Trận chiến Ha-ma-ghê-đôn là gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Trận chiến Ha-ma-ghê-đôn nói đến cuộc chiến cuối cùng giữa các chính phủ loài người với Đức Chúa Trời. Ngay cả bây giờ, các chính phủ này và những người ủng hộ họ cũng chống đối Đức Chúa Trời bằng cách từ chối phục tùng sự cai trị của ngài (Thi thiên 2:2). Trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của con người.—Đa-ni-ên 2:44.
Từ “Ha-ma-ghê-đôn” chỉ xuất hiện một lần trong Kinh Thánh, nơi Khải huyền 16:16. Lời tiên tri trong sách này cho biết rằng tại “một chỗ mà trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn”, “các vua trên khắp đất” sẽ quy tụ lại “cho cuộc chiến trong ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng”.—Khải huyền 16:14.
Ai sẽ chiến đấu tại Ha-ma-ghê-đôn? Chúa Giê-su Ki-tô sẽ dẫn đầu đạo quân trên trời để đánh bại kẻ thù của Đức Chúa Trời (Khải huyền 19:11-16, 19-21). Kẻ thù này gồm những người chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời và khinh thường ngài.—Ê-xê-chi-ên 39:7.
Có phải trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ diễn ra ở Trung Đông? Không. Thay vì chỉ giới hạn trong một nơi, trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ xảy ra trên toàn thế giới.—Giê-rê-mi 25:32-34; Ê-xê-chi-ên 39:17-20.
Ha-ma-ghê-đôn (tiếng Hê-bơ-rơ là Har Meghiddohnʹ) có nghĩa là “núi Mê-ghi-đô”. Mê-ghi-đô từng là một thành thuộc lãnh thổ Y-sơ-ra-ên xưa. Lịch sử cho thấy đây là nơi diễn ra những cuộc chiến mang tính quyết định, trong đó có một số được ghi lại trong Kinh Thánh (Quan xét 5:19, 20; 2 Các vua 9:27; 23:29). Tuy nhiên, Ha-ma-ghê-đôn không thể nào nói đến một nơi gần Mê-ghi-đô cổ xưa. Không có núi nào lớn ở đó, ngay cả toàn bộ thung lũng Gít-rê-ên kế cận cũng không thể chứa tất cả những người sẽ chiến đấu với Đức Chúa Trời. Thay vì thế, Ha-ma-ghê-đôn là tình trạng thế giới khi các nước nhóm lại để chống lại sự cai trị của Đức Chúa Trời.
Tình trạng sẽ như thế nào trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn? Dù chúng ta không biết Đức Chúa Trời sẽ dùng quyền năng của ngài như thế nào, nhưng ngài có sẵn những loại vũ khí mà ngài đã dùng trong quá khứ, chẳng hạn như mưa đá, động đất, mưa xối xả, lửa và diêm sinh, tia chớp và dịch bệnh (Gióp 38:22, 23; Ê-xê-chi-ên 38:19, 22; Ha-ba-cúc 3:10, 11; Xa-cha-ri 14:12). Trong sự hỗn loạn, sẽ có những kẻ thù của Đức Chúa Trời giết lẫn nhau, và cuối cùng họ nhận ra chính ngài đang chiến đấu với họ.—Ê-xê-chi-ên 38:21, 23; Xa-cha-ri 14:13.
Ha-ma-ghê-đôn có phải là ngày tận thế của thế gian không? Cuộc chiến này không hủy diệt hành tinh của chúng ta vì trái đất là ngôi nhà vĩnh cửu của nhân loại (Thi thiên 37:29; 96:10; Truyền đạo 1:4). Ha-ma-ghê-đôn không hủy diệt nhưng bảo vệ nhân loại, vì “một đám đông lớn” các tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ được sống sót.—Khải huyền 7:9, 14; Thi thiên 37:34.
Nhưng ngoài việc nói đến trái đất, từ “thế gian” trong Kinh Thánh đôi khi ám chỉ xã hội loài người gian ác chống lại Đức Chúa Trời (1 Giăng 2:15-17). Theo nghĩa đó, Ha-ma-ghê-đôn là “ngày tận thế” của thế gian.—Ma-thi-ơ 24:3, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Ha-ma-ghê-đôn sẽ diễn ra khi nào? Khi nói về “hoạn nạn lớn”, biến cố có đỉnh điểm là trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su cho biết: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết, kể cả thiên sứ trên trời hay Con cũng vậy, nhưng chỉ mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:21, 36). Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy rằng Ha-ma-ghê-đôn diễn ra trong kỳ hiện diện vô hình của Chúa Giê-su (kỳ hiện diện ấy bắt đầu vào năm 1914).—Ma-thi-ơ 24:37-39.