Đi đến nội dung

Kinh Thánh nói gì về việc kiêng ăn?

Kinh Thánh nói gì về việc kiêng ăn?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Vào thời Kinh Thánh, việc kiêng ăn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời miễn là người kiêng ăn có động cơ đúng, còn không thì ngài không hài lòng. Tuy nhiên, Kinh Thánh không bắt buộc cũng không cấm người thời nay kiêng ăn.

Vì sao người vào thời Kinh Thánh kiêng ăn?

  •   Để xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và hướng dẫn. Những người trở về Giê-ru-sa-lem đã kiêng ăn để cho thấy họ tha thiết mong muốn Đức Chúa Trời giúp đỡ (Ê-xơ-ra 8:​21-​23). Phao-lô và Ba-na-ba cũng có lúc kiêng ăn trước khi bổ nhiệm trưởng lão trong hội thánh.​—Công vụ 14:23.

  •   Để tập trung vào ý muốn của Đức Chúa Trời. Sau khi chịu phép báp-têm, Chúa Giê-su kiêng ăn trong 40 ngày để chuẩn bị thi hành thánh chức.​—Lu-ca 4:​1, 2.

  •   Để thể hiện lòng ăn năn. Qua nhà tiên tri Giô-ên, Đức Chúa Trời kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên bất trung: “Hãy hết lòng trở về cùng ta, hãy kiêng ăn, khóc lóc và kêu gào”.​—Giô-ên 2:​12-​15.

  •   Để cử hành Ngày Chuộc Tội. Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên có lệnh kiêng ăn vào Ngày Chuộc Tội hằng năm a (Lê-vi 16:29-​31). Việc kiêng ăn vào dịp ấy là thích hợp vì nhắc dân chúng nhớ rằng họ là những người tội lỗi cần Đức Chúa Trời tha thứ.

Có một số động cơ không đúng nào khi kiêng ăn?

  •   Để phô trương. Chúa Giê-su dạy rằng kiêng ăn là việc riêng giữa một người với Đức Chúa Trời.​—Ma-thi-ơ 6:​16-​18.

  •   Để chứng tỏ mình công chính. Việc kiêng ăn tự nó không khiến cho một người trở nên trong sạch hơn hay có đời sống tâm linh cao hơn người khác.​—Lu-ca 18:​9-14.

  •   Để đền tội khi đã cố ý vi phạm luật pháp (Ê-sai 58:3, 4). Đức Chúa Trời chỉ hài lòng khi việc kiêng ăn đi đôi với sự vâng lời và sự hối lỗi chân thành.

  •   Để cho có lệ (Ê-sai 58:5-7). Như một người cha, Đức Chúa Trời không hài lòng khi con mình thể hiện tình yêu thương chỉ vì bổn phận chứ không phải từ tấm lòng.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có phải kiêng ăn không?

 Không. Đức Chúa Trời từng đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên kiêng ăn vào Ngày Chuộc Tội, nhưng ngài đã xóa bỏ lễ này sau khi Chúa Giê-su chuộc tội một lần đủ cả cho những người biết ăn năn (Hê-bơ-rơ 9:24-26; 1 Phi-e-rơ 3:18). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không phải giữ Luật pháp Môi-se, kể cả Ngày Chuộc Tội (Rô-ma 10:4; Cô-lô-se 2:13, 14). Vậy, mỗi người có thể tự quyết định kiêng ăn hay là không.​—Rô-ma 14:1-4.

 Chúng ta hiểu là việc kiêng ăn không đóng vai trò quan trọng nhất trong sự thờ phượng. Kinh Thánh không liên kết việc kiêng ăn với niềm vui. Chính việc thờ phượng Đức Chúa Trời mới gắn liền với niềm vui và hạnh phúc, vì Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”.​—1 Ti-mô-thê 1:11; Truyền đạo 3:12, 13; Ga-la-ti 5:22.

Những quan niệm sai liên quan đến việc kiêng ăn

 Quan niệm sai: Sứ đồ Phao-lô khuyến giục vợ chồng nên kiêng ăn.​—1 Cô-rinh-tô 7:5, King James Version.

 Sự thật: Các bản chép tay xưa nhất không có cụm từ “kiêng ăn” nơi 1 Cô-rinh-tô 7:5. b Hẳn là những người sao chép đã thêm cụm từ này vào. Họ cũng làm thế nơi Ma-thi-ơ 17:21; Mác 9:29; Công vụ 10:30. Hầu hết các bản dịch sau này đều loại bỏ cụm từ không chính xác này.

 Quan niệm sai: Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên kiêng ăn để tưởng nhớ thời gian 40 ngày Chúa Giê-su kiêng ăn trong hoang mạc sau khi chịu phép báp-têm.

 Sự thật: Chúa Giê-su không truyền cho các môn đồ phải làm điều đó, và cũng không nơi nào trong Kinh Thánh cho biết các tín đồ thời ban đầu đã giữ việc kiêng ăn. c

 Quan niệm sai: Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên kiêng ăn để tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su.

 Sự thật: Chúa Giê-su không truyền cho các môn đồ phải kiêng ăn để tưởng nhớ cái chết của ngài (Lu-ca 22:14-18). Chúa Giê-su có nói các môn đồ sẽ kiêng ăn khi ngài chết. Nhưng ngài không có ý đặt ra một luật kiêng ăn mà chỉ đơn thuần cho biết điều đó sẽ xảy ra (Ma-thi-ơ 9:15). Kinh Thánh còn chỉ thị ai đói thì hãy ăn ở nhà trước khi cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su.​—1 Cô-rinh-tô 11:33, 34.

a Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi sẽ hãm mình” (Lê-vi 16:29, 31, Nguyễn Thế Thuấn). Cụm từ “hãm mình” hay “hành mình” có nghĩa là kiêng ăn (Ê-sai 58:3). Vì vậy, Bản Phổ thông dịch câu trên là: “Các ngươi phải cữ ăn”.

b Xem A Textual Commentary on the Greek New Testament, của Bruce M. Metzger, tái bản lần thứ ba, trang 554.

c Về lịch sử 40 ngày kiêng ăn của Mùa Chay, cuốn Tân bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia) cho biết: “Từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ ba công nguyên, việc giữ chay để chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh thường kéo dài từ một đến hai ngày, tối đa là một tuần... Lần đầu tiên con số 40 ngày được nhắc tới là trong khoản luật thứ năm của Công đồng Nicaea (năm 325). Tuy nhiên, một số học giả cho rằng đây không có ý nói đến Mùa Chay”.​—Tái bản lần thứ hai, Tập 8, trang 468.