Cuốn sách đã tồn tại thế nào?
Cuốn sách đã tồn tại thế nào?
Các văn bản cổ xưa phải chống chọi với sức tàn phá thiên nhiên—lửa, sự ẩm thấp và mốc meo. Kinh-thánh cũng phải đương đầu với những mối nguy hiểm này. Trong số các sách vở cổ xưa, Kinh-thánh nổi bật hơn hết vì lịch sử kể lại làm sao sách này đã sống còn qua sự tàn phá của dòng thời gian để rồi trở thành cuốn sách được phổ biến rộng rãi nhất thế giới. Những gì lịch sử ghi lại đáng được chúng ta xem xét kỹ càng.
NHỮNG người viết Kinh-thánh đã không khắc lời họ trên đá; họ cũng không ghi tạc trên những bảng bằng đất sét. Hiển nhiên họ ghi chép trên những vật liệu dễ hư—giấy làm bằng cây chỉ thảo (loại cây ở Ai Cập) và giấy da thú.
Điều gì đã xảy ra cho những nguyên bản? Có lẽ những bản đó đã mục nát cách đây rất lâu, đa số ở nước Y-sơ-ra-ên xưa. Học giả Oscar Paret giải thích: “Cả hai vật liệu này dùng để viết [giấy chỉ thảo và giấy da] đều có thể bị sự ẩm thấp, mốc meo và dòi bọ làm hư. Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta biết giấy và ngay cả da rất chắc cũng dễ mục nát nếu để ngoài trời hay trong một phòng ẩm ướt”.1
Nếu như các bản gốc không còn nữa, thì làm sao các lời của những người viết Kinh-thánh được lưu lại cho đến ngày nay?
Được những nhà sao chép tỉ mỉ bảo tồn
Ít lâu sau khi những bản gốc được viết ra, người ta bắt đầu chép tay thêm nhiều bản. Thật vậy, ở nước Y-sơ-ra-ên xưa, việc sao chép Kinh-thánh đã trở thành một nghề (E-xơ-ra 7:6; Thi-thiên 45:1). Nhưng người ta cũng dùng những thứ giấy dễ hư để sao chép. Sau một thời gian, người ta lại phải sao chép thêm để thay cho những bản bị hư. Khi những bản gốc không còn nữa, người ta dựa vào những bản chép tay để sao lại những bản mới. Qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn lấy những bản sao để chép thêm. Thế thì qua hàng bao thế kỷ, những lỗi lầm của các nhà sao chép có làm cho Kinh-thánh thay đổi một cách đáng kể không? Bằng chứng cho thấy câu trả lời là không.
Những người chuyên môn sao chép làm việc rất tận tụy. Họ xem trọng sâu xa những lời mà họ sao chép. Họ cũng rất tỉ mỉ. Chữ Hê-bơ-rơ so·pherʹ được dịch là “nhà sao chép” có liên quan đến việc đếm và ghi chép. Để cho thấy các nhà sao chép làm việc chính xác như thế nào, chúng ta hãy xem nhóm người Masorete. * Học giả Thomas Hartwell Horne giải thích về họ như sau: “Họ... phân tích đâu là chữ nằm ngay chính giữa Ngũ thư [năm sách đầu trong Kinh-thánh], đâu là mệnh đề ở giữa mỗi sách, và họ cũng đếm mỗi chữ cái [tiếng Hê-bơ-rơ] xuất hiện bao nhiêu lần trong cả Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ”.3
Như thế, các nhà sao chép chuyên nghiệp đã dùng nhiều phương pháp kiểm soát lại. Để tránh chép sót dù là một chữ cái trong Kinh-thánh, họ cẩn thận đếm không những từng chữ mà còn đếm từng chữ cái nữa. Muốn làm thế, chúng ta hãy xem họ phải tỉ mỉ đến đâu: Có lời tường thuật rằng họ đã đếm tổng cộng 815.140 chữ cái trong cả Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ!4 Sự siêng năng cố gắng của họ đã bảo đảm được rằng các bản sao rất là chính xác.
Tuy nhiên, đôi khi các nhà sao chép cũng nhầm lẫn. Vậy, dù được chép đi chép lại nhiều lần qua hàng bao thế kỷ, có bằng chứng nào cho thấy cuốn Kinh-thánh vẫn còn đáng tin cậy không?
Lý do vững chắc để tin cậy Kinh-thánh
Chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng
Kinh-thánh đã được lưu truyền một cách chính xác đến thời chúng ta. Bằng chứng gồm có những bản chép tay—người ta ước lượng có khoảng 6.000 bản Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ toàn bộ hoặc từng phần và khoảng 5.000 bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp còn lại đến thời nay. Trong số này, có một bản Kinh-thánh chép tay phần tiếng Hê-bơ-rơ tìm thấy vào năm 1947, và bản này cho thấy Kinh-thánh được sao chép chính xác như thế nào. Người ta từng gọi nó là “bản chép tay xuất sắc nhất được tìm thấy thời nay”.5Trong khi đang chăn chiên vào đầu năm 1947, một cậu bé chăn chiên thuộc bộ lạc Bedouin tìm thấy một hang đá gần Biển Chết. Trong hang, cậu tìm thấy một số lọ gốm, đa số thì trống không. Tuy nhiên, trong một cái lọ được đậy kín, cậu tìm thấy một cuộn giấy da được cuốn cẩn thận bằng vải, và đó là cả cuốn sách Ê-sai trong Kinh-thánh. Tuy được bảo tồn cẩn thận, nhưng cuộn này đã bị dùng nhiều, và người ta cũng thấy cuộn sách đã được tu bổ lại. Cậu bé chăn chiên đã không ngờ được rằng sau này cả thế giới sẽ chú ý đến cuộn Kinh-thánh cổ xưa mà mình đang cầm trong tay.
Tại sao bản chép tay này lại quan trọng đến thế? Vào năm 1947, bản chép tay toàn bộ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cổ nhất mà người ta có lúc đó được viết vào khoảng thế kỷ thứ mười CN. Nhưng cuộn Kinh-thánh này thì được chép vào thế kỷ thứ hai TCN *—hơn một ngàn năm trước đó. * Các học giả rất muốn biết kết quả khi so sánh cuộn Kinh-thánh này với những văn bản được sao chép rất lâu sau đó.
Trong một cuộc nghiên cứu, các học giả so sánh Ê-sai đoạn 53 trong cuộn Kinh-thánh vùng Biển Chết với bản chép tay của người Masorete được sao một ngàn năm sau. Cuốn sách A General Introduction to the Bible giải thích kết quả của cuộc nghiên cứu: “Trong số 166 chữ trong Ê-sai 53, chúng tôi chỉ nghi ngờ mười bảy chữ cái. Trong số này, mười chữ cái chỉ liên quan đến chính tả và không thay đổi ý nghĩa bản văn. Kiểu viết bốn chữ cái khác đã thay đổi một chút, chẳng hạn như trong trường hợp các liên từ. Còn ba chữ cái còn lại hợp thành chữ ‘ánh sáng’, được thêm vào câu 11 và nó không ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa đoạn văn... Như vậy, sau một ngàn năm lưu truyền thì trong một đoạn gồm 166 chữ, chúng tôi chỉ nghi ngờ một chữ (ba chữ cái) duy nhất—và chữ này không thay đổi ý nghĩa của đoạn văn cho lắm”.7
Giáo sư Millar Burrows đã từng bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu nội dung các cuộn Kinh-thánh, và ông đã kết luận tương tự như trên: “Nhiều cái khác biệt giữa... cuộn Kinh-thánh Ê-sai và nguyên bản Kinh-thánh Masorete có thể giải thích là do lỗi lầm trong việc sao chép. Ngoài điều này ra, nguyên cả cuốn hòa hợp một cách đáng chú ý với văn bản tìm thấy trong những bản chép tay thời Trung Cổ. Sự phù hợp với bản chép tay rất xưa như thế cho thấy bằng chứng của sự chính xác
nói chung của nguyên bản Kinh-thánh cổ truyền”.8Chúng ta cũng có “bằng chứng” cho thấy Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đã được sao chép chính xác. Thí dụ, Bản chép tay Sinaiticus, một bản chép trên giấy da có từ thế kỷ thứ tư CN và được tìm thấy vào thế kỷ 19, giúp xác định sự chính xác của các bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp chép hàng bao thế kỷ sau này. Một mảnh của sách Phúc Âm của Giăng viết trên giấy chỉ thảo được tìm ở tỉnh Faiyūm, Ai Cập, và bản chép tay này được viết vào tiền bán thế kỷ thứ hai CN, sau bản gốc chưa được 50 năm. Bản này được bảo tồn qua hàng bao thế kỷ trong cát khô. Lời văn phù hợp với những bản chép tay được sao lại rất nhiều năm sau.9
Bằng chứng xác minh rằng những nhà sao chép làm việc rất chính xác. Tuy vậy, họ cũng nhầm lẫn. Không một bản chép tay nào được hoàn hảo—kể cả cuộn Ê-sai vùng Biển Chết. Mặc dầu vậy, các học giả đã có thể phát hiện cũng như sửa lại những chỗ nào ghi khác với bản gốc.
Sửa lỗi của các nhà sao chép
Giả sử 100 người phải chép tay một bản thảo dài. Chắc chắn một vài người sẽ có ít nhiều sai sót. Tuy nhiên, tất cả những người đó sẽ không chép sai cùng một chỗ. Nếu bạn lấy tất cả 100 bản sao và cẩn thận so sánh, bạn sẽ tìm được lỗi viết và biết bản gốc như thế nào, ngay dù bạn không bao giờ thấy bản gốc đó.
Tương tự như vậy, tất cả các nhà sao chép Kinh-thánh đã không làm lỗi y như nhau. Vì có hàng ngàn bản Kinh-thánh chép tay để so sánh, các học giả về bản Kinh-thánh chép tay đã có thể phát hiện ra lỗi, nhận định bản gốc nói gì, và ghi xuống những chỗ nào cần được chỉnh lại. Nhờ nghiên cứu tỉ mỉ như thế mà các học giả chuyên nghiên cứu những bản Kinh-thánh chép tay đã có thể biên soạn những bản chính bằng tiếng nguyên thủy. Những bản Kinh-thánh hoàn chỉnh bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp dùng những từ mà các học giả nói chung đồng ý là có trong bản gốc, và những bản này thường liệt kê những sự khác biệt giữa một vài bản thảo nào đó trong phần cước chú. Các dịch giả Kinh-thánh dựa theo những bản hoàn chỉnh do các học giả nghiên cứu các bản Kinh-thánh chép tay biên soạn để dịch Kinh-thánh ra những ngôn ngữ hiện đại.
Vậy khi bạn cầm lên một bản dịch Kinh-thánh hiện đại, bạn có đầy đủ lý do để tin rằng bản gốc bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp phản ảnh một cách cực kỳ chính xác những lời của các người viết Kinh-thánh nguyên thủy. * Lịch sử kể lại làm thế nào Kinh-thánh được bảo tồn qua hàng ngàn năm sao chép bằng tay thật là chuyện phi thường. Vì thế, Sir Frederic Kenyon, ủy viên phụ trách lâu năm của Viện Bảo Tàng Anh Quốc, có thể nói: “Nói rằng văn bản của Kinh-thánh về cơ bản là chắc chắn thì không phải là quá đáng... Không có một cuốn sách xưa nào khác trên thế gian này được tiếng như vậy”.10
[Chú thích]
^ đ. 8 Nhóm người Masorete (có nghĩa “Người tinh thông Truyền Thống”) là những người sao chép Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, và họ sống vào giữa thế kỷ thứ sáu và thứ mười CN. Các bản sao của họ được gọi là bản Kinh-thánh Masorete.2
^ đ. 14 TCN có nghĩa “trước công nguyên”. CN có nghĩa “công nguyên”, thường được gọi Anno Domini, viết tắt là A.D., có nghĩa “vào năm của Chúa”.
^ đ. 14 Trong sách Textual Criticism of the Hebrew Bible (Phê bình văn bản Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ), ông Emanuel Tov nói: “Nhờ dùng phương pháp kiểm tra carbon 14, người ta thấy rằng bản 1QIsaa [Cuộn Ê-sai vùng Biển Chết] được viết từ khoảng năm 202 đến 107 TCN (năm 125-100 TCN tính theo cổ tự học)... Nhờ dùng phương pháp cổ tự học, một phương pháp đã được cải thiện trong những năm gần đây, người ta có thể lấy những đồng tiền và bia khắc đã được xác định niên đại rồi đem so sánh với hình dáng và cách viết chữ của những bản chép tay để biết chính xác những bản này được viết khi nào. Phương pháp này đã chứng tỏ tương đối đáng tin cậy”.6
^ đ. 22 Dĩ nhiên, tùy theo dịch giả có thể theo sát hoặc phỏng dịch những bản gốc bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp.
[Lời chú thích nơi trang 8]
Kinh-thánh được bảo tồn bởi những nhà sao chép chuyên nghiệp
[Lời chú thích nơi trang 9]
Cuộn Ê-sai vùng Biển Chết (được chụp lại ở đây) hầu như giống y bản Kinh-thánh mà người Masorete sao chép một ngàn năm sau