GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Những điều nên biết về nạn xâm hại tình dục?—Phần 1: Đề phòng
Xâm hại tình dục là gì?
Dù luật pháp mỗi nơi định nghĩa mỗi khác, nhưng cụm từ “xâm hại tình dục” có thể được hiểu là hành vi tình dục không tự nguyện, trong một số trường hợp còn dùng đến vũ lực. Xâm hại tình dục có thể bao gồm việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, loạn luân, cưỡng hiếp và bóc lột tình dục bởi những người được xem là đáng tin cậy, chẳng hạn như bác sĩ, giáo viên hoặc giới tăng lữ. Các nạn nhân bị quấy rối tình dục, dù qua lời nói hay về thể chất, thường bị đe dọa hãm hại nếu nói ra sự việc.
Theo một thống kê, riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có gần 250.000 người khai báo đã bị xâm hại tình dục. Trong số đó, gần một nửa là các em ở độ tuổi từ 12 đến 18.
Điều nên biết
Kinh Thánh lên án việc xâm hại tình dục. Kinh Thánh tường thuật về sự kiện một đám đông háo dục đã tìm cách cưỡng hiếp hai người đàn ông ghé thăm thành Sô-đôm khoảng 4.000 năm trước. Đây là một lý do Đức Giê-hô-va hủy diệt thành này (Sáng-thế Ký 19:4-13). Ngoài ra, Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho Môi-se khoảng 3.500 năm trước cấm hành vi loạn luân, bao gồm việc xâm hại tình dục một thành viên trong gia đình.—Lê-vi Ký 18:6.
Hầu hết thủ phạm là người quen của nạn nhân. Một cuốn sách về cách giáo dục giới tính cho con (Talking Sex With Your Kids) viết: “Trong 2/3 các vụ cưỡng hiếp, thủ phạm là người mà nạn nhân quen biết. Hắn không phải là một người lạ đột nhiên xuất hiện”.
Cả nam lẫn nữ đều có thể là nạn nhân. Tại Hoa Kỳ, khoảng 10% nạn nhân là nam giới. Theo tổ chức chống bạo hành tình dục Rape, Abuse & Incest National Network (RAINN), các nạn nhân nam có thể lo sợ là mình sẽ “bớt nam tính hơn” hoặc “trở thành người đồng tính sau khi bị xâm hại”.
Nạn xâm hại tình dục ngày càng phổ biến không phải là điều đáng ngạc nhiên. Kinh Thánh báo trước rằng trong “những ngày sau cùng”, nhiều người sẽ “thiếu tình thương tự nhiên”, “hung dữ” và “thiếu tự chủ” (2 Ti-mô-thê 3:1-3). Rõ ràng, những kẻ lợi dụng người khác về tình dục đang bộc lộ các tính cách này.
Bị xâm hại tình dục không phải là lỗi của nạn nhân. Không ai đáng bị lợi dụng về tình dục. Thủ phạm mới chính là kẻ phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Tuy nhiên, bạn có thể làm vài điều để giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Điều bạn có thể làm
Chuẩn bị trước. Hãy suy nghĩ trước những điều phải làm nếu có ai đó, thậm chí là người yêu hay người thân, ép bạn làm “chuyện ấy”. Một chị trẻ tên Erin khuyên là để chuẩn bị đối phó với bất kỳ áp lực nào của bạn bè, bạn nên thực tập trước tình huống có thể xảy ra và cách ứng phó. Chị nói: “Phương pháp này có vẻ nực cười nhưng khi bạn gặp tình huống thực tế trong đời sống, nó có thể cứu bạn thoát nạn”.
Kinh Thánh nói: “Hãy giữ gìn cẩn thận cách ăn ở của anh em, chớ ăn ở như người dại dột nhưng như người khôn ngoan,... vì chúng ta đang sống trong thời buổi xấu xa”.—Ê-phê-sô 5:15, 16.
Hãy tự hỏi: “Mình sẽ làm gì nếu có người chạm vào mình với ý đồ đen tối?”.
Tính sẵn “kế thoát thân”. Tổ chức RAINN khuyên bạn nên “có mật hiệu riêng với bạn bè hoặc người thân để nếu cảm thấy bất an, bạn có thể gọi báo cho họ biết mà không bị những người xung quanh phát hiện. Khi đó, bạn bè hoặc người thân có thể đến đón bạn hoặc kiếm cớ để xin cho bạn ra về”. Tốt nhất là ngay từ đầu đừng đặt mình vào những tình huống nguy hiểm. Như thế bạn sẽ tránh được nhiều nỗi đau.
Kinh Thánh nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”.—Châm-ngôn 22:3.
Hãy tự hỏi: “‘Kế thoát thân’ của mình là gì?”.
Đặt ra và giữ đúng giới hạn. Ví dụ, nếu đang hẹn hò, bạn và người yêu nên bàn bạc những cử chỉ hoặc hành vi nào là được phép và không được phép. Nếu người yêu của bạn cho rằng việc đặt ra giới hạn là ngớ ngẩn thì bạn nên tìm người khác, một người biết tôn trọng tiêu chuẩn của bạn.
Kinh Thánh nói: “Người có tình yêu thương thì... không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.
Hãy tự hỏi: “Tiêu chuẩn của mình là gì? Những cử chỉ hoặc hành vi nào là vượt quá giới hạn cho phép?”.