Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giê-su Christ—Nhân vật then chốt dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời

Giê-su Christ—Nhân vật then chốt dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời

Chương 4

Giê-su Christ—Nhân vật then chốt dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời

1, 2. Tôn giáo thế gian đã sửa đổi vai trò của nhân vật then chốt dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời như thế nào?

BẠN đang đứng trước cửa và lần mò tra chìa khóa vào ổ khóa. Trời tối và lạnh. Bạn rất muốn vào nhà, nhưng không mở được cửa. Chìa khóa ấy trông có vẻ đúng, nhưng vặn không được. Bạn cảm thấy bực mình làm sao! Bạn nhìn lại chùm chìa khóa. Bạn có dùng đúng chìa không? Phải chăng có người nào đó đã làm hỏng chiếc chìa khóa của bạn?

2 Đây là một hình ảnh cho thấy các tôn giáo trên thế giới đã làm người ta hoang mang trước sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Trên thực tế, nhiều tôn giáo đã tự sửa đổi chiếc chìa khóa, hay nhân vật then chốt Giê-su Christ, là đấng dẫn chúng ta đến sự hiểu biết. Một số tôn giáo đã loại bỏ nhân vật then chốt này, không màng đến Giê-su một chút nào cả. Những tôn giáo khác thì bóp méo vai trò của Giê-su, thờ phượng ngài như Đức Chúa Trời Toàn năng. Dù thế nào đi nữa, chúng ta không có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời nếu chúng ta không hiểu nhân vật quan trọng Giê-su Christ một cách chính xác.

3. Tại sao Giê-su có thể được gọi là nhân vật then chốt dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?

3 Bạn có lẽ nhớ Giê-su nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Giê-su không khoe khoang khi nói vậy. Kinh-thánh nhiều lần nhấn mạnh đến việc cần phải có sự hiểu biết chính xác về đấng Christ (Ê-phê-sô 4:13; Cô-lô-se 2:2; II Phi-e-rơ 1:8; 2:20). Sứ đồ Phi-e-rơ ghi: “Hết thảy các đấng tiên-tri đều làm chứng nầy về [Giê-su Christ]” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:43). Và sứ đồ Phao-lô viết: “Trong Ngài đã giấu-kín mọi sự quí-báu về khôn-ngoan thông-sáng” (Cô-lô-se 2:3). Phao-lô lại còn nói nhờ Giê-su nên tất cả lời Đức Giê-hô-va hứa đều trở thành sự thật (II Cô-rinh-tô 1:20). Vì thế Giê-su Christ là nhân vật then chốt dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết của chúng ta về Giê-su phải hoàn toàn trung thực với bản chất và vai trò của ngài trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Nhưng tại sao môn đồ của Giê-su lại xem ngài như nhân vật chính trong những ý định của Đức Chúa Trời?

ĐẤNG MÊ-SI MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ HỨA

4, 5. Những hy vọng nào tập trung vào đấng Mê-si, và các môn đồ của Giê-su nghĩ gì về ngài?

4 Kể từ thời người trung thành A-bên, các tôi tớ của Đức Chúa Trời đã thiết tha mong đợi Dòng dõi mà chính Đức Giê-hô-va đã nói trước (Sáng-thế Ký 3:15; 4:1-8; Hê-bơ-rơ 11:4). Kinh-thánh tiết lộ rằng dòng dõi đáp ứng ý định của Đức Chúa Trời là đấng Mê-si, có nghĩa “đấng được xức dầu”. Ngài sẽ “trừ tội-lỗi”, và sách Thi-thiên nói trước về sự vinh hiển của Nước Trời (Đa-ni-ên 9:24-26; Thi-thiên 72:1-20). Ai sẽ chứng tỏ là đấng Mê-si?

5 Hãy hình dung sự vui mừng của một người Do Thái trẻ tuổi tên là Anh-rê khi ông được nghe những lời của Giê-su, người Na-xa-rét. Anh-rê chạy vội đến anh mình là Si-môn Phi-e-rơ và nói: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si” (Giăng 1:41). Môn đồ của Giê-su tin chắc ngài là đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa (Ma-thi-ơ 16:16). Và tín đồ thật của đấng Christ sẵn sàng chết vì tin rằng Giê-su đúng là đấng Mê-si, hoặc đấng Christ. Họ có những bằng chứng nào? Chúng ta hãy xem xét ba loại bằng chứng.

BẰNG CHỨNG GIÊ-SU LÀ ĐẤNG MÊ-SI

6. a) Dòng dõi mà Đức Chúa Trời đã hứa đến từ dòng họ nào, và làm sao chúng ta biết rằng Giê-su được sinh ra trong dòng họ đó? b) Tại sao bất cứ người nào sống sau năm 70 công nguyên không thể tự cho mình là đấng Mê-si?

6 Dòng họ của Giê-su tạo căn bản đầu tiên hầu giúp người ta nhận biết ngài là đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa. Đức Giê-hô-va nói với tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham rằng Dòng dõi mà Ngài đã hứa sẽ đến từ gia đình ông. Đức Giê-hô-va cũng hứa như thế với con trai Áp-ra-ham là Y-sác, con trai Y-sác là Gia-cốp, và con trai Gia-cốp là Giu-đa (Sáng-thế Ký 22:18; 26:2-5; 28:12-15; 49:10). Nhiều thế kỷ sau, dòng họ của đấng Mê-si được cho biết rõ ràng khi Đức Giê-hô-va nói với Vua Đa-vít rằng đấng Mê-si sẽ sinh ra trong dòng họ của gia đình ông (Thi-thiên 132:11; Ê-sai 11:1, 10) Lời tường thuật trong sách Phúc âm Ma-thi-ơ và Lu-ca xác định Giê-su đến từ dòng dõi gia đình đó (Ma-thi-ơ 1:1-16; Lu-ca 3:23-38). Mặc dù Giê-su có nhiều kẻ thù thâm độc, nhưng không một người nào cãi là ngài không thuộc dòng họ mà nhiều người biết đến (Ma-thi-ơ 21:9, 15). Thật rõ ràng là không ai nghi ngờ gì về gốc tích của ngài. Tuy nhiên, hồ sơ của các gia đình Do Thái bị hủy diệt khi dân La-mã hủy phá thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 công nguyên. Vào thời sau đó, không người nào có thể chứng minh được mình là đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa.

7. a) Bằng chứng thứ hai nào cho thấy Giê-su là đấng Mê-si? b) Lời tiên tri liên quan đến Giê-su nơi Mi-chê 5:1 được ứng nghiệm ra sao?

7 Lời tiên tri được ứng nghiệm là bằng chứng thứ hai. Rất nhiều lời tiên tri trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ miêu tả những khía cạnh khác nhau về đời sống của đấng Mê-si. Vào thế kỷ thứ tám trước công nguyên, nhà tiên tri Mi-chê nói trước rằng đấng cai trị vĩ đại này sẽ sinh ra tại thành phố tầm thường Bết-lê-hem. Tại Do Thái có hai thành phố được đặt tên là Bết-lê-hem, nhưng lời tiên tri nói rõ thành phố đó là Bết-lê-hem Ép-ra-ta, nơi sinh của Vua Đa-vít (Mi-chê 5:1). Cha mẹ Giê-su, là Giô-sép và Ma-ri, sống tại Na-xa-rét, cách Bết-lê-hem khoảng 150 cây số về hướng bắc. Tuy nhiên, trong khi Ma-ri có thai, người cai trị La Mã là Sê-sa Au-gút-tơ ra lệnh cho tất cả mọi người phải khai tên vào sổ tại thành phố nơi sinh quán của họ. * Vì thế Giô-sép phải đem vợ đang mang thai đến Bết-lê-hem, là nơi Giê-su sinh ra đời (Lu-ca 2:1-7).

8. a) 69 “tuần-lễ” bắt đầu khi nào và với biến cố nào? b) 69 “tuần-lễ” dài bao lâu, và điều gì xảy ra khi những tuần lễ đó chấm dứt?

8 Vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, nhà tiên tri Đa-ni-ên báo trước rằng “Đấng chịu xức dầu, tức là vua” sẽ xuất hiện 69 “tuần-lễ” sau khi lệnh tu bổ và xây lại thành Giê-ru-sa-lem được ban ra (Đa-ni-ên 9:24, 25). Mỗi “tuần-lễ” đó là bảy năm. * Theo Kinh-thánh và lịch sử thế tục, lệnh xây lại thành Giê-ru-sa-lem được ban ra năm 455 trước công nguyên (Nê-hê-mi 2:1-8). Vì thế, đấng Mê-si sẽ phải xuất hiện 483 (69 nhân với 7) năm sau năm 455 trước công nguyên. Điều này đưa chúng ta đến năm 29 công nguyên, chính là năm mà Đức Giê-hô-va xức dầu Giê-su bằng thánh linh. Vì vậy Giê-su trở thành “Đấng Christ” (có nghĩa là “đấng được xức dầu”), hoặc đấng Mê-si (Lu-ca 3:15, 16, 21, 22).

9. a) Thi-thiên 2:2 được ứng nghiệm như thế nào? b)Một số lời tiên tri nào khác đã ứng nghiệm nơi Giê-su? (Xem biểu đồ).

9 Hiển nhiên, không phải ai cũng chấp nhận Giê-su là đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa, và Kinh-thánh có nói trước điều này. Như được ghi nơi Thi-thiên 2:2, Đức Chúa Trời soi dẫn Vua Đa-vít để báo trước rằng: “Các vua thế-gian nổi dậy, các quan-trưởng bàn-nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài”. Lời tiên tri này cho thấy rằng những người lãnh đạo từ nhiều xứ sẽ hợp lại để tấn công đấng Xức dầu, tức đấng Mê-si, của Đức Giê-hô-va. Và chuyện này đã xảy ra đúng như vậy. Những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, Vua Hê-rốt và quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát đều nhúng tay vào việc cho Giê-su bị giết. Hê-rốt và Phi-lát trước kia thù hiềm nhau, nhưng từ đó trở đi, họ liền trở thành bạn với nhau (Ma-thi-ơ 27:1, 2; Lu-ca 23:10-12; Công-vụ các Sứ-đồ 4:25-28). Muốn có thêm bằng chứng cho thấy Giê-su là đấng Mê-si, xin xem biểu đồ trong chương này với tựa đề “Một số lời tiên tri đặc biệt về đấng Mê-si”

10. Đức Giê-hô-va chứng nhận Giê-su là đấng xức dầu của Ngài qua những cách nào?

10 Lời chứng nhận của Giê-hô-va Đức Chúa Trời là bằng chứng thứ ba xác nhận vai trò làm đấng Mê-si của Giê-su. Đức Giê-hô-va sai thiên sứ cho mọi người biết Giê-su là đấng Mê-si mà Ngài đã hứa (Lu-ca 2:10-14). Thật vậy, trong suốt đời sống trên đất của Giê-su, chính Đức Giê-hô-va nói từ trên trời rằng Ngài chấp nhận Giê-su. (Ma-thi-ơ 3:16, 17; 17:1-5). Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho Giê-su quyền để làm nhiều phép lạ. Mỗi phép lạ đó cho thêm bằng chứng là Đức Chúa Trời xác nhận Giê-su là đấng Mê-si, vì Ngài không bao giờ cho người giả mạo nào quyền năng để làm phép lạ. Đức Giê-hô-va cũng dùng thánh linh của Ngài để soi dẫn những lời tường thuật trong Phúc âm, nhờ vậy bằng chứng về vai trò làm đấng Mê-si của Giê-su trở nên một phần của Kinh-thánh, một cuốn sách được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất và được phát hành rộng rãi nhất (Giăng 4:25, 26).

11. Có bao nhiêu bằng chứng cho thấy Giê-su là đấng Mê-si?

11 Hết thảy những loại bằng chứng đó gồm hằng trăm sự kiện cho thấy Giê-su là đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa. Vậy thì rõ ràng tín đồ thật của đấng Christ đã xem ngài đúng là ‘đấng mà hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng’ và là chìa khóa dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 10:43). Nhưng có nhiều điều chúng ta cần phải biết về Giê-su Christ hơn là chỉ xác nhận ngài là đấng Mê-si. Gốc tích ngài ở đâu? Ngài là một đấng như thế nào?

GIÊ-SU ĐÃ HIỆN HỮU TRƯỚC KHI LÀM NGƯỜI

12, 13. a) Làm sao chúng ta biết rằng Giê-su đã từng hiện hữu ở trên trời trước khi xuống đất? b) “Ngôi-Lời” là ai, và ngài đã làm gì trước khi trở thành người?

12 Cuộc đời của Giê-su có thể được chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu rất lâu trước khi ngài sinh ra trên đất. Mi-chê 5:1 nói rằng gốc tích đấng Mê-si bởi “từ đời xưa, từ trước vô-cùng”. Và Giê-su nói rõ là ngài “bởi trên mà có”, nghĩa là ở trên trời (Giăng 8:23; 16:28). Ngài đã ở trên trời được bao lâu trước khi xuống đất?

13 Giê-su được gọi là “Con một” vì Đức Giê-hô-va trực tiếp tạo ra ngài (Giăng 3:16). Vì là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”, Giê-su được Đức Chúa Trời dùng để tạo ra mọi vật khác (Cô-lô-se 1:15; Khải-huyền 3:14). Giăng 1:1 nói rằng “Ngôi-Lời” (tức Giê-su trước khi làm người) ở cùng Đức Chúa Trời vào lúc “ban đầu”. Vì thế, Ngôi Lời ở cùng Đức Giê-hô-va khi Ngài dựng nên “trời đất”. Đức Chúa Trời nói với Ngôi Lời khi Ngài phán: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta” (Sáng-thế Ký 1:1, 26). Tương tự như vậy, Ngôi Lời ắt hẳn là người “thợ cái” yêu mến của Đức Chúa Trời. Ngài ra sức làm việc bên cạnh Đức Giê-hô-va để tạo dựng nên mọi vật, và được miêu tả nơi Châm-ngôn 8:22-31 là hiện thân của sự khôn ngoan. Sau khi Đức Giê-hô-va dựng nên ngài, Ngôi Lời ở trên trời với Đức Chúa Trời rất lâu trước khi xuống đất làm người.

14. Tại sao Giê-su được gọi là “hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”?

14 Không có gì là lạ khi Cô-lô-se 1:15 gọi Giê-su là “hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”! Qua hằng hà sa số năm gần gũi với Cha, người Con ngoan ngoãn đã trở nên giống như Cha, là Đức Giê-hô-va. Đây là một lý do khác cho thấy tại sao Giê-su là chìa khóa dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, tức là sự hiểu biết đưa đến sự sống. Mọi việc mà Giê-su làm khi ở trên đất đều là những việc mà Đức Giê-hô-va chắc chắn làm nếu Ngài ở trong hoàn cảnh đó. Vì thế, hiểu biết về Giê-su cũng có nghĩa là gia tăng sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va (Giăng 8:28; 14:8-10). Vậy thì việc hiểu biết thêm về Giê-su Christ rõ ràng là tối quan trọng.

CUỘC ĐỜI GIÊ-SU TRÊN ĐẤT

15. Làm thế nào Giê-su sinh ra là một hài nhi hoàn toàn?

15 Giai đoạn thứ hai của cuộc đời Giê-su là ở trên trái đất này. Ngài sẵn sàng phục tùng khi Đức Chúa Trời chuyển sự sống của ngài từ trên trời vào tử cung một nữ đồng trinh trung thành người Do Thái tên là Ma-ri. Thánh linh, tức sinh hoạt lực mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va ‘che-phủ’ Ma-ri, khiến bà thọ thai và cuối cùng sinh ra một hài nhi hoàn toàn (Lu-ca 1:34, 35). Giê-su không gánh chịu sự bất toàn vì sự sống của ngài bắt nguồn từ một Đấng hoàn toàn. Ngài được nuôi dưỡng trong một gia đình tầm thường, là con nuôi của ông thợ mộc Giô-sép và là con trưởng trong một gia đình đông con (Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:22, 23; Mác 6:3).

16, 17. a) Giê-su nhận được quyền năng từ ai để làm phép lạ, và một số phép lạ đó là gì? b) Giê-su biểu lộ một số đức tính nào?

16 Giê-su bày tỏ lòng tin kính sâu xa đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời khi ngài mới 12 tuổi (Lu-ca 2:41-49). Sau khi lớn lên và bắt đầu công việc thánh chức lúc ngài 30 tuổi, Giê-su cũng biểu lộ lòng yêu thương bao la đối với người khác. Khi thánh linh Đức Chúa Trời cho ngài quyền năng làm phép lạ, ngài lấy lòng thương xót chữa lành những người đau ốm, què, tàn tật, mù, điếc và phung (Ma-thi-ơ 8:2-4; 15:30). Giê-su ban đồ ăn cho hàng ngàn người bị đói (Ma-thi-ơ 15:35-38). Ngài làm sóng yên gió lặng để che chở tính mạng những người bạn của ngài (Mác 4:37-39). Thật vậy, ngài lại còn cứu người chết sống lại (Giăng 11:43, 44). Những phép lạ đó là những sự kiện được ghi rõ ràng trong lịch sử. Ngay cả kẻ thù của Giê-su cũng công nhận ngài “làm phép lạ nhiều lắm” (Giăng 11:47, 48).

17 Giê-su đi khắp nơi trong xứ ngài, dạy dỗ người ta về Nước Trời (Ma-thi-ơ 4:17). Ngài cũng nêu gương xuất sắc về tính kiên nhẫn và phải lẽ. Ngay cả khi các môn đồ làm ngài thất vọng, ngài cũng thông cảm và nói: “Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối” (Mác 14:37, 38). Tuy nhiên, Giê-su can đảm và thẳng thắn đối với những ai khinh thường lẽ thật và đàn áp những người không tự bảo vệ mình được (Ma-thi-ơ 23:27-33). Hơn hết mọi sự, ngài hoàn toàn noi theo gương Cha ngài về sự yêu thương. Thậm chí Giê-su còn sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để loài người bất toàn có hy vọng về tương lai. Vì vậy, không có gì là lạ khi chúng ta có thể ví một cách thích hợp là Giê-su là chìa khóa dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời! Đúng thế, ngài là chìa khóa sống! Nhưng tại sao chúng ta nói là chìa khóa sống? Điều này đưa chúng ta đến giai đoạn thứ ba của cuộc đời ngài.

GIÊ-SU NGÀY NAY

18. Ngày nay chúng ta nên hình dung Giê-su là đấng như thế nào?

18 Mặc dù Kinh-thánh tường thuật sự chết của Giê-su, nhưng hiện nay ngài đang sống! Thật vậy, hàng trăm người sống trong thế kỷ thứ nhất công nguyên đã chứng kiến ngài được sống lại (I Cô-rinh-tô 15:3-8). Như đã tiên tri, sau đó ngài ngồi bên hữu Cha ngài và đợi nhận quyền làm vua trên trời (Thi-thiên 110:1; Hê-bơ-rơ 10:12, 13). Vậy thì ngày nay chúng ta nên hình dung Giê-su là đấng như thế nào? Chúng ta có nên nghĩ ngài là một trẻ sơ sinh yếu đuối nằm trong máng cỏ không? Hoặc nên nghĩ ngài là một người đau đớn cùng cực vì bị người ta giết? Không, ngài là một vị Vua hùng mạnh đang cai trị! Và không bao lâu nữa, ngài sẽ cho thấy rõ ràng ngài có quyền cai trị trái đất rối loạn của chúng ta.

19. Giê-su sẽ làm gì trong tương lai gần đây?

19 Nơi Khải-huyền 19:11-15, Vua Giê-su Christ được miêu tả một cách sống động là ngài sẽ đến với quyền năng mạnh mẽ để hủy diệt kẻ ác. Vị Vua đầy yêu thương này ở trên trời chắc hẳn muốn chấm dứt cảnh đau khổ đang làm điêu đứng hàng triệu người ngày nay. Và ngài cũng rất muốn giúp những người cố noi theo gương hoàn toàn mà ngài đã để lại (I Phi-e-rơ 2:21). Vì cuộc “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”, thường được gọi là Ha-ma-ghê-đôn, đang đến một cách nhanh chóng nên Giê-su muốn bảo tồn tính mạng của những người đó để họ có thể sống đời đời trên đất với tư cách là công dân của Nước Trời (Khải-huyền 7:9, 14; 16:14, 16).

20. Giê-su sẽ làm gì cho nhân loại trong Triều đại Một Ngàn Năm của ngài?

20 Trong Triều đại Một Ngàn Năm thái bình mà Giê-su đã nói trước, ngài sẽ làm phép lạ vì lợi ích của toàn thể nhân loại (Ê-sai 9:5, 6; 11:1-10; Khải-huyền 20:6). Giê-su sẽ chữa lành mọi bệnh tật và chấm dứt chết chóc. Ngài sẽ làm hàng tỷ người sống lại để họ cũng có thể có cơ hội được sống đời đời trên đất (Giăng 5:28, 29). Chắc chắn là bạn sẽ vui mừng khi biết thêm về Nước Trời dưới quyền của đấng Mê-si trong một chương khác. Chúng ta hãy tin chắc điều này: chúng ta không thể hình dung được cuộc sống của chúng ta sẽ tuyệt vời đến độ nào dưới sự cai trị của Nước Trời. Biết rõ Giê-su Christ nhiều hơn thật quan trọng biết bao! Đúng vậy, điều quan trọng là chúng ta chớ bao giờ quên Giê-su là chìa khóa sống dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, nhờ đó chúng ta được sự sống đời đời.

[Chú thích]

^ đ. 7 Việc khai tên vào sổ giúp Đế quốc La Mã có thể dễ dàng buộc dân đóng thuế. Vì thế, Au-gút-tơ đã vô tình giúp làm ứng nghiệm lời tiên tri nói về một vua sẽ “sai kẻ bức-hiếp [dân đóng thuế] đi qua nơi vinh-hiển của nước”. Lời tiên tri này cũng cho biết trước “vua của sự giao-ước”, hoặc đấng Mê-si, sẽ bị “vỡ tan” trong thời người nối ngôi vua đó. Giê-su bị giết dưới triều Ti-be-rơ, người nối ngôi Au-gút-tơ (Đa-ni-ên 11:20-22).

^ đ. 8 Dân Do Thái xưa thường hay suy tính theo tuần lễ năm. Thí dụ, cũng như mỗi ngày thứ bảy là ngày Sa-bát, cứ mỗi năm thứ bảy là năm Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11; 23:10, 11).

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Làm thế nào dòng họ của Giê-su cho thấy ngài là đấng Mê-si?

Một số lời tiên tri nào về đấng Mê-si đã ứng nghiệm nơi Giê-su?

Đức Chúa Trời trực tiếp cho thấy Giê-su là đấng Xức dầu của Ngài như thế nào?

Tại sao Giê-su là chìa khóa sống dẫn đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 37]

MỘT SỐ LỜI TIÊN TRI ĐẶC BIỆT VỀ ĐẤNG MÊ-SI

LỜI TIÊN TRI SỰ KIỆN ỨNG NGHIỆM

NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA ĐỜI NGÀI

Ê-sai 7:14 Sinh ra bởi nữ đồng trinh Mat 1:18-23

Giê 31:15 Con trẻ bị giết sau khi ngài ra đời Mat 2:16-18

THÁNH CHỨC CỦA NGÀI

Ê-sai 61:1, 2 Nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao phó Lu 4:18-21

Ê-sai 9:1, 2 Thánh chức giúp người ta Mat 4:13-16

thấy sự sáng lớn

Thi 69:9 Sốt sắng về nhà của Đức Giê-hô-va Giăng 2:13-17

Ê-sai 53:1 Người ta không tin ngài Giăng 12:37, 38

Xa-cha-ri 9:9; Cưỡi lừa con vào thành Mat 21:1-9

Thi 118:26 Giê-ru-sa-lem; được chào đón

như một vị vua và như đấng

nhân danh Đức Giê-hô-va

BỊ PHẢN BỘI VÀ CHẾT

Thi 41:9; 109:8 Một sứ đồ bất trung; Công 1:15-20

phản Giê-su và về sau

bị thay thế

Xa 11:12 Bị phản bội với giá 30 Mat 26:14, 15

miếng bạc

Thi 27:12 Dùng người làm chứng giả Mat 26:59-61

để vu oan cho ngài

Thi 22:18 Bắt thăm để lấy áo ngài Giăng 19:23, 24

Ê-sai 53:12 Bị kể vào hàng kẻ có tội Mat 27:38

Thi 22:7, 8 Bị chế nhạo trong khi hấp hối Mác 15:29-32

Thi 69:21 Bị cho uống giấm Mác 15:23, 36

Ê-sai 53:5; Bị đâm Giăng 19:34, 37

Xa 12:10

Ê-sai 53:9 Chôn với những người giầu Mat 27:57-60

Thi 16:8-11 Được sống lại trước Công 2:25-32;

khi bị hư nát Công 13:34-37

[Hình nơi trang 35]

Đức Chúa Trời cho Giê-su quyền phép chữa lành người bệnh