GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH
Dân số 6:24-26—“Cầu xin CHÚA ban phước và gìn giữ ngươi”
“Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước và gìn giữ anh em. Nguyện Đức Giê-hô-va khiến mặt ngài chiếu sáng trên anh em và ban ơn cho anh em. Nguyện Đức Giê-hô-va ngước mặt ngài về phía anh em và ban cho anh em sự bình an”.—Dân số 6:24-26, Bản dịch Thế Giới Mới.
“Cầu xin CHÚA ban phước và gìn giữ ngươi. Cầu xin CHÚA tỏ lòng nhân từ và bác ái đối với ngươi. Cầu xin CHÚA chăm nom và ban bình an cho ngươi”.—Dân số 6:24-26, Bản Phổ thông.
Ý nghĩa của Dân số 6:24-26
Những lời này được biết đến là lời chúc phước của các thầy tế lễ hay của dòng A-rôn, ông là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ai Cập 28:1). Đức Chúa Trời là Nguồn của sự chúc phước đó (Dân số 6:22, 23). Ngài phán với Môi-se: “Hãy bảo A-rôn và các con trai người rằng: ‘Đây là cách các anh chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên’”, sau đó, ngài nói những lời nơi Dân số 6:24-26. Những thầy tế lễ trung thành đã vâng theo mệnh lệnh đó. Họ cũng tôn vinh danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. a Nơi câu 27 có viết: “Họ [các thầy tế lễ] phải rao báo danh ta trên dân Y-sơ-ra-ên để ta ban phước cho dân chúng”.
“Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước và gìn giữ anh em”. Đức Giê-hô-va ban phước cho những người thờ phượng ngài bằng cách bảo vệ, hướng dẫn, cũng như cho họ sự thành công (Châm ngôn 10:22). Trong nguyên ngữ, đại từ “anh em” nơi Dân số 6:24-26 được dùng ở dạng số ít trong mỗi lần xuất hiện. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời không chỉ có ước muốn ban phước cho cả nước Y-sơ-ra-ên nói chung, mà còn cho mỗi người Y-sơ-ra-ên nói riêng.
“Nguyện Đức Giê-hô-va khiến mặt ngài chiếu sáng trên anh em và ban ơn cho anh em”. Xin Đức Chúa Trời “khiến mặt ngài chiếu sáng trên” một người là cầu xin ngài ban ơn và chấp nhận người đó. b Câu này cũng có thể được dịch là: “Nguyện CHÚA nở nụ cười trên anh em” (Dân số 6:25, New International Reader’s Version). Đức Giê-hô-va ban ơn cho dân ngài bằng cách tỏ lòng nhân từ, trắc ẩn và thương xót với họ.—Ê-sai 30:18.
“Nguyện Đức Giê-hô-va c ngước mặt ngài về phía anh em và ban cho anh em sự bình an”. Đức Giê-hô-va “ngước mặt ngài” về phía những người thờ phượng bằng cách yêu thương chú ý đến họ và ban cho sự bình an. Theo một tài liệu tham khảo, “từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là bình an (shalom) không chỉ nói đến tình trạng không có xung đột, nhưng cũng nói đến sự an ổn và đầy đủ cả về mặt thể chất lẫn thiêng liêng”.
Để nhận được lời chúc phước trong các câu Kinh Thánh trên, dân Y-sơ-ra-ên phải vâng lời Đức Giê-hô-va (Lê-vi 26:3-6, 9). Khi họ làm thế, Đức Giê-hô-va đã làm trọn lời ngài hứa. Điều này được thấy rõ trong triều đại của một số vua Y-sơ-ra-ên như Sa-lô-môn và Ê-xê-chia.—1 Các vua 4:20, 25; 2 Sử ký 31:9, 10.
Mặc dù tín đồ đạo Đấng Ki-tô không cần phải lặp đi lặp lại những lời chúc phước trên, nhưng họ có thể bày tỏ cảm nghĩ tương tự khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời về người khác hoặc khi khích lệ anh em đồng đạo (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, 25). Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. Ngài luôn muốn ban phước và bảo vệ những người trung thành thờ phượng ngài. Do đó, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính có thể được bình an vì biết rằng ‘gương mặt’ chấp thuận của Đức Giê-hô-va đang chiếu sáng trên họ.
Văn cảnh của Dân số 6:24-26
Mười chương đầu của sách Dân số ghi lại những chỉ dẫn mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ đóng trại gần núi Si-nai trong lộ trình vào Đất Hứa. Trong khoảng một năm họ đóng trại ở đó, Đức Giê-hô-va đã tổ chức dân ngài thành một nước và ban cho họ một bộ luật được gọi là giao ước Luật pháp.
Đức Giê-hô-va cũng phán với Môi-se về việc A-rôn và các con trai của ông, là những người đã được chọn làm thầy tế lễ, nên chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên như thế nào (Dân số 6:22, 23). Sau đó, A-rôn và con cháu của ông đã dùng những lời nơi Dân số 6:24-26 để chúc phước cho dân chúng. Với thời gian, việc thầy tế lễ nhắc lại lời chúc phước đã trở thành một truyền thống vào cuối mỗi ngày dâng vật tế lễ tại đền thờ.
Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Dân số.
a Tên riêng của Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ thường được dịch là Giê-hô-va trong tiếng Việt. Để biết lý do nhiều bản dịch Kinh Thánh dùng tước vị Chúa thay vì danh riêng của ngài, xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.
b Trái lại, Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va ẩn mặt khỏi dân Y-sơ-ra-ên khi ngài không chấp nhận các việc làm của họ.—Ê-sai 59:2; Mi-chê 3:4.
c Theo Kinh Thánh bản học hỏi NIV (NIV Study Bible), việc lặp lại danh Đức Chúa Trời trong những câu Kinh Thánh này “là để nhấn mạnh [danh ấy] và làm nổi bật những lời ở [câu 27]”. Thế nhưng, một số người cho rằng việc lặp lại danh Đức Chúa Trời ba lần trong các câu Kinh Thánh này ủng hộ quan điểm Đức Chúa Trời là Chúa Ba Ngôi. Điều này không đúng. Một sách bình luận Kinh Thánh ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi thừa nhận rằng việc sử dụng danh Đức Chúa Trời ba lần “không hề khiến thầy tế lễ hoặc những người nhận sự chúc phước nghĩ đến một ý tưởng như thế. Đối với họ, việc lặp lại danh Đức Chúa Trời ba lần chỉ thêm lên vẻ đẹp và sự trọn vẹn cho những lời chúc phước” (The Pulpit Commentary, Tập 2, trang 52). Để biết thêm thông tin, xin xem bài “Đức Chúa Trời có phải là Chúa Ba Ngôi?”.