Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Mác 1:15​—“Nước Đức Chúa Trời đã đến gần”

Mác 1:15​—“Nước Đức Chúa Trời đã đến gần”

 “Kỳ định đã đến, Nước Đức Chúa Trời đã gần kề. Hãy ăn năn và tin vào tin mừng”.​—Mác 1:15, Bản dịch Thế Giới Mới.

 “Giờ đã điểm, Nước Đức Chúa Trời đã đến gần, hãy ăn năn và tin nhận Phúc Âm”.—Mác 1:15, Bản Dịch Mới.

Ý nghĩa của Mác 1:15

 Chúa Giê-su Ki-tô nói với người nghe rằng Nước Đức Chúa Trời a “đã đến gần”, hay “đã gần kề”, vì ngài sẽ là Vua của Nước ấy và đang đứng trước mặt họ.

 Chúa Giê-su không muốn nói rằng Nước Trời đã bắt đầu cai trị. Thậm chí sau này ngài còn cho các môn đồ biết rằng Nước Đức Chúa Trời vẫn chưa đến (Công vụ 1:6, 7). Tuy nhiên, ngài đã đến đúng thời điểm, vào chính năm mà Kinh Thánh đã tiên tri là ngài sẽ xuất hiện với tư cách vị Vua tương lai. b Vì thế, Chúa Giê-su có thể nói: “Kỳ định đã đến”, tức là kỳ định để ngài bắt đầu thánh chức rao giảng phúc âm, hay tin mừng, về Nước Trời.—Lu-ca 4:16-21, 43.

 Muốn nhận được lợi ích từ tin mừng về Nước Trời, những người nghe Chúa Giê-su phải ăn năn, tức hối hận về tội lỗi mình đã phạm, và sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Khi ăn năn tội lỗi, họ chứng tỏ mình đặt đức tin nơi tin mừng về Nước Trời sẽ đến trong tương lai.

Văn cảnh của Mác 1:15

 Chúa Giê-su nói những lời này ở Ga-li-lê, khi ngài bắt đầu thi hành thánh chức. Lời tường thuật tương ứng nơi Ma-thi-ơ 4:17 nói rằng “từ lúc đó”, Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng về Nước Đức Chúa Trời. Nước Trời là chủ đề rao giảng của Chúa Giê-su. Thật vậy, Nước này được đề cập hơn 100 lần trong bốn sách Phúc âm, c đa số là trong lời của Chúa Giê-su. Trong lời tường thuật của Kinh Thánh, Chúa Giê-su nói về Nước Đức Chúa Trời nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác.

Hãy đọc Mác chương 1 cùng với các chú thích và phần đối chiếu.

a Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ ở trên trời do Đức Chúa Trời thành lập để thực hiện ý định của ngài đối với trái đất (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:10). Để biết thêm thông tin, xin xem bài “Nước Đức Chúa Trời là gì?”.

b Chúa Giê-su phải trở thành vua để hoàn tất một trong những vai trò của Đấng Mê-si, người đại diện đặc biệt của Đức Chúa Trời. Để biết thêm về các lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, xin xem bài “Chúa Giê-su có làm ứng nghiệm các lời tiên tri về Đấng Mê-si không?”.

c Phúc âm là bốn sách đầu tiên của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, thường được gọi là Tân ước, tường thuật về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su.