GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH
Hê-bơ-rơ 11:1—“Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng”
“Đức tin là sự tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật, là bằng chứng rõ ràng của những điều có thật nhưng không nhìn thấy được”.—Hê-bơ-rơ 11:1, Bản dịch Thế Giới Mới.
“Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.—Hê-bơ-rơ 11:1, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Ý nghĩa của Hê-bơ-rơ 11:1
Câu này đưa ra định nghĩa súc tích nhất của Kinh Thánh về đức tin, và cho thấy đức tin bao hàm nhiều hơn là chỉ tin.
“Đức tin là sự tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật”. Trong nguyên ngữ của Hê-bơ-rơ 11:1, từ Hy Lạp được dịch là “đức tin” mang nghĩa là sự tin chắc, tin cậy hay việc được thuyết phục để tin. Đức tin như thế không dựa trên mong ước viển vông, nhưng là “sự tin chắc”. Từ Hy Lạp được dịch là “sự tin chắc” a cũng có thể dịch là “giấy chứng nhận”, nói đến sự cam đoan để đảm bảo và giúp một người tin chắc là mình sở hữu điều gì đó.
“Đức tin... là bằng chứng rõ ràng [hay “bằng chứng có sức thuyết phục”, chú thích] của những điều có thật nhưng không nhìn thấy được”. Đức tin có được nhờ bằng chứng vững chắc. Bằng chứng ấy mạnh mẽ đến mức thuyết phục một người tin điều gì đó là có thật dù không nhìn thấy được.
Văn cảnh của Hê-bơ-rơ 11:1
Sách Hê-bơ-rơ là lá thư sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất sống trong thành Giê-ru-sa-lem và những vùng gần đó. Trong chương này, Phao-lô thảo luận về tầm quan trọng của đức tin. Chẳng hạn, ông viết: “Không có đức tin thì chẳng thể nào làm vui lòng Đức Chúa Trời, vì người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và ngài là đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Sau khi định nghĩa đức tin nơi Hê-bơ-rơ 11:1, Phao-lô liệt kê gương của những người nam và nữ trong Kinh Thánh đã thể hiện phẩm chất này. Ông kể lại việc họ thể hiện đức tin bằng cách hành động phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 11:4-38.
a Cụm từ “sự tin chắc” được dịch từ một từ Hy Lạp là hy·poʹsta·sis, có thể dịch sát là “phần bên dưới, nền móng”. Một số bản Kinh Thánh khác dịch là “bảo đảm” hoặc “thực chất”.