nó có thể cho chúng ta biết gì? Trước hết là giờ. Vành ngoài của đồng hồ có màu đen, được khắc chữ số Gô-tích mạ vàng theo hệ thống Czech ngày xưa, phân chia một ngày thành 24 giờ bắt đầu vào lúc mặt trời lặn. Cứ mỗi vòng quay của chiếc vành này, giờ thứ 24 luôn luôn trùng với lúc mặt trời lặn, bất luận mùa nào. Chữ số La Mã ngay bên trong vành ngoài chia ngày thành hai khoảng thời gian, mỗi khoảng 12 giờ, với giữa trưa ở bên trên và nửa đêm ở dưới. Các ngón của một bàn tay mạ vàng chỉ giờ.
Ngoài ra, trên mặt đồng hồ thiên văn, chuyển động của một chiếc đĩa lớn mạ vàng cho thấy quỹ đạo của mặt trời, trong khi một quả cầu nhỏ cho thấy các tuần trăng. Chuyển động biểu kiến của bầu trời đầy sao xung quanh trái đất được biểu diễn bằng một vành lệch tâm, vành này nhỏ hơn và có ghi ký hiệu của các chòm sao. Nằm cố định ở giữa mặt đồng hồ là trái đất, có cả các đường kinh tuyến, vĩ tuyến và các cực của nó, với thủ đô Prague tại trung tâm. Trên mặt đồng hồ cũng có ba vòng tròn tượng trưng đường xích đạo, Bắc Chí Tuyến và Nam Chí Tuyến. Như thế mặt đồng hồ cho thấy vị trí tương đối của trái đất, mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao trong suốt cả năm. Phía bên dưới mặt đồng hồ thiên văn là lịch hình đĩa, trên đó có những tranh phong cảnh đồng quê tượng trưng mỗi tháng trong năm. Cái lịch hình
đĩa cho biết ngày tháng, cứ mỗi ngày vào nửa đêm nó lại xoay thêm một nấc trong số 365 nấc, ngoại trừ một đêm trong năm nhuận.Nhìn vào trong cơ cấu đồng hồ, ta thấy một dãy vô số bánh xe lớn nhỏ khó mà tưởng tượng nổi. Bộ máy phức tạp này được một thợ máy chăm lo, ông kiểm tra tỉ mỉ các bộ phận mỗi tuần.
Lịch sử chiếc đồng hồ thiên văn
Có nhiều huyền thoại liên quan đến chiếc đồng hồ thiên văn của thành phố Prague. Một trong các huyền thoại nói rằng một Thợ Cả tên Hanuš đã kiến tạo ra nó. Kiệt tác này đặc sắc đến độ giới cầm quyền thành phố sợ rằng ông sẽ tạo ra những chiếc đồng hồ tương tự ở nơi khác, và như thế cướp mất danh tiếng của thành phố Prague. Để ngăn chặn việc này, họ mướn người hành hung và đâm mù mắt Thợ Cả Hanuš. Kết cục của truyện huyền thoại nói rằng khi sắp chết Hanuš đã với tay vào trong các bánh răng cưa của đồng hồ để phá hủy nó.
Mừng thay, đây chỉ là một truyện huyền thoại khó tin. Nhưng Hanuš là một người có thật, một nhà chế tạo đồng hồ ở Prague từ năm 1475 đến 1497. Trong nhiều năm, các chuyên gia tin rằng chính ông đã làm ra chiếc đồng hồ thiên văn. Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng Mikuláš thuộc Kadaň đã kiến tạo chiếc đồng hồ vào năm 1410. Hanuš tái thiết nó vào năm 1490. Kể từ thế kỷ 16, cỗ máy này đã được sửa chữa và tái thiết nhiều lần. Tuy nhiên, kể từ khi được tái thiết vào năm 1865, hầu hết các bộ phận của nó vẫn còn cho đến nay.
Vào cuối Thế Chiến II, lực lượng Quốc Xã đã phóng hỏa đốt Tòa Thị Chính Cổ khi họ rút lui khỏi thành phố Prague. Chiếc đồng hồ thiên văn đã bị hư hại nặng. Sau chiến tranh, người ta cứu xét hai đề án chính nhằm khôi phục chiếc đồng hồ—làm nó trở lại nguyên dạng hoặc cung cấp cho nó những mặt đồng hồ mới mang ý nghĩa tượng trưng hoàn toàn khác hẳn. Ở Prague thời đó, tư tưởng vô thần đang trên đà gia tăng, và đối với nhà cầm quyền thời hậu chiến, hình ảnh của các sứ đồ không được ưa chuộng. Tuy nhiên, trước khi sửa đổi cấu trúc của đồng hồ, ba tay thợ giỏi về việc chế tạo đồng hồ đã chứng tỏ rằng nó có thể sửa chữa được, và vì vậy nó được khôi phục lại nguyên dạng đã có trước thời chiến. Vì thế mà ngày nay chúng ta vẫn thấy hình kẻ hà tiện, bộ xương người, người Thổ Nhĩ Kỳ và các sứ đồ thay vì những hình khác, chẳng hạn như người thợ mộc, thợ nề, thợ may và cô thợ giặt.
Cuối cùng con gà gáy
Mười hai sứ đồ di động tạo thành đoàn diễu hành của chiếc đồng hồ thiên văn, nhưng một số chi tiết không thực sự có trong Kinh Thánh. Phao-lô và Ba-na-ba thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Gia-cơ con của A-phê, nhưng họ không ở trong số 12 sứ đồ trong Kinh Thánh. (Công-vụ 1:12-26) Chung quanh đầu của mỗi sứ đồ có vầng hào quang—một biểu tượng tà giáo mà những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu không dùng.
Sau khi hình sứ đồ đi sau cùng xuất hiện, một con gà trống mạ vàng đậu phía trên hai cánh cửa sổ gáy lên. Đồng hồ đã điểm giờ, hai cánh cửa sổ đóng lại, và đám đông bắt đầu giải tán. Bạn có muốn xem lại lần nữa không? Thế thì bạn sẽ phải chờ một giờ nữa. Trong khi chờ đợi, bạn có thể xem xét mặt đồng hồ, nó đã thu hút du khách đến Tòa Thị Chính Cổ của thành phố Prague gần 600 năm nay.
[Biểu đồ/Các hình nơi trang 17]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
MẶT ĐỒNG HỒ THIÊN VĂN
Thời điểm này là 12 giờ 57 phút trưa
Giờ mặt trời lặn, 5 giờ 21 phút chiều
[Biểu đồ/Các hình nơi trang 18]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
LỊCH HÌNH ĐĨA
Ngày 1 tháng 1
[Hình nơi trang 16]
Kẻ Hư Vô và Kẻ Hà Tiện
[Hình nơi trang 17]
Thần Chết và người Thổ Nhĩ Kỳ