Làm sao để kiểm soát sự lo lắng?
Lo lắng thái quá có thể gây hại cho bạn về thể chất và tinh thần, thậm chí có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn là vấn đề mình lo lắng lúc đầu.
Gợi ý giúp giảm bớt lo lắng
Hạn chế tiếp nhận tin tiêu cực. Bạn không cần biết mọi chi tiết về một vấn đề nào đó đang xảy ra. Việc tiếp nhận quá nhiều tin xấu chỉ khiến bạn càng lo sợ và tuyệt vọng.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Tinh thần suy sụp làm sức hao mòn”.—Châm ngôn 17:22.
“Rất dễ để nghiện theo dõi tin tức mới và giật gân, nhưng thói quen đó không tốt. Tôi bớt lo lắng hơn nhiều khi giảm bớt lượng tin tức mà mình tiếp nhận”.—Anh John.
Hãy thử nghĩ: Bạn thật sự cần cập nhật tin tức nhiều đến vậy không?
Giữ nề nếp. Hãy cố gắng thức dậy, dùng bữa, làm những việc vặt và đi ngủ vào giờ nhất định. Có một thời gian biểu sẽ giúp bạn cảm thấy ổn định và bớt lo lắng hơn.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Kế hoạch người cần mẫn hẳn dẫn tới thành công”.—Châm ngôn 21:5.
“Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, nề nếp của tôi hoàn toàn đảo lộn, và tôi dành quá nhiều thời gian cho việc giải trí. Vì muốn sử dụng thời gian tốt hơn nên tôi lập một thời gian biểu cho những trách nhiệm tôi phải làm mỗi ngày”.—Anh Joseph.
Hãy thử nghĩ: Nề nếp của bạn có giúp bạn cảm thấy mình làm được điều hữu ích mỗi ngày không?
Chú tâm vào điều tích cực. Cứ nghĩ về những khả năng có thể xảy ra hoặc tưởng tượng những tình huống tồi tệ nhất chỉ khiến bạn càng thêm lo lắng. Thay vì thế, hãy nghĩ về hai hoặc ba điều mà bạn biết ơn.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy tỏ lòng biết ơn”.—Cô-lô-se 3:15.
“Đọc Kinh Thánh giúp tôi tránh tiếp nhận những tin tiêu cực và tập trung vào những điều tích cực. Điều đó có vẻ hiển nhiên, nhưng rất hiệu quả!”—Chị Lisa.
Hãy thử nghĩ: Bạn có khuynh hướng cứ nghĩ về những điều tiêu cực trong đời sống và bỏ qua những điều tích cực không?
Nghĩ đến người khác. Thay vì cô lập bản thân, là điều dễ xảy ra khi bạn bị choáng ngợp bởi sự lo lắng, hãy nghĩ đến cách bạn có thể giúp những người đang gặp khó khăn.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:4.
“Làm gì đó cho người khác giúp tôi hạnh phúc. Khi làm thế, tôi giúp người khác cảm thấy vui, đồng thời tôi cũng bớt lo lắng. Thực tế, tôi không có thời gian để lo lắng”.—Chị Maria.
Hãy thử nghĩ: Trong những người mà bạn biết, ai đang đặc biệt cần sự trợ giúp và bạn có thể làm gì để giúp họ?
Giữ sức khỏe. Tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ. Ăn uống lành mạnh. Chăm sóc sức khỏe về thể chất có thể giúp bạn cải thiện cái nhìn về đời sống và tránh lo lắng.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Việc tập thể dục có ích một phần”.—1 Ti-mô-thê 4:8, chú thích.
“Tôi và con trai không thể vận động ngoài trời như mong muốn. Vì thế, việc tập thể dục ở nhà đã trở thành một phần nề nếp của chúng tôi. Điều này giúp chúng tôi cảm thấy vui hơn và thậm chí đối xử với nhau tốt hơn”.—Chị Catherine.
Hãy thử nghĩ: Bạn có cần cải thiện chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục để có sức khỏe tốt hơn không?
Ngoài việc áp dụng những gợi ý trên để giảm bớt lo lắng, nhiều người đã nhận được lợi ích khi tìm hiểu những lời hứa đáng tin cậy trong Kinh Thánh về một tương lai tốt đẹp hơn. Xin xem bài “Nước Trời thực hiện những gì?”.