Kinh Torah là gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Từ “Torah” xuất phát từ tiếng Hê-bơ-rơ là toh·rahʹ, có thể được dịch là “lời khuyên răn”, “sự khuyên-dạy” hoặc “luật-pháp” a (Châm-ngôn 1:8, Bản Phổ thông; 3:1; 28:4). Những ví dụ sau cho thấy cách từ Hê-bơ-rơ này được dùng trong Kinh Thánh:
Toh·rahʹ thường được biết đến là năm sách đầu tiên của Kinh Thánh: Sáng-thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký và Phục-truyền Luật-lệ Ký. Năm sách này còn được gọi là Ngũ Thư, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tập năm quyển”. Kinh Torah do Môi-se viết, vì vậy được gọi là “sách luật-pháp Môi-se” (Giô-suê 8:31; Nê-hê-mi 8:1). Có bằng chứng cho thấy lúc đầu nó chỉ là một quyển, nhưng sau này được chia ra cho dễ sử dụng.
Toh·rahʹ cũng được dùng để nói đến những luật cụ thể trong luật pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên, chẳng hạn như “luật [toh·rahʹ] về của-lễ chuộc tội”, “luật-lệ về bịnh phung” và “luật-lệ về người Na-xi-rê”.—Lê-vi Ký 6:25; 14:57; Dân-số Ký 6:13.
Toh·rahʹ đôi khi nói đến lời khuyên răn và sự khuyên dạy của cha mẹ, người khôn ngoan hoặc Đức Chúa Trời.—Châm-ngôn 1:8, Bản Phổ thông; 3:1; 13:14; Ê-sai 2:3, Bản Phổ thông.
Kinh Torah, hay Ngũ Thư, chứa đựng những gì?
Lịch sử về cách Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại từ thời sáng tạo đến khi Môi-se qua đời.—Sáng-thế Ký 1:27, 28; Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:5.
Các luật lệ trong Luật pháp Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3). Luật pháp Môi-se gồm hơn 600 điều lệ. Một trong những điều lệ nổi bật là Shema, hay lời tuyên xưng đức tin của người Do Thái. Một đoạn của Shema viết: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9). Chúa Giê-su nói đây là “điều răn đầu tiên và quan trọng nhất”.—Ma-thi-ơ 22:36-38.
Danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, xuất hiện khoảng 1.800 lần. Thay vì cấm dùng danh Đức Chúa Trời, kinh Torah có những mệnh lệnh đòi hỏi dân Đức Chúa Trời phát âm danh ấy.—Dân-số Ký 6:22-27; Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:13; 10:8; 21:5.
Những quan niệm sai về kinh Torah
Quan niệm sai: Các điều luật trong kinh Torah là bất hủ, luôn có hiệu lực.
Sự thật: Một số điều lệ cụ thể trong kinh Torah, bao gồm điều lệ về ngày Sa-bát, chức tế lễ và ngày Lễ Chuộc Tội, được một số bản dịch Kinh Thánh miêu tả là có giá trị “mãi mãi” hoặc “đời đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:16; 40:15; Lê-vi Ký 16:33, 34). Tuy nhiên, từ Hê-bơ-rơ được dùng trong những câu này cũng có thể có nghĩa là tồn tại trong một thời gian không xác định, không nhất thiết là tồn tại mãi mãi. b Sau khi giao ước Luật pháp Môi-se có hiệu lực khoảng 900 năm, Đức Chúa Trời báo trước ngài sẽ thay thế nó bằng “một giao-ước mới” (Giê-rê-mi 31:31-33). “Khi nói ‘giao ước mới’ là [Đức Chúa Trời] đã làm cho giao ước cũ hết hiệu lực” (Hê-bơ-rơ 8:7-13). Khoảng 2.000 năm trước, giao ước Luật pháp đã bị thay thế dựa trên cơ sở là cái chết của Chúa Giê-su.—Ê-phê-sô 2:15.
Quan niệm sai: Luật truyền khẩu của người Do Thái và kinh Talmud có thẩm quyền tương đương với kinh Torah.
Sự thật: Không bằng chứng nào trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời ban cho Môi-se kinh Torah cùng với một luật truyền khẩu. Thay vì vậy, Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27). Luật truyền khẩu chứa những truyền thống Do Thái giáo bắt nguồn từ người Pha-ri-si. Sau này, luật ấy được chép lại và gọi là sách Mishnah, cuối cùng trở thành nền tảng cho kinh Talmud. Những truyền thống trong đó mâu thuẫn với kinh Torah. Thế nên, Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-si: “Các ông đã vì truyền thống của mình mà làm cho lời Đức Chúa Trời trở nên vô giá trị”.—Ma-thi-ơ 15:1-9.
Quan niệm sai: Phụ nữ không được phép học kinh Torah.
Sự thật: Trong Luật pháp Môi-se có một luật lệ là phải đọc toàn bộ Luật pháp cho cả dân Y-sơ-ra-ên nghe, bao gồm phụ nữ và trẻ em. Tại sao? “Để chúng nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:10-12. c
Quan niệm sai: Kinh Torah chứa những thông điệp ẩn bí.
Sự thật: Người ghi lại kinh Torah là Môi-se nói rằng thông điệp trong đó rất rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được, không bị ẩn giấu trong một mật mã (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:11-14). Thuyết cho rằng kinh Torah chứa những thông điệp ẩn bí xuất phát từ Kabbalah, hay thuyết thần bí truyền thống của Do Thái. Thuyết này dùng phương pháp “khéo bịa đặt” để suy diễn Kinh Thánh. d—2 Phi-e-rơ 1:16.
a Xem bản hiệu đính của The Strongest Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible, mục 8451, phần “Hebrew-Aramaic Dictionary-Index to the Old Testament”.
b Xem Theological Wordbook of the Old Testament, Tập 2, trang 672, 673.
c Trái với điều kinh Torah dạy, truyền thống Do Thái giáo thường cấm phụ nữ học kinh Torah. Ví dụ, sách Mishnah trích một câu nói của Ráp-bi Eliezer ben Hyrcanus như sau: “Kẻ nào dạy con gái mình kinh Torah thì chẳng khác nào dạy nó điều bậy bạ” (Sotah 3:4). Sách Jerusalem Talmud cũng ghi lại một câu khác của ông: “Thà thiêu hủy kinh Torah trong lửa còn hơn là dạy lại cho phụ nữ”.—Sotah 3:19a.
d Ví dụ, Bách khoa từ điển Do Thái (Encyclopaedia Judaica) miêu tả quan điểm của thuyết Kabbalah về kinh Torah như sau: “Kinh Torah không mang một nghĩa cụ thể, nhưng có rất nhiều tầng nghĩa khác nhau”.—Ấn bản thứ hai, Tập 11, trang 659.