CHƯƠNG 14
“Chúng tôi nhất trí”
Cách hội đồng lãnh đạo đi đến quyết định và điều đó mang lại sự hợp nhất cho hội thánh
Dựa trên Công vụ 15:13-35
1, 2. (a) Hội đồng lãnh đạo của hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời thế kỷ thứ nhất đứng trước những câu hỏi quan trọng nào? (b) Các anh ấy đã nhận được sự trợ giúp nào để đi đến kết luận đúng?
Bầu không khí hồi hộp bao trùm căn phòng. Các sứ đồ và trưởng lão có mặt tại căn phòng ở Giê-ru-sa-lem đều nhìn nhau, nhận thấy rằng đây là giờ phút quyết định. Vấn đề cắt bì đã nêu lên những câu hỏi quan trọng. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có phải vâng giữ Luật pháp Môi-se không? Có nên phân biệt tín đồ gốc Do Thái với tín đồ gốc dân ngoại không?
2 Các anh dẫn đầu đã xem xét nhiều bằng chứng. Họ nghĩ đến lời tiên tri của Đức Chúa Trời cũng như lời chứng đầy thuyết phục của những người chứng kiến tận mắt sự ban phước của Đức Giê-hô-va. Họ đã bày tỏ hết quan điểm của mình. Có quá nhiều bằng chứng cho thấy vấn đề này đã được thần khí Đức Giê-hô-va hướng dẫn rõ ràng. Liệu các anh ấy sẽ hưởng ứng sự hướng dẫn đó không?
3. Chúng ta được lợi ích thế nào khi xem xét lời tường thuật nơi chương 15 của sách Công vụ?
3 Cần có đức tin thật và lòng can đảm để chấp nhận sự hướng dẫn của thần khí trong vấn đề này. Họ đứng trước nguy cơ khiến giới lãnh đạo Do Thái giáo càng căm ghét mình hơn. Và họ phải đương đầu với sự phản kháng từ bên trong hội thánh, đến từ những người nhất quyết đưa dân Đức Chúa Trời trở lại nương cậy nơi Luật pháp Môi-se. Hội đồng lãnh đạo sẽ làm gì? Chúng ta hãy xem. Trong lúc tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy làm thế nào các anh thời đó đã lập nên khuôn mẫu mà Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va thời nay đang noi theo. Đó cũng là khuôn mẫu chúng ta cần làm theo khi đối phó với những quyết định hoặc thử thách trong đời sống của một tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
“Phù hợp với lời đã viết trong sách của các nhà tiên tri” (Công vụ 15:13-21)
4, 5. Gia-cơ đã đưa vào cuộc thảo luận sự hiểu biết nào từ lời tiên tri của Đức Chúa Trời?
4 Môn đồ Gia-cơ, người em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su, đã lên tiếng. a Dường như vào dịp này, ông là chủ tọa phiên họp. Lời của ông đúc kết ý kiến mà rất có thể cả hội đồng đều nhất trí. Trước mặt mọi người trong phiên họp, Gia-cơ nói: “Sy-mê-ôn đã kể rõ lần đầu tiên Đức Chúa Trời đoái đến dân ngoại như thế nào để lấy ra một dân cho danh ngài. Điều này phù hợp với lời đã viết trong sách của các nhà tiên tri”.—Công 15:14, 15.
5 Lời phát biểu của Sy-mê-ôn, hay Si-môn Phi-e-rơ, cùng các bằng chứng từ Ba-na-ba và Phao-lô có lẽ đã khiến Gia-cơ nhớ đến những câu Kinh Thánh thích hợp làm sáng tỏ đề tài đang thảo luận (Giăng 14:26). Sau khi nói câu “phù hợp với lời đã viết trong sách của các nhà tiên tri”, Gia-cơ đã trích dẫn A-mốt 9:11, 12. Sách này thuộc nhóm sách thường được gọi là “sách của các nhà tiên tri”, nằm trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (Mat 22:40; Công 15:16-18). Anh chị sẽ thấy lời trích của Gia-cơ hơi khác với lời trong sách A-mốt ngày nay. Có thể Gia-cơ đã trích từ bản Septuagint, bản dịch tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.
6. Kinh Thánh làm sáng tỏ vấn đề đang thảo luận như thế nào?
6 Qua nhà tiên tri A-mốt, Đức Giê-hô-va báo trước thời điểm ngài sẽ dựng ‘lều của Đa-vít’, tức là dòng dõi hoàng tộc dẫn đến Nước của Đấng Mê-si (Ê-xê 21:26, 27). Có phải Đức Giê-hô-va một lần nữa chỉ ưu ái dân Do Thái không? Không. Lời tiên tri nói thêm rằng “người thuộc hết thảy các nước” sẽ được nhóm lại thành “những người được gọi bằng danh [Đức Chúa Trời]”. Hãy nhớ là Phi-e-rơ vừa mới chứng nhận rằng Đức Chúa Trời “chẳng hề phân biệt chúng ta [tín đồ gốc Do Thái] với họ [tín đồ gốc dân ngoại], nhưng làm lòng họ tinh sạch bởi đức tin” (Công 15:9). Nói cách khác, ý muốn Đức Chúa Trời là người Do Thái cũng như dân ngoại đều được làm người thừa kế trong Nước Trời (Rô 8:17; Ê-phê 2:17-19). Không chỗ nào trong các lời tiên tri đến từ Đức Chúa Trời cho thấy tín đồ gốc dân ngoại trước hết phải chịu phép cắt bì hoặc trở thành người cải đạo Do Thái.
7, 8. (a) Gia-cơ đề nghị điều gì? (b) Chúng ta nên hiểu thế nào về lời của Gia-cơ?
7 Được thôi thúc bởi bằng chứng dựa trên Kinh Thánh và lời chứng đầy thuyết phục mình đã nghe, Gia-cơ đề nghị: “Vì thế, tôi quyết định không gây khó khăn cho dân ngoại tin Đức Chúa Trời, nhưng viết thư bảo họ phải tránh những thứ bị ô uế bởi thần tượng, tránh gian dâm, phải kiêng những con vật chết ngạt và huyết. Vì từ thời xưa, tại mỗi thành luôn có người giảng về Môi-se, và những lời ông viết được đọc lớn trong nhà hội vào mỗi ngày Sa-bát”.—Công 15:19-21.
8 Khi nói “vì thế, tôi quyết định”, phải chăng Gia-cơ đang lấy quyền của mình, có lẽ là chủ tọa phiên họp, để áp đặt anh em và tự ý quyết định điều phải làm? Không phải vậy! Cụm từ Hy Lạp được dịch là “tôi quyết định” cũng có thể mang nghĩa “tôi xét thấy” hoặc “tôi đưa ra ý kiến”. Khác với việc điều khiển cả hội đồng, Gia-cơ đã đề nghị họ xem xét một giải pháp dựa trên bằng chứng đã nghe và những gì Kinh Thánh nói về vấn đề đó.
9. Đề nghị của Gia-cơ mang lại lợi ích nào?
9 Đề nghị của Gia-cơ có hữu ích không? Rõ ràng là có, vì sau đó các sứ đồ và trưởng lão đã chấp thuận. Điều đó mang lại lợi ích nào? Một mặt, lời đề nghị đó không “gây khó khăn” cho các tín đồ gốc dân ngoại vì không buộc họ làm theo các đòi hỏi trong Luật pháp Môi-se (Công 15:19). Mặt khác, quyết định này thể hiện sự tôn trọng lương tâm của các tín đồ người Do Thái đã nhiều năm nghe “về Môi-se, và những lời ông viết được đọc lớn trong nhà hội vào mỗi ngày Sa-bát” b (Công 15:21). Đề nghị đó chắc chắn sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa tín đồ gốc Do Thái và tín đồ gốc dân ngoại. Trên hết, điều này làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời vui lòng vì phù hợp với bước tiến trong ý định của ngài. Quả là phương cách tốt để giải quyết vấn đề đe dọa sự hợp nhất và hạnh phúc của toàn thể dân Đức Chúa Trời! Đó thật là gương mẫu tuyệt vời cho hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời nay!
10. Làm thế nào Hội đồng Lãnh đạo thời nay làm theo khuôn mẫu mà hội đồng lãnh đạo thời thế kỷ thứ nhất lập ra?
10 Như đã nói nơi chương trước, trong mọi vấn đề, Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng làm giống như hội đồng lãnh đạo thời thế kỷ thứ nhất, tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị Hoàn Vũ và Chúa Giê-su Ki-tô, đấng làm đầu hội thánh c (1 Cô 11:3). Họ làm thế bằng cách nào? Anh Albert Schroeder, phục vụ trong Hội đồng Lãnh đạo từ năm 1974 cho đến khi kết thúc đời sống trên đất vào tháng 3 năm 2006, giải thích: “Hội đồng Lãnh đạo họp vào mỗi thứ tư, mở đầu bằng lời cầu nguyện và xin thần khí Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Các anh cố gắng hết mình để giải quyết và quyết định mọi việc sao cho phù hợp với Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời”. Tương tự, anh Milton Henschel, thành viên lâu năm của Hội đồng Lãnh đạo đã kết thúc đời sống trên đất vào tháng 3 năm 2003, nêu lên một câu hỏi căn bản cho các học viên tốt nghiệp khóa thứ 101 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Anh hỏi: “Có tổ chức nào khác trên đất mà những người đứng đầu đều tra cứu Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, trước khi quyết định những điều quan trọng không?”. Câu trả lời thật hiển nhiên.
“Phái những người được chọn” (Công vụ 15:22-29)
11. Quyết định của hội đồng lãnh đạo được truyền đạt cho các hội thánh qua cách nào?
11 Hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem đã có quyết định thống nhất về vấn đề cắt bì. Tuy nhiên, để anh em ở các hội thánh hành động hợp nhất, quyết định đó phải được truyền đạt rõ ràng cho họ một cách yêu thương và xây dựng. Đâu là cách tốt nhất? Lời tường thuật giải thích: “Các sứ đồ, trưởng lão cùng cả hội thánh quyết định phái những người được chọn trong số họ để cùng Phao-lô và Ba-na-ba đi đến thành An-ti-ốt; họ phái Giu-đa, còn gọi là Ba-sa-ba, cùng Si-la, là những người dẫn đầu trong anh em”. Ngoài ra, một lá thư được soạn sẵn và gửi những anh đó mang theo để đọc cho tất cả các hội thánh ở An-ti-ốt, Sy-ri và Si-li-si.—Công 15:22-26.
12, 13. Có lợi ích nào từ việc (a) phái Giu-đa và Si-la đi? (b) hội đồng lãnh đạo gửi một lá thư?
12 Là “những người dẫn đầu trong anh em”, Giu-đa và Si-la hội đủ điều kiện để đại diện hội đồng lãnh đạo. Phái đoàn gồm bốn người sẽ cho thấy rõ thông điệp họ mang đến không chỉ là câu trả lời cho vấn đề đã được nêu lên, mà là chỉ thị của hội đồng lãnh đạo. Sự có mặt của “những người được chọn” ấy sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa các tín đồ gốc Do Thái ở Giê-ru-sa-lem và các tín đồ gốc dân ngoại ở các nơi. Quả là một sắp đặt khôn ngoan và đầy yêu thương! Chắc hẳn điều đó đã góp phần tạo nên sự bình an và hòa hợp trong vòng dân sự Đức Chúa Trời.
13 Lá thư đó đưa ra chỉ thị rõ ràng cho các tín đồ gốc dân ngoại không chỉ về vấn đề cắt bì, mà còn về những điều họ phải làm để nhận được ân huệ và ân phước từ Đức Giê-hô-va. Phần chính của lá thư nói: “Thần khí thánh và chúng tôi quyết định không gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần thiết này: Phải tránh những thứ đã dâng cho thần tượng, sự gian dâm, phải kiêng huyết và những con vật chết ngạt. Nếu cẩn thận tránh những điều ấy thì tốt cho anh em. Chúc anh em dồi dào sức khỏe!”.—Công 15:28, 29.
14. Làm sao dân Đức Giê-hô-va có thể làm việc hợp nhất trong thế gian chia rẽ này?
14 Thời nay, sự hợp nhất về niềm tin lẫn hành động được thấy rõ trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va, với hơn 8.000.000 Nhân Chứng trong hơn 100.000 hội thánh trên khắp thế giới. Làm sao có được sự hợp nhất như thế, nhất là khi tình trạng hỗn loạn và tinh thần chia rẽ rất phổ biến trong thế gian này? Sự hợp nhất ấy chủ yếu có được từ chỉ thị rõ ràng và dứt khoát mà Chúa Giê-su Ki-tô, đấng làm đầu hội thánh, ban qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” là Hội đồng Lãnh đạo (Mat 24:45-47). Sự hợp nhất cũng có được qua cách đoàn thể anh em khắp thế giới sẵn lòng hợp tác làm theo chỉ thị của Hội đồng Lãnh đạo.
“Họ rất vui vì được khích lệ” (Công vụ 15:30-35)
15, 16. Kết cuộc của vấn đề cắt bì là gì, và điều gì góp phần mang lại kết quả đó?
15 Lời tường thuật trong sách Công vụ kể tiếp rằng khi xuống đến An-ti-ốt, phái đoàn từ Giê-ru-sa-lem đã “tập hợp cả nhóm môn đồ lại rồi trao thư cho họ”. Anh em ở đó phản ứng thế nào trước chỉ thị của hội đồng lãnh đạo? “Sau khi đọc thư, họ rất vui vì được khích lệ” (Công 15:30, 31). Ngoài ra, Giu-đa và Si-la “đã nói nhiều bài giảng để khích lệ anh em và làm họ vững mạnh”. Hai anh ấy là “những nhà tiên tri” theo nghĩa đó, như Ba-na-ba, Phao-lô và những người khác cũng được gọi là tiên tri—một từ ám chỉ những người công bố hoặc rao báo ý muốn của Đức Chúa Trời.—Công 13:1; 15:32; Xuất 7:1, 2.
16 Đức Giê-hô-va rõ ràng đã ban phước cho toàn bộ sự sắp đặt đó, giúp vấn đề được giải quyết ổn thỏa. Bí quyết nào mang lại kết quả tốt đẹp này? Không có gì nghi ngờ, đó là nhờ chỉ thị rõ ràng và đúng lúc của hội đồng lãnh đạo, dựa trên Lời Đức Chúa Trời và sự hướng dẫn của thần khí thánh. Bên cạnh đó, những quyết định ấy được truyền đạt đến các hội thánh một cách trực tiếp và đầy yêu thương.
17. Cuộc viếng thăm của các giám thị vòng quanh vào thời chúng ta có một số đặc điểm nào tương đồng với khuôn mẫu thời xưa?
17 Theo khuôn mẫu đó, Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng cung cấp chỉ thị đúng lúc cho đoàn thể anh em khắp thế giới. Khi đưa ra các quyết định, họ truyền đạt rõ ràng và thẳng thắn cho các hội thánh. Một cách là qua cuộc viếng thăm của các giám thị vòng quanh. Các giám thị có tinh thần hy sinh này đi thăm mỗi hội thánh, truyền đạt những hướng dẫn rõ ràng và lời khích lệ ấm lòng. Như Phao-lô và Ba-na-ba, họ dành nhiều thời gian trong thánh chức, “giảng dạy, cùng với nhiều người khác công bố tin mừng của lời Đức Giê-hô-va” (Công 15:35). Họ cũng “đã nói nhiều bài giảng để khích lệ anh em và làm họ vững mạnh”, như Giu-đa và Si-la đã làm.
18. Dân Đức Giê-hô-va phải làm gì để chắc chắn tiếp tục nhận được ân phước của ngài?
18 Còn các hội thánh thì sao? Điều gì giúp các hội thánh trên khắp đất luôn hưởng được sự bình an và hòa hợp trong thế gian chia rẽ này? Hãy nhớ rằng chính môn đồ Gia-cơ về sau đã viết: “Sự khôn ngoan từ trên thì trước tiên là trong sạch, rồi đến hòa thuận, phải lẽ, sẵn sàng vâng lời... Ngoài ra, hạt giống của trái công chính được gieo trong môi trường hòa thuận cho những người tạo sự hòa thuận” (Gia 3:17, 18). Chúng ta không hề biết Gia-cơ có nghĩ đến cuộc họp tại Giê-ru-sa-lem hay không. Nhưng sau khi xem xét những sự kiện được ghi lại trong chương 15 của sách Công vụ, chúng ta biết chắc rằng chỉ khi nào có sự hợp nhất và tinh thần hợp tác thì mới được Đức Giê-hô-va ban phước.
19, 20. (a) Điều gì cho thấy hội thánh An-ti-ốt có sự bình an và hợp nhất? (b) Giờ đây Phao-lô và Ba-na-ba có thể làm gì?
19 Rõ ràng, giờ đây hội thánh An-ti-ốt có sự bình an và hợp nhất. Thay vì tranh cãi với các anh từ Giê-ru-sa-lem đến, anh em ở An-ti-ốt hẳn rất quý trọng cuộc viếng thăm của Giu-đa và Si-la. Lời tường thuật cho biết: “Hai người ở lại một thời gian, rồi anh em chúc họ bình an trở về với những người đã phái họ đến”, tức là trở về Giê-ru-sa-lem d (Công 15:33). Chúng ta có thể tin chắc các anh ở Giê-ru-sa-lem cũng vui mừng khi nghe hai anh ấy kể về chuyến đi. Nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va, chuyến đi của họ đã hoàn thành tốt đẹp!
20 Phao-lô và Ba-na-ba ở lại An-ti-ốt, và giờ đây có thể dồn nỗ lực vào việc sốt sắng dẫn đầu công việc rao truyền tin mừng, như các giám thị vòng quanh thời nay khi viếng thăm những hội thánh mà mình chăm sóc (Công 13:2, 3). Quả là ân phước cho dân Đức Giê-hô-va! Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã tiếp tục dùng và ban phước cho hai người rao truyền tin mừng sốt sắng ấy như thế nào? Chúng ta sẽ xem trong chương kế tiếp.
a Xem khung “ Gia-cơ—‘Em của Chúa’”.
b Gia-cơ đã khôn ngoan đề cập đến các sách của Môi-se, là bộ sách không chỉ bao gồm Luật pháp mà cả lời tường thuật về cách cư xử của Đức Chúa Trời cùng những điều cho biết về ý muốn của ngài trước thời có Luật pháp. Thí dụ, quan điểm của Đức Chúa Trời về huyết, tội ngoại tình và thờ hình tượng có thể được thấy rõ trong sách Sáng thế (Sáng 9:3, 4; 20:2-9; 35:2, 4). Qua đó, Đức Giê-hô-va cho biết các nguyên tắc mà toàn thể nhân loại phải làm theo, dù là người Do Thái hay dân ngoại.
c Xem khung “ Cách tổ chức của Hội đồng Lãnh đạo thời nay”.
d Trong Công vụ 15:34, một số bản dịch có thêm những lời hàm ý rằng Si-la quyết định ở lại An-ti-ốt (Bản Dịch Mới). Tuy nhiên, những lời đó dường như được thêm vào sau này.