Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Lời của Đức Chúa Trời là lời sống”

“Lời của Đức Chúa Trời là lời sống”

Chương 13

“Lời của Đức Chúa Trời là lời sống”

Nơi chương trước, chúng ta đã thấy lời khuyên của Kinh-thánh có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề khó khăn và tránh lầm lẫn. Lời khuyên khôn ngoan vượt thời gian của Kinh-thánh là bằng chứng hùng hồn về sự soi dẫn của sách này. Chính Kinh-thánh nói: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình” (II Ti-mô-thê 3:16). Nhưng ngoài việc cho chúng ta lời khuyên khôn ngoan, Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh-thánh, còn thật sự thay đổi người ta nữa.

1-3. a) Kinh-thánh nhấn mạnh thế nào về việc cần phải thay đổi nhân cách? b) Kinh nghiệm nào cho thấy Kinh-thánh có quyền lực làm thay đổi nhân cách?

KINH-THÁNH có thể nào thật sự thay đổi người ta không? Có, Kinh-thánh còn có thể sửa đổi nhân cách của họ. Hãy xem xét lời khuyên này được ghi trong Kinh-thánh: “Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư-hỏng bởi tư-dục dỗ-dành, mà phải làm nên mới trong tâm-chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:22-24).

2 Chúng ta có thể nào thật sự mặc lấy người mới được không? Được chứ! Thật vậy, trở nên một tín đồ đấng Christ đôi khi đòi hỏi một sự thay đổi nhân cách toàn diện (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Thí dụ, một cậu bé ở Nam Mỹ bị mồ côi lúc chín tuổi. Lớn lên không có cha mẹ hướng dẫn, cậu đã phát triển một nhân cách xấu xa. Cậu kể lại: “Đến 18 tuổi, tôi đã nghiện ma túy nặng và có thời gian bị ngồi tù vì tội ăn cắp để nuôi thói xấu đó”. Tuy nhiên, cô ruột của cậu là một Nhân-chứng Giê-hô-va cuối cùng đã có thể giúp cậu.

3 Cậu giải thích: “Cô của tôi bắt đầu học Kinh-thánh với tôi và bảy tháng sau, tôi đã có thể bỏ thói nghiện ma túy”. Cậu xa lánh những bạn bè cũ và tìm được bạn bè mới trong vòng những Nhân-chứng Giê-hô-va. Cậu kể tiếp: “Những người bạn mới này, cùng với sự học hỏi Kinh-thánh đều đặn giúp tôi tiến bộ, và cuối cùng tôi đã dâng đời sống mình để phụng sự Đức Chúa Trời”. Đúng thế, người trước kia từng nghiện ngập và trộm cắp này đã trở thành một tín đồ đấng Christ tích cực. Sự thay đổi tận gốc rễ này có được chính là nhờ quyền lực của Kinh thánh. Thật vậy, đúng như lời sứ đồ Phao-lô nói: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Thay đổi nhờ sự hiểu biết

4, 5. Theo Cô-lô-se 3:8-10, cần có gì để vun trồng nhân cách mới?

4 Kinh-thánh thay đổi người ta như thế nào? Những lời này của Kinh-thánh cho thấy câu trả lời: “Anh em nên trừ-bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh-nộ, buồn-giận và hung-ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục-tỉu nào ra từ miệng anh em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn” (Cô-lô-se 3:8-10).

5 Hãy chú ý là sự hiểu biết chính xác về Kinh-thánh đóng một vai trò rất quan trọng. Kinh-thánh giúp chúng ta biết cần phải loại bỏ cá tính nào và nên vun trồng đức tính nào. Kinh nghiệm của một thanh niên ở miền nam Âu Châu cho thấy sự hiểu biết chính xác về Kinh-thánh tự nó đã có hiệu lực mạnh mẽ. Anh có một vấn đề khó khăn, đó là tính hung hăng. Từ nhỏ đến lớn, anh thường hay đánh nhau, và để cho tính hung hăng có được lối thoát, anh học quyền Anh; nhưng anh vẫn không thể nào khắc phục được bản tính hung hăng đó. Khi ở trong quân đội, anh gặp phải chuyện phiền phức vì đánh một người bạn đồng ngũ. Sau khi giải ngũ, anh cưới vợ nhưng rồi anh đánh cả vợ. Có lần trong gia đình có chuyện gây gỗ, anh đánh luôn cả ông bố, xô ông té xuống đất. Anh đúng là một thanh niên nóng nảy và hung bạo!

6, 7. Sự hiểu biết chính xác về Kinh-thánh đã giúp một thanh niên ở miền nam Âu Châu thay đổi được nhân cách như thế nào?

6 Tuy nhiên, cuối cùng anh học hỏi Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va và nghe lời khuyên như sau: “Chớ lấy ác trả ác cho ai;... Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:17-19). Những lời này giúp anh nhận biết tính nóng giận của anh là một nhược điểm xấu như thế nào. Vì thế, anh bỏ môn quyền Anh vì nhận thấy môn võ này không xứng hợp với nhân cách hiếu hòa của tín đồ đấng Christ. Nhưng anh vẫn còn nhiều khó khăn để khắc phục bản tính hung hăng.

7 Tuy nhiên, sự hiểu biết càng ngày càng gia tăng về các nguyên tắc Kinh-thánh đã giúp anh. Lương tâm anh trở thành bén nhạy hơn, nhờ vậy anh có thể kháng cự lại bản tính dễ nóng giận của mình. Một lần nọ, sau khi anh đã khá tiến bộ trong việc học hỏi Kinh-thánh rồi, có một người lạ giận dữ mắng nhiếc anh. Người thanh niên này cảm thấy tính nóng giận cố hữu ngày trước nổi lên. Nhưng rồi anh lại cảm thấy một sức mạnh khác: một cảm giác xấu hổ và điều này đã ngăn cản không cho cơn giận sai khiến anh. Thay vì “lấy ác trả ác”, anh đã kiềm hãm được tâm tính của mình. Giờ đây, anh đã thay đổi hẳn, anh mang một nhân cách mới nhờ có sự hiểu biết chính xác từ Kinh-thánh.

Hiểu biết về Đức Chúa Trời

8. a) Nhân cách mới được tạo theo hình ảnh của ai? b) Sự hiểu biết chính xác có khả năng uốn nắn được nhân cách mới phải bao gồm sự hiểu biết về ai?

8 Đành rằng có nhiều người biết phải làm điều đúng, nhưng họ không sao cưỡng lại sự yếu đuối của xác thịt được. Chỉ biết chính xác điều phải và điều trái mà thôi thì rõ ràng là chưa đủ. Cần phải có một điều gì khác nữa để giúp hai người nói trên thay đổi. Đó là điều gì? Đoạn Kinh-thánh ở phần trên có nói: “Mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn” (Cô-lô-se 3:10). Hãy chú ý, như A-đam ngày xưa được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, vậy thì nhân cách mới cũng được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:26). Do đó, sự hiểu biết chính xác đã giúp hai thanh niên nói trên phải bao gồm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến lời của Chúa Giê-su: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

9. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời giúp chúng ta thay đổi nhân cách như thế nào?

9 Làm thế nào mà sự hiểu biết về Đức Chúa Trời giúp chúng ta thay đổi được nhân cách? Sự hiểu biết về Ngài thúc đẩy chúng ta thay đổi. Nhờ học hỏi Kinh-thánh, chúng ta biết Đức Chúa Trời, biết các đức tính của Ngài và thấy được tình yêu thương mà Ngài đã tỏ ra cho chúng ta. Điều này khiến chúng ta đáp lại tình yêu thương của Ngài (I Giăng 4:19). Kế đến, chúng ta có thể vâng theo điều mà Chúa Giê-su đã nói là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:37). Vì yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta muốn mặc lấy một nhân cách mới để làm Ngài vui lòng. Tình yêu thương đối với Ngài khiến chúng ta muốn giống như Ngài, cho dù chúng ta phải phấn đấu gay go đến mấy đi nữa.

Những nhược điểm đã ăn sâu

10, 11. Sự hiểu biết chính xác đã giúp một thiếu phụ ở Bắc Mỹ bắt đầu thay đổi nhân cách như thế nào?

10 Trong một số trường hợp, đây là một sự phấn đấu đầy cam go. Một thiếu phụ ở Bắc Mỹ đã phải phấn đấu rất nhiều để thay đổi. Khi còn bé, chị là nạn nhân của sự lạm dụng tình dục trẻ con. Chị lớn lên trong một gia đình hung bạo và cuối cùng đâm ra nghiện ma túy. Vì ma túy đắt tiền nên chị phải bán thân làm nghề mãi dâm để nuôi tật xấu đó. Chị cũng đã quấy rối và cướp giựt khách du lịch, cho nên thời gian chị ở trong tù và chỗ chơi thụt banh nhiều hơn là thời gian ở nhà.

11 Khi Nhân-chứng Giê-hô-va gặp chị thì chị đã có một đứa con hoang sau nhiều lần phá thai. Tuy nhiên, chị thích những gì chị nghe từ Kinh-thánh và bắt đầu học hỏi. Chẳng bao lâu sau, chị vun trồng được một mối liên lạc với Đức Chúa Trời và thay đổi nếp sống.

12, 13. Hãy miêu tả làm thế nào sự hiểu biết chính xác một khi đã ghi sâu vào lòng sẽ tác động một người để thay đổi.

12 Tuy nhiên, trước mặt chị là một cuộc phấn đấu gay go vì nhân cách cũ đã ăn sâu. Có một lần, chị bị chạm tự ái vì một lời khuyên có thiện ý, chị bỏ học Kinh-thánh và trở lại đường lối nhơ nhuốc ngày xưa. Nhưng chị không thể quên được lẽ thật của Kinh-thánh đã ghi sâu trong lòng, và chị thú nhận: “Đôi lúc tôi cảm thấy cắn rứt và những lời nơi II Phi-e-rơ 2:22 đã lướt nhanh trong trí tôi: ‘Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn-lóc trong vũng bùn’ ”.

13 Cuối cùng, sự hiểu biết này đã thúc đẩy chị nhất quyết cố gắng lại. Chị nói: “Tôi bắt đầu mở cửa lòng cho Đức Giê-hô-va và thường cầu nguyện xin Ngài giúp đỡ”. Lần này, nhân cách mới trở nên đâm rễ chắc hơn, mặc dù chị vẫn còn phải phấn đấu gay go. Có lần, trong một giây phút yếu đuối, chị lại rơi vào sự say sưa và vô luân. Tuy nhiên, lần này phản ứng của chị cho thấy rằng chị đã thật sự thay đổi. Chị ghê tởm chính mình và nói: “Tôi đã cầu nguyện và học hỏi rất nhiều”. Cuối cùng, lời Đức Chúa Trời đã tác động đời sống chị mạnh đến độ làm chị trở thành một tín đồ đấng Christ tích cực, sống một đời sống trong sạch và cao quí. Giờ đây, sau nhiều năm, chị hoàn toàn là một người khác hẳn với con người từng bị lạm dụng, nghiện ngập ma túy và hoang đàng.

Lời Đức Chúa Trời thay đổi người ta

14, 15. a) Sức mạnh nào của Đức Chúa Trời hành động qua Kinh-thánh? b) Các tín đồ thật của đấng Christ ngày nay có một số nét đặc thù nào?

14 Việc Kinh-thánh có quyền lực làm thay đổi đời sống của những người khiêm nhường cho thấy rằng Kinh-thánh không phải là tác phẩm của loài người. Là lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, Kinh-thánh là công cụ để cho thánh linh của Đức Chúa Trời hoạt động. Chính thánh linh này đã giúp Chúa Giê-su làm phép lạ, cũng sẽ giúp chúng ta ngày nay khắc phục được những tính xấu và phát triển nhân cách của tín đồ đấng Christ. Quả thật, những đức tính căn bản mà các tín đồ đấng Christ cần phải vun trồng: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tự chủ được Kinh-thánh gọi là “trái của Thánh-Linh” (Ga-la-ti 5:22, 23).

15 Ngày nay, thánh linh này không chỉ hoạt động trên một ít người, nhưng trên hàng triệu người được “Đức Giê-hô-va dạy-dỗ”, và được hưởng ‘sự bình an [dư dật]’ đến từ Ngài (Ê-sai 54:13). Những người này là ai? Chúa Giê-su cho biết một cách để nhận ra họ, ngài nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Tình yêu thương của tín đồ đấng Christ là một bông trái thánh linh và là một phần chính yếu trong nhân cách mới của tín đồ đấng Christ. Có đoàn thể nào biểu lộ tình yêu thương theo cách mà Chúa Giê-su đã nói không?

16, 17. Hãy trích vài lời bình luận của báo chí giúp người ta nhận ra những người “được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ” và được hưởng ‘sự bình an [dư dật]’.

16 Hãy chú ý đến những lời phát biểu trích từ một lá thư gửi cho tờ báo New Haven Register ở Bắc Mỹ: “Dù cho bạn có giống tôi, thấy khó chịu hay tức giận đối với công việc rao giảng của họ hay không, bạn phải hâm mộ lòng tận tâm, tính tốt lành, gương nổi bật về hạnh kiểm và lối sống lành mạnh của họ”. Tờ báo Đức Münchner Merkur cũng nói về những người này như sau: “Họ là những người lương thiện nhất và là những người không chậm trễ trong việc trả thuế ở nước Cộng hòa [Đức]. Việc họ vâng giữ luật pháp có thể thấy qua cách họ lái xe cũng như qua các thống kê về tội ác”.

17 Hai tờ báo này nói về những người nào vậy? Nói về cùng đoàn thể mà tờ báo Herald tại Buenos Aires, Argentina, đã bình luận: “Nhân-chứng Giê-hô-va đã chứng tỏ trong nhiều năm là những công dân siêng năng, điều độ, cần kiệm và kính sợ Đức Chúa Trời, loại công dân mà quốc gia rất cần”. Một cuộc nghiên cứu về xã hội học ở Zambia, được đăng trên tờ American Ethnologist cũng nói về những người ấy. Tờ báo nói: “Nhân-chứng Giê-hô-va thành công nhiều hơn các hội viên của những giáo phái khác về việc giữ được sự hợp nhất bền vững trong hôn nhân”.

18, 19. Nhân-chứng Giê-hô-va ở Ý và Nam Phi được miêu tả như thế nào?

18 Tờ báo La Stampa ở Ý cũng khen các Nhân-chứng Giê-hô-va khi nói rằng: “Họ là những công dân tôn trọng luật pháp mà nước nào cũng mong có: họ không trốn thuế hay tìm cách lẩn tránh luật pháp bất lợi cho quyền lợi riêng của họ. Thực hành lý tưởng đạo đức về việc yêu thương người lân cận, không bao giờ dùng bạo lực, ăn ở lương thiện trên bình diện cá nhân là lối sống ‘hàng ngày’ của họ (mà đối với đại đa số những người tự cho là theo đấng Christ, lý tưởng đạo đức này chỉ là ‘điều luật trong ngày Chủ Nhật’ và chỉ có giá trị để giảng dạy trên bục giảng mà thôi)”.

19 Một giáo sư đại học ở Nam Phi, người trước kia từng bị luật pháp về chủng tộc của nước đó kỳ thị, đã gọi Nhân-chứng Giê-hô-va là “một dân tộc được giáo dục theo những tiêu chuẩn cao cả của Kinh-thánh. Họ thật sự không phân biệt màu da”. Giải thích về điều này, ông nói thêm: “Họ là những người nhìn bề trong chứ không phải nhìn màu da của người khác. Chỉ Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay mới tạo được một tình huynh đệ chân thật giữa con người”.

20. Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va nổi bật?

20 Những lời bình luận trên cho thấy có những người đã mở lòng để đón nhận Kinh-thánh và thánh linh của Đức Chúa Trời đã hành động trên họ. Điều đáng chú ý là họ chính là những người mà chúng tôi đề cập ở trên, những người đã vâng giữ mệnh lệnh của Chúa Giê-su là rao giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp đất (Ma-thi-ơ 24:14). Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va lại nổi bật như vậy? Trên nhiều phương diện, họ chẳng có gì khác so với người ta. Họ cũng có yếu kém về thể xác, khó khăn về kinh tế và có cùng những nhu cầu căn bản. Nhưng nói chung, họ là những người kính mến Đức Chúa Trời, xem trọng Kinh-thánh và để Kinh-thánh tác động đến đời sống họ.

21. Sự kiện có nhóm người như Nhân-chứng Giê-hô-va trong một thế gian đầy hận thù hiện nay chứng tỏ điều gì?

21 Hiện nay có hàng triệu Nhân-chứng Giê-hô-va trong hơn 200 nước. Họ gồm những người thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ và mọi thành phần xã hội. Tuy nhiên, họ là một đoàn thể anh em quốc tế hợp nhất và hòa thuận. Họ là những công dân tốt, dù sống trong bất cứ quốc gia nào, nhưng trước và trên hết, họ là dân tộc của Nước Đức Chúa Trời và mọi người trong số họ đều hăng say rao giảng cho người khác về tin mừng của Nước Trời. Đây là một điều thật đáng chú ý, vì trong một thế gian chia rẽ và đầy hận thù này, lại có sự hiện hữu của những người như Nhân-chứng Giê-hô-va. Sự kiện này là bằng chứng hùng hồn cho thấy thánh linh của Đức Chúa Trời vẫn hoạt động giữa loài người. Và ấy là bằng chứng Kinh-thánh thật là “lời sống và linh-nghiệm”.

[Câu hỏi]

[Câu nổi bật nơi trang 177]

Kinh-thánh thật sự thay đổi người ta

[Câu nổi bật nơi trang 181]

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời khiến chúng ta muốn giống Ngài