TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU
Họ gắn bó mật thiết với Đức Giê-hô-va trong thời điểm khó khăn
Sau Thế Chiến II, phần lớn châu Âu đã bị hủy hoại. Điều tích cực là Nhân Chứng Giê-hô-va và những người khác đã được thả tự do khỏi các trại tập trung của Quốc Xã. Dù vậy, cuộc sống vẫn không hề dễ dàng cho họ. Giống như nhiều người khác, dân của Đức Giê-hô-va bị thiếu đồ ăn, áo mặc, nhà cửa và những đồ thiết yếu khác. Chị Karin Hartung cho biết: “Vì thiếu nhà ở trầm trọng nên mọi người phải cho họ hàng ở nhờ hoặc cho thuê phòng trong căn hộ của mình”. Trong một thời gian, chị Gertrud Poetzinger là người từng ở trong trại tập trung bảy năm rưỡi, đã phải sống trong một kho dụng cụ và ngủ trên một chiếc ghế. a
Tổ chức của Đức Giê-hô-va đã làm gì để đảm bảo rằng các anh chị sống trong khu vực bị hủy hoại do chiến tranh có đủ những thứ họ cần để sống sót? Và chúng ta có thể học được bài học nào từ những anh chị sống qua giai đoạn đầy khó khăn sau chiến tranh ấy?
Chăm sóc cho nhu cầu thể chất của anh chị em
Tổ chức của Đức Giê-hô-va đã hành động nhanh chóng để cung cấp sự hỗ trợ cho dân Đức Chúa Trời tại châu Âu. Anh Nathan Knorr và anh Milton Henschel từ trụ sở trung ương đã đến thăm các Nhân Chứng để xem xét các nhu cầu của họ. Trong suốt tháng 11 và 12 năm 1945, họ đã đến Anh Quốc, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy. Anh Knorr tường thuật lại: “Tại đây lần đầu tiên chúng tôi thấy được sự khốc liệt của chiến tranh trên châu lục này”.
Anh Knorr không được phép vào Đức lần này. Tuy nhiên, anh Erich Frost, người coi sóc văn phòng chi nhánh của tổ chức tại đây, đã rời khỏi Đức để đến gặp anh Knorr. b Anh Erich tường thuật lại: “Anh ấy đã cho chúng tôi những lời khuyên thực tế và hứa sẽ trợ giúp về vật chất qua thực phẩm và quần áo. Ngay sau đó, những chuyến hàng lớn chứa bột mì, mỡ, yến mạch và các thực phẩm khác đã đến Đức. Các anh chị ở nước ngoài cũng gửi những thùng quần áo lớn bao gồm đồ vest, đồ lót và giày”. Khi nhận được những đồ thiết yếu này, các anh chị đã cảm động đến mức bật khóc. Hơn nữa, một báo cáo cho biết: “Chương trình hỗ trợ này không chỉ diễn ra một lần. Họ đã tiếp tục gửi những chuyến hàng cứu trợ đến trong vòng hai năm rưỡi!”.” c
Họ tiếp tục tập trung vào thiêng liêng
Khi điều kiện sống được cải thiện, các anh chị tiếp tục tập trung vào những điều thiêng liêng. Điều gì đã giúp họ làm thế?
Họ giữ nề nếp thiêng liêng tốt. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Chiến tranh đã khiến việc nhận những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trở nên khó khăn và làm gián đoạn nề nếp thiêng liêng của các Nhân Chứng. Dù thế, sau cuộc chiến, những buổi nhóm họp đạo Đấng Ki-tô và công việc rao giảng đã bắt đầu trở lại bình thường. Anh Jürgen Rundel, sống ở Áo, nhớ lại: “Tờ Informant d và các giám thị lưu động đã khuyến khích chúng tôi đều đặn trong những hoạt động giúp mình gắn bó với Đức Giê-hô-va”. Anh cho biết thêm: “Chúng tôi tập trung vào Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su, việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân và thánh chức. Không hề có điều gì gây phân tâm cho chúng tôi, chẳng hạn như TV”.
Chị Ulrike Krolop cho biết: “Tôi nhớ là mình đã hạnh phúc nhường nào khi đào sâu và suy ngẫm về một chủ đề dựa trên Kinh Thánh. Chồng tôi cũng nêu gương tốt. Bất cứ khi nào chúng tôi nhận được một tạp chí Tháp Canh mới, anh ấy cũng bỏ mọi việc khác sang một bên để học trước”. Chị Karin được đề cập ở trên, cũng nhớ lại: “Trong suốt cuộc chiến, chúng tôi thấy mình có thể mất đi của cải vật chất nhanh đến thế nào. Còn những đồ ăn thiêng liêng, dù bị hạn chế nhưng vẫn tiếp tục đến với chúng tôi. Đức Giê-hô-va đã ban thưởng cho những tôi tớ trung thành của ngài”.
Họ rao giảng trở lại. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Trong cuộc chiến, dân của Đức Giê-hô-va đã không thể tự do rao giảng và dạy dỗ. Một anh tên là Friedhelm nhớ lại rằng sau cuộc chiến “ngay lập tức mọi người bắt đầu rao giảng và dạy dỗ trở lại”. Chị Ulrike hồi tưởng lại: “Nhân Chứng đầu tiên chia sẻ thông điệp Nước Trời với gia đình chồng tôi vẫn còn đang mặc đồng phục trong trại tập trung! Rõ ràng, anh ấy đã bắt đầu rao giảng ngay lập tức”. Anh Jürgen cho biết: “Sau chiến tranh, hầu như mọi người đều sốt sắng rao giảng. Nhiều anh chị trẻ đã bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian”.
Chị Ulrike chia sẻ: “Điều kiện sống trong các thành phố bị đánh bom rất tồi tệ”. Nhiều người đã sống trong những đống đổ nát! Làm sao các Nhân Chứng tìm được họ để rao giảng? Gia đình chị Ulrike đã vào chân lý sau chiến tranh và chị nhớ lại: “Chúng tôi đã tìm kiếm ánh đèn hoặc khói bay ra từ ống khói lò”.
Họ khích lệ lẫn nhau. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11) Trong suốt cuộc chiến, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va bị đối xử tàn nhẫn. Tuy nhiên, sau chiến tranh, họ không tập trung vào những đau khổ họ đã phải chịu nhưng khích lệ lẫn nhau. Thật ra, họ rất vui mừng vì đức tin của họ đã vượt qua thử thách (Gia-cơ 1:2, 3). Anh Johannes, hiện nay sống tại Hoa Kỳ, chia sẻ: “Giám thị vòng quanh của chúng tôi đã từng ở trong trại tập trung và kể cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm khích lệ về cách Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ các anh chị. Những kinh nghiệm này thật sự đã làm vững mạnh đức tin của chúng tôi”.
Anh Johannes cho biết rằng khi chiến tranh kết thúc, các anh chị đã giữ gìn mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va qua việc hồi tưởng lại “cách ngài đã giúp họ trong trại tập trung và đáp lại lời cầu nguyện của họ”. Giờ đây khi các Nhân Chứng này đã được tự do, họ tiếp tục giữ các thói quen thiêng liêng tốt như đều đặn đọc Kinh Thánh, tham dự các buổi nhóm họp và tham gia vào công việc thánh chức. Chị Elisabeth đã tham dự hội nghị tại Nuremberg vào năm 1946, nhớ lại : “Trông các anh chị vẫn gầy yếu nhưng họ ‘tràn đầy nhiệt tâm nhờ thần khí’ khi kể cho chúng tôi kinh nghiệm của họ”.—Rô-ma 12:11.
Họ gắn bó với anh em đồng đạo. (Rô-ma 1:11, 12) Trong chiến tranh, các Nhân Chứng không thể tự do gặp nhau vì có sự bắt bớ tàn nhẫn. Chị Karin chia sẻ: “Họ không thăm nhau thường xuyên vì không muốn đánh động tới chính quyền và gây nguy hại cho anh em”. Dĩ nhiên, tình cảnh này thay đổi khi cuộc chiến kết thúc. Anh Friedhelm cho biết: “Các anh chị làm mọi thứ cùng nhau. Các buổi nhóm họp và thánh chức luôn là ưu tiên hàng đầu của họ”.
Trong những ngày đầu sau chiến tranh, một trưởng lão ở Đức nhớ lại: “Rất ít Nhân Chứng có phương tiện đi lại nên chúng tôi đi bộ đến nhóm họp theo nhóm. Thường xuyên ở bên nhau thật sự củng cố mối quan hệ của chúng tôi, giống như một gia đình”.
Bài học cho chúng ta
Ngày nay, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đang phải chịu những thử thách đến từ thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh, chiến tranh, sự bắt bớ và khó khăn kinh tế (2 Ti-mô-thê 3:1). Tuy vậy, chúng ta không nên lo lắng thái quá. Tại sao? Gương trung thành của các anh chị trong thời Đức Quốc Xã đảm bảo rằng Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng ta trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này. Vậy chúng ta muốn có tinh thần của sứ đồ Phao-lô khi ông viết: “Nhờ thế, chúng ta có sự can đảm và nói: ‘Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ chẳng sợ hãi gì. Loài người làm chi tôi được?’”.—Hê-bơ-rơ 13:6.
a Đọc câu chuyện cuộc đời của chị Poetzinger, “Đặt Nước Trời lên hàng đầu sau chiến tranh tại Đức”. (Anh ngữ)
b Đọc câu chuyện cuộc đời của anh Frost, “Thoát khỏi sự điều tra nhờ đức tin nơi Đức Chúa Trời”. (Anh ngữ)
c Để biết thêm chi tiết về công tác cứu trợ sau Thế chiến II, xin xem bài “Họ ban cho điều tốt nhất mình có” cũng như các khung nơi trang 211, 218, và 219 của sách Nước Đức Chúa Trời đang cai trị!
d Hiện nay các hội thánh sử dụng tờ Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức.